Tìm hiểu các tư tưởng tâm lý học thời Phục hưng

Thời kỳ phục hưng được ghi nhận từ nửa cuối thế kỷ XV cho đến hết thế kỷ XVI mà nét nổi bật của nó là sự phục hồi lại các giá trị văn hoá đã đạt được từ thời cổ đại và sự phát triển các tư tưởng tự do trong nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo văn học nghệ thuật thoát khỏi sự ràng buộc khắc nghiệt của nhà thờ trong “đêm trường trung cổ”.
Nói đến các thành tựu thời kỳ phục hưng nói chung, các tư tưởng tâm lý học nói riêng, trước tiên phải kể đến các thành tựu tư tưởng tâm lý học ở Italia và sau đó là ở Tây Ban Nha.
Nổi bật trong các tư tưởng triết học, tâm lý học thời kỳ phục hưng ở Italia là sự phát triển mạnh mẽ của các tư tưởng nhân đạo, đề cao vai trò con người, coi con người là thước đo trung tâm và là thước đo mọi giá trị xã hội. Các tư tưởng này đã trực tiếp chống lại nhân sinh quan, thế giới quan của nhà thờ Cơ đốc giáo lẫn Hồi giáo.
P.Pomponazzi (1462- 1525) là nhà triết học người Italia, đại biểu nổi bật nhất của chủ nghĩa Aristote thời phục hưng. Ông đã phát triển những quan điểm của Aristote theo tinh thần duy vật, tích cực chống lại quan điểm của các chủ nghĩa kinh viện. Trong tác phẩm “Về sự bất diệt của linh hồn” (1516) ông đã nhấn mạnh đến các yếu tố của chủ nghĩa cảm giác của Aristote và đi đến khẳng định linh hồn tuy tạo ra hình thức của thể xác nhưng cuối cùng vẫn phải chết. Linh hồn không phải là bất tử như mô tả của giáo lý của nhà thờ.
P.Pomponazzi đã gây ra những phản ứng rất dữ dội của những người sùng đạo từ phía giáo hội. Ông kêu gọi con người cần kiên quyết từ bỏ niềm tin vào giáo lý, về tính bất tử của linh hồn. Ông viết “tâm hồn con người, cao cấp và hoàn hảo nhất từ các hình thức vật chất, bắt đầu và chấm dứt sự tồn tại của mình đồng thời với thân thể. Tâm hồn không khi nào và không có thể bằng cách nào đó hành động hoặc tồn tại mà thiếu cơ thể” [dẫn theo 2-tr.112]
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú
Đi theo quan niệm chân lý hai mặt, P.Pomponazzi đã cố tách hoàn toàn triết học và chính trị ra khỏi tôn giáo. Công trình “về sự bất diệt của linh hồn” khởi đầu là một đòn tấn công mãnh liệt vào các thế lực của nhà thờ. Sách của ông đã bị các thế lực bảo vệ giáo hội thu hồi và bị đốt.
B.Telesio (1509 – 1588) là nhà triết học tự nhiên người Italia thời kỳ phục hưng. Ông là người sáng lập Viện Hàn lâm tại Nêapôn, tiến hành nghiên cứu các kinh nghiệm tự nhiên.
Trong tác phẩm mang tên “Về bản chất của sự vật dựa theo các quy luật của riêng mình” (1565), B.Telesio đã khôi phục lại truyền thống của triết học tự nhiên Hy lạp cổ đại. Ông kêu gọi các nhà khoa học đương thời hãy nghiên cứu tự nhiên bằng thực nghiệm. Hội những người nghiên cứu khoa học tự nhiên do ông lập ra ở Nêapôn đã tích cực hưởng ứng. Theo mô hình này về sau đã xuất hiện nhiều tổ chức khoa học tương tự ở nhiều thành phố khác của Italia. Tất cả các hiểu biết của con người, theo B.Telesio đều được dựa trên cơ sở của các ấn tượng và tái hiện lại các tác động từ bên ngoài bởi một loại vật chất tinh tế của tâm hồn. Ông nhấn mạnh đến vai trò của các giác quan với tính cách là cội nguồn chính của những hiểu biết. Trí tuệ được hình thành từ sự so sánh và các quan hệ của các ấn tượng cảm tính. B.Telesio đã đưa ra lý thuyết về các xúc cảm. Các xúc cảm tích cực tạo nên sức mạnh tự bảo vệ tâm hồn, còn tính yếu đuối của tâm hồn được biểu hiện trong các cảm xúc tiêu cực (như nỗi buồn và các tình cảm liên quan của nó…)
Tommaso Campanella (1568 – 1639)  là nhà triết học, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị xã hội, nhà cộng sản không tưởng nổi tiếng người Italia. Trong tác phẩm “Triết học được chứng minh bằng cảm giác“, ông đã bảo vệ triết học tự nhiên của B.Telesio. Vào những năm 1598-1599, ông đã dẫn đầu tại Carabơri âm mưu chống lại quyền bá chủ của Tây Ban Nha và đã bị bắt, bị kết án tù giam 27 năm. Tại đây ông đã sáng tác ra khoảng 10 tác phẩm về triết học, chính trị, thiên văn học, y học. Trong tác phẩm “Thành phố mặt trời” ông đưa ra mô hình xây dựng xã hội lý tưởng là một xã hội cộng đồng không có những bất công, không có kẻ giàu người nghèo, không có những khía cạnh ích kỷ là nguyên nhân của mọi tội ác. Theo T.Campanella, xã hội tương lai là xã hội trong đó mọi người chỉ còn lao động với thời gian 4 giờ mỗi ngày để tạo điều kiện cho con người phát triển. Đứng đầu thành phố mặt trời là một vị linh mục với trí tuệ uyên bác…vv.
Các quan điểm của T.Campanella đã chống lại những nguyên tắc của chủ nghĩa kinh viện, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cho sự nảy sinh các tư tưởng xã hội tiến bộ đương thời những năm sau đó.
Trong các tác gia tâm lý học của Italia thời phục hưng, còn phải kể đến tên tuổi của một người mà ai cũng quen biết nhưng lại được nhắc nhiều trong lĩnh vực hội họa hơn là trong lĩnh vực tâm lý học, đó là Leonard de Vinci (1452 – 1519). Ông là nhà hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, nhà khoa học và là kỹ sư người Italia. Về hội hoạ, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hội hoạ có giá trị như “Chân dung tự hoạ” biểu hiện một tư chất không bao giờ ngưng nghỉ. Tác phẩm “Môna Lida” thể hiện quan điểm nhân văn về vẻ đẹp người phụ nữ thời Phục hưng. “Bữa tiệc li biệt” thể hiện các cử chỉ, điệu bộ, vẻ mặt của các nhân vật đến mức tuyệt vời. Trong khi thống nhất lại việc soạn thảo các phương pháp mới của ngôn ngữ nghệ thuật với việc khái quát lý luận, ông đã tạo dựng lên hình mẫu con người trả lời cho lý tưởng nhân văn chủ nghĩa thời kỳ Phục hưng. Về khoa học kỹ thuật, khi nghiên cứu về lịch sử máy móc người ta đã ghi nhận ông là người đầu tiên đã chế tạo ra máy xúc dùng để đào kênh tưới nước, mà mỗi “cuốc” của nó được 0,3 m đất đá.
Cùng với việc phê phán các quan niệm thần học và giáo hội, Leonard de Vinci chủ trương xây dựng một hệ thống thế giới quan khoa học dựa trên cơ sở của kinh nghiệm và thực nghiệm. Ông đặc biệt đề cao vai trò của kinh nghiệm trong nhận thức, đề cao các khía cạnh biểu hiện khác nhau của trực quan cảm tính trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người và khái quát chúng lại trong các sản phẩm của hội hoạ…
Leonard de Vinci đã có tham vọng trao cho hội hoạ sứ mạng vai trò hoàng đế của các khoa học thay cho triết học như lâu nay đã có, bởi theo ông, các sản phẩm của hội hoạ thể hiện trong nó sự không tách biệt của hình ảnh, lôgích và thực tiễn. Ông viết “Hội hoạ – truyền bá các quy luật của tự nhiên và triết học” [5- tr.43].
Tiếp thu các tư tưởng triết học nhân đạo chủ nghĩa, Leonard de Vinci đề cao vai trò con người là chủ thể của sáng tạo ra sự vật mới phục vụ cuộc sống con người, coi con người là vũ khí vĩ đại nhất của tạo hoá và ông đã thể hiện các tư tưởng này trong các sáng tạo hội hoạ. Ông cho rằng hội hoạ được xây dựng trên cơ sở sự bắt chước tự nhiên. Các sáng tạo của hội hoạ có khả năng tái tạo tất cả sự phong phú của hiện thực. Các sáng tạo của hội hoạ cũng còn là vũ khí nhận thức của con người. Các tác phẩm hội hoạ của Leonard de Vinci đã làm phong phú cho thời đại Phục hưng, trong đó con người được khẳng định không chỉ ở sức vóc, tài trí… mà còn ở bề sâu nội tâm phong phú mà trước đấy chưa từng được đề cập đến. Cái “tôi” được xuất hiện thông qua các bức hoạ của ông mà chúng ta đã từng nhiều lần nhắc đến như bức hoạ La giô công đơ (hay còn gọi là Môna Lida). Tác phẩm được vẽ vào khoảng 1503, thể hiện chân dung của một phụ nữ Italia thông minh, đôi tay nuột nà, mắt nhìn hơi nghiêng về phía trái. Cái độc đáo hiếm có ở tác phẩm này là nụ cười mỉm, nhưng rất mung lung, huyền ảo, tự tin, biểu hiện một nội tâm cực kỳ phong phú nhưng cũng rất bí ẩn của con người hiện đại. Tác phẩm hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre ( Pháp ) [4- tr.49-50].
Leonard de Vinci không chỉ giỏi về hội hoạ, điêu khắc, mà còn giỏi về toán, lý và giải phẫu. Các nghiên cứu về giải phẫu sinh lý của ông đã tập trung vào làm rõ cấu trúc của bốn trạng thái nói chung ở con người, theo ông đó là trạng thái tự hào, kiêu hãnh; khóc than; bất hoà và nỗ lực thể chất [5- tr.255-256]. Ông cũng có những nghiên cứu về mắt, xem hoạt động của mắt phụ thuộc vào các quy luật chung của tự nhiên. Cần lưu ý rằng tại thời điểm của ông, chưa có ai có các công trình nghiên cứu mô tả tỉ mỉ các hiện tượng đặc biệt của tri giác, thị giác của con người (Về sau này có Goethe (1749 – 1832, người Đức). Trong tác phẩm “Luận văn về hội hoạ“, ông đã đưa ra một tập hợp các luận điểm mà tâm sinh lý học hiện đại đã thừa nhận tính đúng đắn của nó. Chẳng hạn, luận điểm tri giác về độ lớn của đối tượng phụ thuộc vào khoảng cách từ người quan sát tới vật, phụ thuộc vào độ chiếu sáng, mật độ của môi trường v.v… Leonard de Vinci cũng đã mô tả khá kỹ về sự tương phản trong tri giác bằng mắt, sự sắp xếp lại đối tượng và mở rộng trường thị giác cũng như nhiều vấn đề có tính quy luật khác liên quan đến tri giác thị giác v.v…
Ông đã đề ra các quy tắc luyện tập tưởng tượng. Nhìn các sự vật, các dấu vết ở bên ngoài, con người có thể tưởng tượng ra một điều gì đó. Đó là sự sáng tạo độc lập của tâm hồn. Trong khi suy nghĩ sáng tạo, con người không bị lệ thuộc vào các vật cụ thể. Ở đây đã xuất hiện cái gọi là tính chủ quan của cá nhân tạo nên các giá trị nhận thức khác nhau nhờ vào tư duy, suy nghĩ của mỗi người. Và như thế thì trí tuệ của thượng đế đã xuất hiện sau sự sáng tạo của chủ thể. Theo Leonard de Vinci, tưởng tượng không chỉ là một trong những năng lực tâm lý, mà ở đây xuất hiện một quan niệm mới: Chủ thể đã tưởng tượng theo hình ảnh hoạt động của chủ thể hướng vào biến đổi tự nhiên. Các biến đổi triệt để trong cuộc sống thực của nhân cách là tiền đề của sự hiểu biết của chủ thể như là trung tâm của các lực lượng tinh thần hoàn toàn có phương hướng. Các lực lượng tinh thần này được thể hiện trong các giá trị cảm tính, hiện thực. C
Các quan niệm đạt được như vậy là một bước tiến trên con đường làm rõ cội nguồn của tâm hồn, tâm lý con người. Những phát hiện do Leonard de Vinci đem lại đã đối lập với các quan điểm nội quan của nhà thờ, cũng như với cách hiểu “tinh thần sạch sẽ” của Cơ đốc giáo. Các tư tưởng của Leonard de Vinci đã chiếm giữ một vị trí to lớn trong thời đại Phục hưng ở Italia.
Bên cạnh Italia, các tư tưởng tâm lý học thời kỳ phục hưng ở Tây Ban Nha cũng có một vị trí đáng kể.Vào đầu thế kỷ XVI, tại Tây Ban Nha đã diễn ra sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, có quan hệ tới các thành quả phát hiện và chiếm lĩnh các thuộc địa và các vùng đất mới. Các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa nảy sinh. Trên khung cảnh chung ấy, các tư tưởng khoa học tự nhiên, trong đó có các tư tưởng tâm lý học, cũng như các tư tưởng xã hội tiên tiến được phát triển.
Juan Luis Vivès (1492 – 1540) là nhà giáo dục học của Tây Ban Nha thời đại Phục hưng. Ông là người có tư tưởng nhân văn tiên tiến chống lại triết học kinh viện. Các tư tưởng của ông trong lĩnh vực xã hội và giáo dục đã ảnh hưởng đến Ia.A. Comenski, nhà giáo dục học vĩ đại người Tiệp Khắc sau này. Các tư tưởng về khoa học tự nhiên và về tâm lý học của ông thể hiện ở chỗ ông là một trong những người đầu tiên của thời đại mới đã đem nhận thức kinh nghiệm – tâm lý đối lập với các học thuyết siêu hình về tâm hồn. Trong cuốn sách “Về tâm hồn và cuộc sống” (1538) ông đã nêu tư tưởng cách tân bằng việc sử dụng phương pháp quy nạp là con đường hiệu quả duy nhất để có được các tri thức nhằm hoàn thiện bản chất của mình. Việc Vivès đề cao nhận thức kinh nghiệm – tâm lý đã chống lại các quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa kinh viện dưới sự thống trị của nhà thờ lúc đó.
K. Huarte (1529 – 1592) là bác sĩ và là nhà triết học duy vật Tây Ban Nha. Cuốn sách “Nghiên cứu năng lực cho các khoa học” (viết năm 1575) của ông đã gây một tiếng vang lớn cho toàn Châu Âu lúc đó. Đây có thể coi là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử tâm lý học đặt ra với tư cách là nhiệm vụ chuyên nghiên cứu các sự khác biệt cá nhân liên quan đến năng lực con người vì mục đích tuyển chọn nghề nghiệp. Trên phương diện này có thể coi K. Huarte là người sáng lập ra phương hướng mà sau này trong tâm lý học gọi là tâm lý học sai biệt [2-tr.115]. Trong cuốn sách này, K. Huarte đã đặt ra cho khoa học 4 vấn đề: a/ Tự nhiên đem lại cho con người những phẩm chất, năng lực cho một ngành khoa học như thế nào?; b/ Các dạng của tài năng mà loài người có; c/ Các nghệ thuật và khoa học như thế nào là phù hợp với mỗi một tài năng nói riêng; d/ Có thể nhận biết tài năng thích hợp theo những dấu hiệu nào [dẫn theo 2- tr.115]. K. Huarte đã làm một số liệt kê liên quan đến vấn đề này, ông mơ ước có được một tổ chức tuyển chọn nghề nghiệp trên quy mô toàn đất nước Tây Ban Nha. Trong các tác phẩm của mình ông viết: “Để làm điều đó và không để một ai phạm sai lầm trong tuyển chọn nghề nghiệp thì trước tiên cần đề cập đến tài năng tự nhiên của con người. Đáng lẽ đức vua nên tách ra các con người được uỷ thác có trí tuệ và tri thức vĩ đại. Các trí tuệ và tri thức này đã phơi bày ở mỗi người tài năng của nó từ khi còn nhỏ” [3- tr.19].
Một tác gia Tây Ban Nha nữa khá nổi bật ở thế kỷ XVI còn phải kể đến là G.Pireira (1500 – 1560), một thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh. Ông đã dành 20 năm cho cuốn sách mang tên “Antônhiana Margarita” được viết năm 1554. Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học, động vật đã được đưa ra như là một thân thể “không có tâm lý” được điều khiển không bằng tâm hồn, mà bằng các tác động trực tiếp của khách thể và dấu vết bên ngoài của các tác động đó. G.Pireira cho rằng động vật không nghe, không nhìn và nói chung là không có tình cảm, xúc cảm gì cả. Không phải các hình ảnh cảm tính, mà là các dấu hiệu sai khiến hành vi của chúng. Kết luận được G.Pireira đưa ra đã chống lại học thuyết của nhà thờ Thiên chúa giáo, bởi họ quan niệm động vật như là tâm hồn bậc thấp.
André Vésale (1514 – 1564) là nhà nghiên cứu tự nhiên người Tây ban nha. Ông được xem là người sáng lập, đặt nền móng cho giải phẫu học, người đầu tiên tiến hành nghiên cứu về cơ thể người nhờ vào mổ xẻ. Tác phẩm “Về cấu tạo của thân thể con người” được viết vào năm 1543 gồm 7 quyển trong đó Vésale đã tiến hành mô tả một cách hệ thống và khoa học về các bộ phận trong cơ thể người, đồng thời cũng chỉ ra nhiều quan niệm sai lầm của những người đi trước, trong đó có Galenus (khoảng 130 – 200) là bác sĩ người Hylạp – La mã. Galenus cũng có một tác phẩm mang tên “Về các phần của cơ thể con người”. Trong tác phẩm của Vésale, lần đầu tiên ông mô tả giải phẫu sinh lý đối với một cơ thể hoàn chỉnh. Ông đã áp dụng trong y học một số thí nghiệm trên động vật, để từ đó chuyển sang nghiên cứu, ứng dụng trên người. Ông cũng đã khái quát lại quan niệm của y học cổ đại dưới dạng một học thuyết thống nhất. Việc làm này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học tự nhiên thế kỷ thứ XV – XVI.
Sau hàng ngàn năm bị khống chế, kìm kẹp trong vòng cương toả hà khắc của giáo lý nhà thờ thời Trung cổ, bước sang thời kỳ Phục hưng, các tư tưởng tâm lý học đã có điều kiện phát triển, xuất hiện các tư tưởng tâm lý học duy vật mang tính đối lập trực diện với các tư tưởng duy tâm phản khoa học của nhà thờ Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Tư tưởng nhân văn xuất hiện khởi đầu cho việc ra đời các tư tưởng chủ nghĩa cộng sản không tưởng ở Châu Âu trong các giai đoạn về sau.
Các thành tựu chung về văn học nghệ thuật, triết học và các tư tưởng tâm lý học tiến bộ thời đại Phục hưng là rất to lón, như Các Mác và Ph. Ăng ghen đã nhận xét, đó là “Bước ngoặt tiến bộ vĩ đại nhất từ tất cả những cái mà con người có được” [1-tr.346 ].
Những hạn chế của thời kỳ này là đương nhiên do các giới hạn của điều kiện xã hội – lịch sử cụ thể đương thời quy định trong đó ảnh hưởng của nhà thờ, giáo hội vẫn chiếm một vị trí không nhỏ. /.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Các Mác   và Ph. Ăng ghen , Toàn tập, T. 20.
2- M.G. Iarosepski, Lịch sử tâm lý học, NXB ” Tư tưởng”, Matxcơva 1985, tiếng Nga.
3- K. Huarte, Nghiên cứu năng lực cho các khoa học, Matxcơva 1960.
4- Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật học, NXB ĐHQG, Hà Nội 2001, tr. 49-50.
5- Leonard de Vinci, Các tác phẩm chọn lọc, T.1, M- L., 1935,tiếng Nga.
6- Randall J. A career of Philosophy, N.Y., 1962.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú
(Viện khoa học xã hội nhân văn quân sự – Bộ Quốc Phòng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *