Lý thuyết hoạt động của A.N.LEONCHIEV và ứng dụng của nó trong hoạt động quân sự

N. Leonchiev (1903-1979 ) người Nga, là một trong những nhà tâm lý học lỗi lạc nhất của thế kỷ XX, người có công vạch rõ cấu trúc tâm lý của hoạt động, xây dựng nên lý thuyết hoạt động trong tâm lý học.

Cần phải khẳng định lại rằng những phát hiện thiên tài của Karl Marx đã mở đường cho các nhà tâm lý học trong đó có L.X.Vưgôtxki đi tiên phong và sau đó là A. N. Leonchiev và nhiều nhà tâm lý học xô viết khác trong việc xây dựng nền tâm lý học Mác xít- nền tâm lý học hoạt động. Trong các tác phẩm của mình  Karl Marx đã chỉ rõ, trong hoạt động lao động, con người với tư cách là chủ thể lao động đã tác động vào đối tượng lao động, chuyển những lực lượng bản chất của mình hoá vào các sản phẩm. Đó là quá trình chủ thể hoá đối tượng, quá trình sáng tạo. Như thế, sản phẩm do lao động của con người làm ra không đơn giản chỉ là đối tượng  được xét dưới hình thức khách thể đơn thuần, con người có thể tiếp nhận một cách trực quan  mà lần đầu tiên trong lịch sử, những sản phẩm đó được thừa nhận có hoạt động của chính con người, điều mà trước đấy chưa có một nền triết học nào và do đấy chưa có một nền tâm lý học nào nhìn thâý. Trong luận cương về Phơ bách, Marx viết :”Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật trước kia , kể cả chủ nghĩa duy vật Phơ Bách là ở chỗ: sự vật hiện thực, cảm tính, được xét chỉ dưới hình thức khách thể hay dưới hình thức trực quan , chứ không phải với tính cách là hoạt động  cảm tính của con người, là thực tiễn…” (C.Mác.Luận cương về Phơ bách, C.Mác tuyển tập,T.2, ST, Hànội, 1971, tr.490).

Marx cũng đã có ý tưởng về quá trình ngược lại, quá trình từ khách thể trở về chủ thể. Theo Marx, trong lao động của con người, hoạt động và đối tượng thâm nhập lẫn vào nhau. L.X. Vưgôtxki và sau đó là những người kế tục sự nghiệp của ông trong đó có A.N. Leonchiev, A.P.Luria , P.Ia.Ganpêrin ,D.B. Enconhin, V.V.Đavưđov và nhiều người khác đã dày công tìm kiếm, khám phá, tiến hành nhiều nghiên cứu thực nghiệm công phu để làm rõ chiều tác động ngược lại từ đối tượng lao động trở về chủ thể. Đó là quá trình con người  “mổ xẻ “ đối tượng ( khách thể), tách ra những khía cạnh “tinh thần” của sự vật, của đối tượng, những nét bản chất nhất, những vấn đề có tính quy luật của sự vật, hiện tượng để lĩnh hội, làm giầu thêm cho kho tri thức riêng của bản thân mình. Nếu quá trình đầu tiên, quá trình từ chủ thể tác động vào đối tượng gọi là quá trình chủ thể hóa đối tượng, quá trình sáng tạo, thì quá trình này gọi là quá trình đối tượng hóa chủ thể,   quá trình lĩnh hội. Các nhà tâm lý học đã phơi bầy ra ánh sáng điều vô cùng lý thú: chính thông qua  hai quá trình này và sự tác động lẫn nhau của hai quá trình, đặc biệt là quá trình lĩnh hội mà tâm lý- ý thức của con người được nảy sinh, hình thành và phát triển. Cấu trúc tâm lý của hoạt động (còn gọi là cấu trúc vĩ mô của hoạt động) cũng được A.N. Leonchiev làm rõ gồm 6 thành tố chia thành 2 cột: Cột  bên trái là các đơn vị của hoạt động, gồm có Hoạt động, Hành động, Thao tác. Cột bên phải là  phản ánh tâm lý của hoạt động ( còn gọi là nội dung đối tượng của hoạt động ), đó là:  Động cơ, Mục đích, Điều kiện, trong đó động cơ của hoạt động giữ vai trò chủ đạo, là thành phần quan trọng nhất  trong cấu trúc tâm lý của hoạt động.

Lý thuyết hoạt động trong tâm lý học đã có ứng dụng thực tiễn to lớn  trong quản lý chỉ huy lãnh đạo bộ đội trên tất cả các mặt hoạt động quân sự đặc biệt là trong huấn luyện kỹ, chiến thuật chuẩn bị các mặt cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, trong giáo dục chính trị tư tưởng bộ đội của các cán bộ chính trị v.v…Nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý lãnh đạo bộ đội được lý thuyết tâm lý học hoạt động soi sáng, làm rõ những cơ sở lý luận khoa học của nó và do đó, những kinh nghiệm công tác ấy đã được nâng lên một tầm cao mới, được cán bộ quản lý lãnh đạo các cấp tiếp nhận một cách có ý thức, hoàn thiện một cách đáng kể hiệu lực quản lý lãnh đạo chỉ huy bộ đội.

Trước hết, luận điểm tâm lý ngưòi không phải là cái gì đóng kín bên trong mà luôn được biểu hiện trong hoạt  động, thống nhất biện chứng với hoạt động và là thành phần tất yếu của hoạt động có một ý nghĩa to lớn trong hoạt động thực tiễn của các cán bộ quản lý lãnh đạo đơn vị cơ sở. Chúng ta không lạ gì đã từng có một cách đánh giá, nhận xét tư tưởng bộ đội trước một sự kiện nào đó. Người cán bộ chính trị đã làm cái việc hết sức đơn giản là đem ý kiến chủ quan của bản thân hoặc của một người nào đó, nhào nặn nó, thêm da thịt cho nó rồi gán ghép cái nhận thức chủ quan ấy của bản thân vào cho người khác và cho cả tập thể. Thế là đã có một sự đánh giá, một kết luận khá đầy đủ về một sự  kiện, một con người. Cách suy luận theo kiểu ấy chính là lập trường duy tâm chủ quan nhiều khi chúng ta phạm phải một cách vô ý thức. Bằng nguyên lý này của tâm lý học Mác xít do L.X.Vưgôtxki  đề xướng và được A.N. Leonchiev làm rõ, xây dựng thành lý thuyết hoàn chỉnh, các cán bộ làm công tác Đảng-công tác chính trị trong lực lượng vũ trang đã có được một chìa khoá hiệu nghiệm mở cửa được tâm hồn con người, nhìn thấy cái thực chất của nó bằng những cứ liệu thực-đó là hoạt động của chính con người chứ không phải là những cứ liệu mang tính gán ghép, suy diễn chủ quan định kiến  theo người nhận xét đánh giá. V.I.Lênin viết :”Chúng ta căn cứ vào cái gì để xét đoán những “tư tưởng và tình cảm” thực của các cá nhân có thực ? Tất nhiên, căn cứ đó chỉ có thể là hoạt động của các cá nhân ấy” (V.I.Lênin.Toàn tập,T.1,Nhà XB Tiến bộ,Matxcơva,1974,tr.531). Theo lý thuyết do A.N. Leonchiev đề xướng, tâm hồn, tư tưởng, tâm lý bộ đội không còn là cái gì đóng kín khó hiểu mà có thể được khách quan hoá, lượng hoá được, làm cho lĩnh vực quản lý tư tưởng tâm lý con người không còn là lĩnh vực mù mờ khó hiểu, khó xác định. Trong không khí chuẩn bị cho chiến đấu thực hiện một nhiệm vụ quân sự nào đó ,cái  “vô thức” của quân nhân diễn ra thật khó nhận thấy nhưng ta có thể phát hiện ra mầu sắc khác nhau của chúng nếu biết phân tích kỹ hành vi và hoạt động của quân nhân, chẳng hạn, mức độ cao hay thấp của hưng phấn khi tiếp nhận nhiệm vụ ; tính tích cực trong chuẩn bị chiến đấu; mức độ sai sót trong các thao tác kỹ thuật; vẻ dáng, sắc mặt…

Một luận điểm rút ra từ học thuyết này là, tâm lý con người nói chung, tâm lý quân nhân nói riêng được và chỉ được nảy sinh, hình thành ,phát triển trong hoạt động chứ không tự dưng có. Phải bằng các hoạt động quân sự cụ thể để giáo dục, hình thành các phẩm chất nhân cách tốt đẹp cho các quân nhân.  Điều kết luận này có ý nghĩa phương pháp luận to lớn chỉ dẫn cho các cán bộ quản lý lãnh đạo cách thức hoạt động cụ thể để huấn luyện giáo dục bộ đội theo mô hình đào tạo cần có cũng như theo mong muốn của các nhà quản lý lãnh đạo.Thực tiễn có không ít các nhà chỉ huy quản lý lãnh đạo đơn vị cơ sở thường hay kêu ca về chất lượng tân binh mới nhập ngũ, nào là kém về mặt này, yếu về mặt kia. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là trong điều kiện của nền kinh tế mở, nhiều thanh niên gia nhập quân đội mang trong mình cả một bầu tâm sự, hậu quả của nhiều tác động chính sách xã hội khác nhau gây nên những sự không ăn khớp, những khó khăn nhất định trong việc quân nhân phải tự phấn đấu làm quen với cuộc sống quân ngũ.

Theo tư tưởng cuả A.N. Leonchiev, chúng ta phải dám chấp nhận hiện trạng và sẵn sàng bắt tay vào việc xây dựng nó một cách thực sự thực tế  để có được các phẩm chất nhân cách quân nhân theo mong muốn. Đương nhiên, giải quyết một cách toàn diện và cơ bản chất lượng của tuổi trẻ nói chung, của chiến sĩ mới bổ xung cho quân đội nói riêng thuộc về trách nhiệm chung của Đảng , nhà nước, hiệu quả thực tiễn của sự nghiệp giáo dục nói chung, sự nghiệp giáo dục quốc phòng trong các nhà trường phổ thông và đại học nói riêng. Cái khó ở dây là việc tổ chức hoạt động như thế nào đó sao cho các phẩm chất nhân cách  cần có cuả quân nhân được bộc lộ. Ơ đây, tâm lý học đã trở thành một vũ khí hữu hiệu đầy quyền uy giúp các nhà quản lý lãnh đạo xây dựng tiềm lực quân sự của đơn vị mình có hiệu quả. Là quân nhân, tất yếu phải có kỷ luật. Cán bộ chỉ huy kêu gào, ra lệnh là cần thiết nhưng cái chính là suy nghĩ tổ chức sao cho mọi hoạt động của đơn vị có nề nếp ngăn nắp từ trên xuống dưới, giờ nào việc nấy, mọi người buộc phải quan tâm tới hành động chung,kết quả chung và buộc phải hành động theo đúng quy định của đơn vị. Không còn con đường nào khác. Để  cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu tốt và có hiệu quả ngay từ khởi đầu của trận đánh, phải tiến hành chuẩn bị tâm lý cho bộ đội , hình thành cho bộ đội tính sẵn sàng và tính vững vàng trước các tác động của chiến tranh, chiến đấu, của trận đánh hiện đại. Chỉ có thể giải quyết tốt công việc này, nâng cao tiềm năng chiến đấu của  các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân là tổ chức cho bộ đội  luyện tập, rèn luyện ngay trong thời bình, trong huấn luyện thường xuyên của đơn vị với các nội dung và tình huống phức tạp sát tối đa với điều kiện chiến đấu sẽ xẩy ra. Cần phải làm cho bộ đội có được cái trải nghiệm bước đầu của chiến tranh, chiến đấu bằng cách trong một mức độ nhất định, sử dụng vũ khí thật (bom, mìn, súng các loại…) trong các luyện tập chuyên cũng như trong các cuộc diễn tập tổng hợp.

Nghiên cứu cấu trúc tâm lý của hoạt động đã đưa đến một vấn đề hết sức có ý nghĩa trong tâm lý học quân sự là việc xác định động cơ  hoạt động của quân nhân và vấn đề tác động vào hệ động cơ nhằm thúc đẩy tính tích cực hoạt động phục vụ quân sự của các quân nhân. Động cơ là thành tố quan trọng nhất , giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ cấu trúc tâm lý của hoạt động. Bởi thế, trong xem xét đánh giá hành vi , hoạt động của các quân nhân, nhà quản lý lãnh đạo phải tìm cho ra những khía cạnh động cơ của hoạt động đó. Đồng thời muốn nâng cao tính tích cực của các quân nhân, phải tìm cách tác động thẳng vào hệ động cơ của các quân nhân bao gồm các động cơ chính trị-xã hội; động cơ nghề nghiệp quân sự; động cơ vì tập thể; các động cơ thuần lợi ích cá nhân…Điều này đã làm cho hoạt động của các cán bộ chỉ huy quân sự liên quan mật thiết, gắn chặt với hoạt động của các cán bộ chính trị và ngược lại. Là ngưòi chỉ huy quân sự phải giỏi về công tác tư tưởng, tâm lý, giỏi về công tác  Đảng-công tác chính trị và ngược lại là cán bộ chính trị, phải bám sát hoạt động quân sự của bộ đội, biết chỉ huy bộ đội, tức là phải là người cán bộ quân sự giỏi.

Cũng từ lý thuyết do A.N. Leonchiev đề xướng, vấn đề có ý nghĩa trong hoạt động quân sự là việc nghiên cứu hoàn thiện trang thiết bị vũ khí ,kỹ thuật quân sự và các điều kiện đảm bảo nhằm tăng tính hiệu quả tối đa của hoạt động quân sự. Điều này rút ra từ việc nghiên cứu cấu trúc tâm lý của hoạt động quân sự nói chung, hoạt động chiến đấu nói riêng.Trong điều kiện phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những phát minh mới nhất của công nghệ tin học truyền thông đặt trước chúng ta những nhiệm vụ cực kỳ to lớn mà việc giải quyết nó tất yếu phải đặt ra việc thay đổi trang thiết bị, vũ khí, thay đổi cả cách đánh, quản lý và điều hành các thành phần, các lực lượng quân sự. Trong điều kiện như thế, để chiến thắng kẻ thù, chúng ta không thể không tích cực chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ, vũ khí trang bị quân sự, và cùng với nó phải mạnh dạn nghiên cứu để phát triển nghệ thuật quân sự Việt nam lên những tầm cao mới. Người chiến sĩ, ngoài sự giác ngộ chính trị tư tưởng, những phẩm chất đạo đức cao, ý thức tổ chức kỷ luật triệt để còn phải đặc biệt thành thạo về kỹ ,chiến thuật quân sự. Đó cũng là những điều kiện tối thiểu cần thiết cho việc xây dựng quân đội  cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước  hiện đại theo tinh thần đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ ra./.

Đại tá GS TS NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn: Bài đã được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học số 11 (11-2006), tr 26-29

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *