Ứng dụng CNTT trong công cụ ASQ3 để sàng lọc cho trẻ em có rối loạn phát triển

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG CỤ ASQ3 ĐỂ SÀNG LỌC TRẺ EM CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN
Nguyễn Thị Thắm, Phạm Thuỳ Trang, Nguyễn Thu Hà

Tóm tắt: Bài viết này tập trung phân tích, tổng hợp các dữ liệu ở trong nước và quốc tế về công cụ ASQ3 cũng như vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn phát triển của trẻ em, từ đó đề xuất quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ công cụ ASQ3 để sàng lọc phát hiện sớm các RLPT của trẻ em (Checking care – Ckcare). Quy trình bao gồm các bước: (1) Khảo sát phân tích thực trạng; (2) Phân tích và thiết kế hệ thống sàng lọc bằng công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống sàng lọc phát hiện sớm (gọi là checking care – Ckcare); (4) Thử nghiệm và đánh giá thích ứng hệ thống sàng lọc phát hiện sớm; (5) Triển khai hệ thống sàng lọc phát hiện sớm rối loạn phát triển của trẻ em. Với sự hỗ trợ của ứng dụng Ckcare giáo viên, phụ huynh và các nhà chuyên môn sẽ sàng lọc nhanh và chính xác mức độ phát triển của trẻ em 12 tháng – 60 tháng tuổi và từ đó phát hiện được những trẻ em có nguy cơ cao rối loạn phát triển.

Từ khoá: công nghệ thông tin; Sàng lọc; Phát hiện sớm, Rối loạn phát triển, ASQ3.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việc sàng lọc, đánh giá và chẩn đoán sớm các vấn đề liên quan đến rối loạn phát triển của trẻ mầm non là rất quan trọng để có thể phát hiện sớm các nguy cơ khuyết tật đối với trẻ từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp các em phát triển tốt hơn và hòa nhập xã hội. Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có nhiều công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ em mầm non từ 0-6 tuổi. Hệ thống ASQ được trình bày lần đầu tiên trên một bài báo của Hilda Knobloch và các đồng nghiệp của bà xuất bản năm 1979 (Knobloch, Stevens, Malone, Ellison & Risemburg, 1979). Trong nghiên cứu này, có 36 câu hỏi đánh giá sự phát triển của trẻ từ 20 đến 32 tuần tuổi được gửi cho cha mẹ của 526 trẻ nhỏ 28 tuần tuổi có nguy cơ cao trong phát triển. Bảng hỏi đã được cha mẹ trẻ hoàn thành và gửi lại. Theo điểm số, trẻ được phân thành các mức độ: Bình thường, bất thường hoặc nghi ngờ. Khi được 40 tuần tuổi, trẻ được đánh giá tại phòng khám chuyên môn hoặc bệnh viện [1]. Theo Knobloch (1979), đánh giá của chuyên gia và cha mẹ nhìn chung đã thống nhất trong sự phân loại trẻ. Sự thành công của nghiên cứu này cho thấy có thể phát triển một hệ thống đánh giá chức năng của trẻ sơ sinh và trẻ lớn dựa trên những thông tin phản hồi từ cha mẹ hoặc người chăm sóc chúng.

Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ đã chuẩn hóa bộ công cụ ASQ3 cho phù hợp sự phát triển của trẻ em Việt Nam. Bộ công cụ này đã được triển khai rải rác một số trường trên cả nước bằng bản cứng xong chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả do khi thực hiện giáo viên và phụ huynh mất nhiều thời gian. Đặc biệt, chỉ sử dụng được rất ít trẻ và khó lưu giữ lại kết quả. Chính vì vậy, mức độ sử dụng bộ công cụ ASQ3 này trong các cơ sở giáo dục mầm non là chưa phổ biến và còn nhiều bất cập.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ, việc xây dựng phần mềm, số hóa các bộ công cụ trong sàng lọc, đánh giá các vấn đề của trẻ em đã trở nên phổ biến hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc sử dụng bộ công cụ ASQ- 3 nhằm theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ em thực sự là cần thiết và hữu ích.

Bài viết này nhằm phân tích, tổng hợp ý nghĩa của công cụ ASQ3 và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công cụ này nhằm thúc đẩy hiệu quả sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn phát triển của trẻ em.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Bộ công cụ sàng lọc ASQ3

Hệ thống công cụ ASQ (Ages & Stages Questionnaires) được trình bày lần đầu tiên trên một bài báo của Hilda Knobloch và các đồng nghiệp của bà xuất bản năm 1979 (Knobloch, Stevens, Malone, Ellison & Risemburg, 1979) là bộ câu hỏi đánh giá sự phát triển của trẻ từ 20 đến 32 tuần tuổi dành cho cha mẹ trẻ sử dụng nhằm xác định nguy cơ chậm phát triển của trẻ. Năm 1980, dưới sự tài trợ từ Viện Nghiên cứu người khuyết tật Hoa Kì, hệ thống 6 bảng hỏi thuộc bộ câu hỏi này đã áp dụng cho trẻ ở giai đoạn 4 tháng tuổi và xem xét thời điểm có nguy cơ chậm phát triển của trẻ nhỏ từ 4 – 24 tháng tuổi.

Năm 1995, ASQ được xuất bản lần thứ nhất. Sau hai lần xuất bản vào giữa năm 1996 và 1998, cuối cùng bảng hỏi dành cho trẻ 60 tháng tuổi đã được hoàn thành. Năm 1999, phiên bản ASQ-2 xuất bản gồm 19 bộ câu hỏi ra đời. Năm 2009, trên cơ sở hơn 30 năm nghiên cứu và sử dụng ASQ, phiên bản thứ 3 của ASQ ra đời (ASQ-3).
Hiện nay, ASQ được nghiên cứu, sử dụng rộng rãi như một công cụ sàng lọc, kiểm tra, đánh giá và can thiệp sự phát triển của trẻ em trên khắp thế giới đặc biệt ở Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Thuỷ Điển. Sử dụng bộ công cụ sàng lọc, đánh giá này, trẻ không chỉ được quan sát một lần mà còn được theo dõi trong thời gian dài. Hệ thống ASQ dựa vào sự phát triển tự nhiên của trẻ tại một thời điểm từ lúc phát hiện ra vấn đề của trẻ hoặc kéo dài trong suốt thời gian trẻ được chăm sóc và can thiệp sớm. Những vấn đề của trẻ có thể nảy sinh tại nhiều thời điểm trong quá trình phát triển của chúng, đòi hỏi hệ thống sàng lọc, đánh giá có hiệu quả dựa trên những phán đoán chuyên nghiệp và những thông tin dù rất nhỏ về hành vi của trẻ từ giáo viên, cha mẹ hoặc thành viên gia đình.

Bộ công cụ ASQ-3 đã được Vụ Mầm non – Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hoá, thích ứng phù hợp với sự phát triển của trẻ mầm non ở Việt Nam nhằm theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ lứa tuổi mầm non. Bộ công cụ này đã được sử dụng ở một số trường Mầm non của các tỉnh ở Việt Nam nhưng chủ yếu sử dụng đánh giá và tính điểm, lưu giữ bằng thủ công. Thông qua bộ công cụ ASQ3 phiên bản tiếng việt dành cho trẻ từ 12 tháng – 60 tháng có thể biết được các lĩnh vực phát triển của các em theo 3 mức độ: phát triển bình thường, dấu hiệu cảnh báo phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa và phát triển chậm. Các lĩnh vực được sàng lọc trong ASQ3 bao gồm: Giải quyết vấn đề (nhận thức), Ngôn ngữ, Giao tiếp xã hội (vấn đề xã hội); Vận động thô và Vận động tinh. Dựa trên kết quả phát triển của các lĩnh vực này ở từng độ tuổi thì sẽ giúp giáo viên, cha mẹ và các nhà chuyên môn phát hiện sớm các rối loạn phát triển của trẻ em như rối loạn phổ tự kỉ, tăng động giảm chú ý, khuyết tật học tập, khuyết tật trí tuệ và rối loạn ngôn ngữ.

Xem thêm tại: XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ

(Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2024 tại thành phố Hà Nội, NXB Lao động Hà Nội, 2024, tr 213-225 )