Công việc của một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực hỗ trợ, giáo dục và can thiệp tâm lý, sức khoẻ tâm thần

Tại Việt Nam, nhu cầu hỗ trợ tâm lý, giáo dục, hỗ trợ sức khoẻ tâm thần (mental health) dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành ngày càng cao. Trong xã hội hiện nay, các loại hoạt động và dịch vụ hỗ trợ, giáo dục, can thiệp, trị liệu tâm lý, sức khoẻ tâm thần phát triển rất đa dạng. Nhiều cá nhân, gia đình, trường học và các học sinh, sinh viên có những băn khoăn về việc tìm nhà chuyên môn nào để được trợ giúp, giáo dục, can thiệp sức khoẻ tâm thần một cách chuyên sâu, chuyên nghiệp và phù hợp?

Dưới đây Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng sẽ chia sẻ công việc của một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực trợ giúp, giáo dục và can thiệp tâm lý, sức khoẻ tâm thần:

  1. Nhà tâm lý học đường (School psychologist) là người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường tại các cơ sở do nhà nước cho phép; để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà tâm lý học đường có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán các vấn đề về nhận thức, học tập, cảm xúc, hành vi và xã hội ở trẻ em, thanh thiếu niên (TE & TTN).
  • Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng ngừa khó khăn, rối nhiễu tâm lý ở TE & TTN.
  • Tham vấn, trị liệu tâm lý cho cá nhân học sinh hoặc nhóm học sinh.
  • Đào tạo và tư vấn tâm lý- giáo dục cho phụ huynh, giáo viên, cán bộ nhân viên, ban giám hiệu và các nhà quản lý trường học.
  • Thực hiện các chương trình giáo dục và tư vấn, tham vấn hướng nghiệp cho học sinh.
  • Nghiên cứu và lượng giá các chương trình TLHĐ.
  • Tham gia giám sát, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực TLHĐ, TLH ứng dụng.
  • Có thể làm việc trong trường học hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Nhà tham vấn tâm lý (Psychological counselor) là người được đào tạo chuyên sâu về tham vấn tâm lý tại các cơ sở do nhà nước cho phép; để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà tham vấn tâm lý có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Tham vấn, trị liệu tâm lý cho cá nhân hoặc nhóm khi có vấn đề về tâm lý.
  • Có thể tham gia các chương trình phòng ngừa và thúc đẩy sức khoẻ tâm thần cho cá nhân và cộng đồng.
  • Có thể tham vấn các vấn đề tâm lý từ nhẹ tới nặng, đồng thời nhận diện và chuyển các trường hợp rối nhiễu tâm lý nặng hơn tới chuyên gia tâm lý lâm sàng và bác sĩ tâm thần.
  • Có thể làm việc ngoài cộng đồng hoặc trong trường học, v.v.

  1. Nhà tâm lý lâm sàng (Clinical psychologist) là người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học lâm sàng tại các cơ sở do nhà nước cho phép; để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà tâm lý lâm sàng có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Tìm hiểu, dự báo, đánh giá, chẩn đoán và trị liệu các vấn đề tâm lý bất bình thường, các khiếm khuyết hoặc rối nhiễu tâm thần của cá nhân.
  • Nhà tâm lý lâm sàng tập trung vào các khía cạnh trí tuệ, tình cảm, sinh học, xã hội, hành vi của chức năng tâm lý con người trong suốt cuộc đời.
  • Tham gia tư vấn, tham vấn, đào tạo, giám sát và nghiên cứu trong lĩnh vực TLH lâm sàng, TLH ứng dụng.
  • Nhà tâm lý lâm sàng thường làm việc trong bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Nhà công tác xã hội (Social worker) là người được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội tại các cơ sở do nhà nước cho phép. Để thực hành nghề chuyên sâu họ thường phải hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà công tác xã hội có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Phát hiện nhu cầu, xây dựng kế hoạch, mục tiêu đảm bảo an sinh, quyền lợi và kết nối các nguồn lực phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, v.v …).
  • Có thể thực hiện tham vấn cho thân chủ nếu họ đã qua đào tạo chuyên sâu về tham vấn.
  • Nhà công tác xã hội có thể làm việc trong trung tâm bảo trợ xã hội, trường học, bệnh viện, hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Nhà can thiệp sớm (Early intervention professional) là người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh can thiệp sớm tại cơ sở do nhà nước cho phép. Để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà can thiệp sớm có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Tham gia đánh giá, nhận diện sớm, phát hiện sớm vấn đề tâm lý ở TE &TTN.
  • Hướng dẫn, giáo dục sớm cho gia đình, TE & TTN – những em có các dấu hiệu chậm phát triển, có biểu hiện khuyết tật, rối loạn phát triển hoặc rối nhiễu tâm lý.
  • Nhà can thiệp sớm có thể làm việc ở các trung tâm can thiệp, trường học hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Bác sĩ tâm thần (Psychiatrist) là người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực y tế và tâm lý để chẩn đoán và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tại cơ sở do nhà nước cho phép. Để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Bác sĩ tâm thần có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Phối hợp với chuyên gia tâm lý trong trị liệu cho bệnh nhân có rối nhiễu tâm lý, cần có sự trợ giúp của thuốc.
  • Chữa trị cho những người mắc bệnh tâm thần nặng, phức tạp, những người cần phải có các phương pháp can thiệp về thuốc hay các can thiệp y học liên quan.
  • Bác sĩ tâm thần thường làm việc trong bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Giáo viên giáo dục đặc biệt (Special education teacher) là người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục đặc biệt tại cơ sở do nhà nước cho phép. Để thực hành nghề chuyên sâu họ phải hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Giáo viên giáo dục đặc biệt có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Giáo dục và dạy học cho TE & TTN có nhu cầu đặc biệt, bị khuyết tật hoặc có rối loạn phát triển (như khuyết tật trí tuệ, rối loạn học tập, rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung, khiếm thị, khiếm thính…).
  • Giáo viên giáo dục đặc biệt có thể làm việc tại trung tâm giáo dục đặc biệt, trung tâm can thiệp, trường học hoặc ngoài cộng đồng, v.v.

  1. Nhà hướng nghiệp (Vocational guidance professional) là người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực hướng nghiệp tại cơ sở do nhà nước cho phép. Để thực hành nghề chuyên sâu họ thường học xong chương trình đào tạo sau đại học và hoàn thành đủ thời gian thực tập nghề. Nhà hướng nghiệp có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các công việc dưới đây:
  • Tư vấn xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục hướng nghiệp cho TE & TTN.
  • Thực hiện đánh giá, tham vấn và tư vấn hướng nghiệp cho TE, TTN và người trưởng thành.
  • Nhà hướng nghiệp có thể làm việc tại các trường học, trung tâm giáo dục, trung tâm tham vấn hoặc trong cộng đồng, v.v.

* Có thể xem thêm các thông tin chuyên môn khác mà ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng chia sẻ tại hai trang Facebook này:

facebook.com/HoiTamLyGiaoDuc (Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam)

facebook.com/capevn2023 (Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng)

Tài liệu tham khảo:

Sách:

  1. Vũ Dũng. (2008). Từ điển tâm lý học. NXB Từ điển bách khoa.
  2. Nguyễn Thị Minh Hằng, Trần Thành Nam, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Ngọc Diệp. (2017). Giáo trình Tâm lý học lâm sàng. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Phạm Toàn. (2018). Tâm lý trị liệu (Lý thuyết và thực hành). NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
  4. Trần Thị Lệ Thu, Trần Thành Nam, Nguyễn Thị Phương. (2018). Cẩm nang Tâm lý học đường. NXB Văn hoá – Văn nghệ.

Trang website:

  1. https://www.apa.org/about/division/index
  2. https://ispaweb.org/
  3. https://dictionary.apa.org/psychologist
  4. https://www.apa.org/ed/graduate/specialize/clinical
  5. https://www.nasponline.org/about-school-psychology

Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng (CAPE) – Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam