Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa – Quan niệm và cách giải quyết

Về xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa, chúng ta được biết vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có 2 phương án: Phương án 1, Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa (SGK). Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay các cấp lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiêng về Phương án 1. Trên dư luận xã hội, cả hai phương án này đều đang nảy sinh các tranh cãi khác nhau. Có thể khái quát các tranh luận đang nảy sinh xung quanh vấn đề này là: -Thứ nhất, về số lượng bộ sách giáo khoa: Sẽ chỉ có 01 (một) bộ sách giáo khoa chuẩn (hoặc được coi là chuẩn) để dùng thống nhất dạy cho học sinh các lớp ở tất cả các trường trong cả nước. -Thứ hai, về người đứng ra tổ chức viết và thẩm định sách giáo khoa (vấn đề này đồng nghĩa với việc, ai sẽ là chủ của các bộ sách giáo khoa này- cũng có nghĩa là ai sẽ là người nắm tiền, được sử dụng tiền chi cho việc biên soạn SGK này). Tôi xin tham gia ý kiến về hai vấn đề được nêu. Về vấn đề thứ nhất, phải chăng ta chỉ cần một bộ SGK cho một đối tượng, một lớp nào đó, mà không phải là cần có nhiều bộ SGK như các nước đang làm. Trước hết, muốn có được SGK, phải phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản mức tối thiểu cần phải đạt được đến đâu (quy định chuẩn tối thiểu chứ không phải là chuẩn tối đa). Trên cơ sở chuẩn kiến thức tối thiểu phải đạt này, mới đặt vấn đề thể hiện ở các SGK cần biên soạn cho phù hợp.

Một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK đáp ứng tùy theo sắc thái của các đối tượng người học khác nhau sẽ có hiệu quả hơn nhiều nếu như chỉ có một bộ SGK thống nhất, chẳng hạn SGK về môn Văn cho lớp phân ban Khoa học tự nhiên sẽ không thể giống như SGK cho học sinh được phân ban về khoa học xã hội. Một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ có những ưu việt: +Làm cho tri thức trang bị cho học sinh hết sức phong phú, kích thích trí tưởng tượng, say mê hứng thú học tập của học sinh. +Làm cho học sinh tự nhận ra nhận thức của con người là không có giới hạn. Kích thích trí sáng tạo, tìm tòi phát hiện, kích thích khả năng phân tích, phán đoán, lựa chọn, kích thích phát triển năng lực vốn có phù hợp ở trẻ. Hiện tại ta chủ trương dạy học theo hướng tiếp cận năng lực cũng chính là ở chỗ này. +Nhiều SGK cùng đáp ứng một chương trình được quy chuẩn sẵn, làm cho nội dung giáo dục cho người học đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại từ nhiều góc độ, nhiều cách nhìn, và đây cũng là mục đích giáo dục mà ta đang theo đuổi. +Nhiều SGK cùng đáp ứng cho một chương trình đào tạo sẽ làm cho chương trình sống động hơn, nội dung học tập, các tri thức mà người học tiếp thu được không bị chết cứng, cả chương trình và SGK có thể tồn tại lâu dài hơn và trong quá trình đào tạo, những SGK mới đương nhiên theo quy luật khách quan sẽ được xuất hiện lại bổ sung cho những điều cần cập nhật phù hợp với thực tiễn mới, làm cho quá trình giáo dục, dạy học sinh động, liên tục phát triển. +Chấp nhận sự tồn tại của nhiều bộ SGK cùng đáp ứng cho một chương trình (đương nhiên, những SGK này không được sai phạm về tri thức khoa học) sẽ là động lực kích thích sự năng động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, ý thức trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của người thầy cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước.

Trong một số SGK có thể sử dụng được, một người thầy giỏi sẽ là người biết hướng dẫn học trò lựa chọn cuốn sách nào để đọc, để học, để mở mang trí tuệ. SGK nào tốt, hay, học sinh sẽ tự tìm đến, sách đó sẽ bán chạy. Các SGK kém chất lượng sẽ đương nhiên bị thị trường đào thải. +Theo hướng này, về mặt kinh tế, sẽ tiết kiệm cho nhà nước rất nhiều. Chính phủ chỉ cần cung cấp một khoản kinh phí vừa đủ nào đó cho các nhà trường, để chính đội ngũ các thầy cô giáo giỏi đứng ra tổ chức biên soạn, chứ không mất đến nhiều nghìn tỷ như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đệ trình như vừa qua. Nếu một chương trình chỉ có một bộ SGK cho nó, nội dung giáo dục sẽ bị nghèo nàn, bị trói buộc trong khuôn khổ của một cuốn sách, gây tâm lý ỷ lại, phụ thuộc, tâm lý chấp nhận cái đã có, không biết và không khuyến khích được trí tìm tòi sáng tạo ở trẻ, tai hại cho phát triển trí tuệ ở trẻ biết nhường nào. Thực tế, không có cuốn sách giáo khoa nào được coi là vạn năng. SGK chỉ có thể đáp ứng cho một đối tượng người học cụ thể, vậy thì làm sao, một cuốn SGK lại có thể đáp ứng cho tất cả các đối tượng người học khác nhau, đây quả là điều phi lý.

Trong điều kiện hiện nay của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra không ngừng với tốc độ chóng mặt, nếu chỉ có một bộ SGK được coi là chuẩn thì bản thân cuốn SGK này cũng không thể tồn tại được lâu, vậy thì bao lâu sẽ phải đổi SGK và ai sẽ làm việc này? Ai sẽ là người chi tiền để viết lại? Ai sẽ là người thẩm định, phê duyệt để đưa nó vào thực hiện? Nếu ta quy định và thừa nhận sự tồn tại hợp pháp duy nhất của bộ SGK chuẩn là chính ta tự làm khó cho mình. Một khoản kinh phí khổng lồ cho việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức viết sách lần này như ta được biết và còn nhiều lần khác tiếp sau đó, rõ ràng là một gánh quá nặng cho đất nước. Những dẫn giải nêu ra ở trên đã cho phép đi đến khẳng định không nên chấp nhận chỉ có 01 (một) bộ sách giáo khoa chuẩn (hoặc được coi là chuẩn) để dùng thống nhất dạy cho học sinh các lớp ở tất cả các trường trong cả nước. Về vấn đề thứ hai, ai sẽ là người đứng ra tổ chức viết và thẩm định sách giáo khoa. Vấn đề này đồng nghĩa với việc, ai sẽ là chủ của các bộ sách giáo khoa này- cũng có nghĩa là ai sẽ là người nắm tiền, được sử dụng tiền chi cho việc biên soạn SGK. Bộ GD-ĐT (sau đây gọi tắt là Bộ) đã đưa ra phương án chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa (SGK). Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Số lượng các loại trường thuộc các vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn không nhiều. Các trường tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng, các tỉnh, thành, và theo gợi ý của Bộ, Bộ đã tự nhận lấy phần công việc khó khăn nặng nề này. Vậy thì có nên như thế không? và có thể làm nổi không? Bộ GD và ĐT đã đưa ra một lộ trình: Giai đoạn 1 (1/2015 – 6/2016): Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và SGK mới. Giai đoạn 2 (7/2016 – 6/2017): Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục phổ thông để chuẩn bị cho triển khai áp dụng chương trình mới trên phạm vi cả nước; xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, SGK mới; tiếp tục biên soạn thêm SGK… Giai đoạn 3 (7/2017 – 12/2020): Từ năm học 2017 – 2018, triển khai áp dụng đại trà đồng loạt chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 5 và bắt đầu thực nghiệm cuốn chiếu đối với các lớp của cấp THCS và cấp THPT. Nếu có điều kiện thuận lợi (ở các môn học cụ thể, các địa phương cụ thể) thì triển khai khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp cuối cấp THCS, cuốn chiếu theo lớp ở cấp THPT…

Như vậy, nếu theo lộ trình được đưa ra, phải mãi đến năm 2020, tức là sau 6 năm nữa kể từ thời điểm này, khi mà thế giới quanh ta đã tiến xa tít đến tận chân trời góc biển nào đó rồi, còn riêng ta, ta vẫn đang loay hoay với SGK phổ thông, mà lại vẫn chưa xong, nhưng đồng thời lại phải bắt tay ngay vào việc tổ chức biên soạn SGK mới vì 6 năm đã trôi qua, SGK cũ đã mất sức sống, đã lạc hậu, không còn dùng được nữa. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn SGK, không thể tự nhận công việc này được là vì: +Đây không thuộc chức trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chức trách của Bộ là quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Điều 14 của Luật Giáo dục đã ghi rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ, tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục” . +Nếu việc biên soạn SGK là việc Bộ GD và ĐT phải làm thì Bộ cũng không thể làm được vì không được bố trí nhân lực để đủ sức thực hiện việc này. Tại sao Bộ lại tự làm khổ, làm khó cho mình như thế? +Để có thể có những bộ SGK phù hợp, có chất lượng, cần huy động chính đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước.

Hiện nay, đất nước ta có biết bao nhiêu các Hội nghề nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả. Chẳng hạn, Hội Toán học Việt Nam sẽ đảm nhận việc biên soạn các SGK về Toán, Hội Vật lý Việt Nam sẽ biên soạn các SGK về Vật Lý v.v…Nhà nước có thể có sự hỗ trợ bước đầu một phần, hoặc cho vay chi cho việc biên soạn. Sau này, có thành phẩm, sẽ tổ chức bán thu tiền về để tự trang trải. Cách làm này, nhiều nước đã làm. Theo cách làm này, vừa đơn giản, vừa hợp với khả năng của ta, sẽ không mất nhiều thời gian và chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng có SGK tốt và nhà nước lại không quá tốn kém, rất cần cho đất nước ta trong lúc này. Việc thẩm định các SGK này cũng sẽ được các Hội đồng Khoa học cơ sở đánh giá và trình Bộ phê chuẩn. Như thế sẽ có nhiều bộ SGK càng làm phong phú thêm cho việc thực hiện dân chủ hóa trong dạy học, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học tại các trường. Vị nguyên Tổng Biên tập nhà XB Giáo dục đã có lời phát biểu, “Tôi không tán thành quan điểm Bộ GD và ĐT sẽ chủ động biên soạn một bộ SGK” … “Hiện chúng ta có những nhà xuất bản của các ĐH quốc gia, các trường ĐH sư phạm hoàn toàn có thể làm tốt việc này. Nếu Bộ đứng ra biên soạn SGK rồi bộ trưởng lại là người thẩm định các bộ SGK trước khi cho phép đưa vào giảng dạy thì rất dễ xảy ra tình trạng “con đẻ – con nuôi” . +Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra, Bộ nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. Một khi chưa làm rõ chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất bản sách giáo khoa.

Trình bày báo cáo thẩm tra, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã cho biết, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện . Việc có nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn SGK sẽ huy động được nguồn trí tuệ dồi dào của các nhà khoa học, của chính đội ngũ đông đảo các thầy cô giáo giỏi từ các nhà trường, huy động được nguồn lực tài chính của cả xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Theo con đường như thế, sẽ có lợi cho cả người học, người dạy, tiết kiệm ngân sách cho đất nước./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *