Ngày 21-09-2024, tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, số 101 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra Lễ Ra mắt Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (VNSP) trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục  Việt Nam và Lễ Ký kết Hợp tác chiến lược về việc Phát triển cộng đồng Chuyên gia Tâm lý học đường Việt Nam giữa Mạng lưới và Hệ sinh thái phát triển chuỗi giá trị chuyên gia Anbooks.

Đến dự, về phía lãnh đạo Hội Khoa học TL-GD Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) có GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội; TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học TL- GD Việt Nam; PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, Phó chủ tịch Hội Khoa học TL- GD Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới các nhà TLHĐ Việt Nam; ThS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chánh văn Phòng Hội KH TL- GD Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thu Anh- Phó chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội; các thành viên Ban lãnh đạo Mạng lưới các nhà TLHĐ VN; các cán bộ Văn phòng Hội, Các nhà chuyên môn thuộc Ban TLH- GDH ứng dụng của Hội KH TL- GD Việt Nam, Các nhà TLHĐ thuộc các trường  phổ thông.

Về phía Anbooks có Bà Ngô Thị Phương Thảo, Nhà Sáng lập và điều hành Anbooks; Bà Lê Hoài Thu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Ông Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số; Bà Vũ Trần Phương Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Viện đào tạo kỹ năng, tâm lý TrueLife; Các nhà báo thuộc Báo Hà Nội Mới; Các thành viên Anbooks.

Tại buổi ra mắt, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Vấn đề tâm lý học đường đang đặt ra nhiều thách thức với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Từ 2008 đến nay, hoạt động tâm lý học đường hiện phát triển chủ yếu ở các mô hình ngoài công lập và hệ thống giáo dục có yếu tố nước ngoài. Sự phát triển tâm lý học đường tại các mô hình trường công lập còn hạn chế, vận hành chưa thực sự hiệu quả cũng như chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh và phụ huynh”. Nhận thấy thực trạng trên, Hội Khoa học TL-GD Việt Nam đã ra Quyết định thành lập Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam với sứ mệnh kết nối, huy động nguồn lực, phát triển năng lực và thúc đẩy các hoạt động thực hành tâm lý học đường nhằm phục vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên và cộng đồng.

Tại sự kiện này, GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội, đã  công bố các quyết định:

  • QĐ thành lập Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (44-2024/QĐ-HKHTLGDVN ngày 23/02/2024)
  • QĐ Bổ nhiệm Bà Trần Thị Lệ Thu giữ chức vụ Chủ tịch Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (44A-2024/QĐ-HKHTLGDVN ngày 23/02/2024 )
  • QĐ Bổ nhiệm Bà Nguyễn Thị Nhân Ái giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (44B-2024/QĐ-HKHTLGDVN ngày 23/02/2024 )
  • QĐ Bổ nhiệm Bà Nguyễn Hà Thành giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (44C-2024/QĐ-HKHTLGDVN ngày 23/02/2024 )
  • QĐ Bổ nhiệm Ông Hoàng Quốc Quyền giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (128-2024/QĐ-HKHTLGDVN ngày 19/06/2024 )

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú đã thay mặt lãnh đạo Hội KHTL-GDVN trao các Quyết định nói trên cùng các bó hoa tươi thắm cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam.

Theo các thành viên Ban điều hành Mạng lưới tâm lý học đường Việt Nam, các hoạt động tâm lý học đường của mạng lưới sẽ không chỉ giới hạn hướng đến các em học sinh, sinh viên mà còn tiếp cận tới cha mẹ học sinh/sinh viên, giáo viên, nhà trường. Bên cạnh các hoạt động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn tâm lý học đường, Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức chuyên môn, nghiên cứu khoa học, kết nối các chuyên gia tâm lý trên mọi miền đất nước và cả chuyên gia ở nước ngoài để mạng lưới có thể hoạt động hiệu quả và lan tỏa ý nghĩa tới cộng đồng.

Khởi động cho chuỗi hoạt động ý nghĩa của Mạng lưới, cũng tại buổi ra mắt này đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Anbooks và Mạng lưới các nhà Tâm lý học đường Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp trong xây dựng và phát triển các hoạt động chung, trong đó mỗi bên sẽ đóng góp theo thế mạnh của mình cho sự phát triển cộng đồng chuyên gia tâm lý học đường Việt Nam.

 

Với việc ký kết hợp tác giữa VNSP cùng Anbooks – đơn vị có hệ sinh thái phát triển chuỗi giá trị chuyên gia, hai bên sẽ cùng phối hợp trong xây dựng và phát triển các hoạt động chung. Theo đó, AnBooks là đơn vị phát triển chuỗi giá trị chuyên gia của Mạng lưới bằng các hoạt động như “đóng gói” kiến thức của chuyên gia, hiện thực hóa kiến thức thành tài liệu bán hàng (sách, cẩm nang, các khóa đào tạo, bài giảng E-learning,..), thực hiện các chương trình truyền thông đến cộng đồng…

Tại buổi lễ, dưới sự dẫn dắt của Phó chủ tịch mạng lưới, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, các thành viên và các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận về vấn đề “Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam nên làm những việc gì?” và ” Mỗi một cá nhân có thể làm gì để đóng góp cho Mạng lưới?”.

Với câu hỏi được đặt ra ở trên, TS. Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: “Với vai trò từng là người quản trị nhà trường, tôi nghĩ rằng một điều rất quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua đó là làm thế nào để Hiệu trưởng ở các trường học nhận thấy được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần (SKTT) của học sinh, bởi nếu Hiệu trưởng nhận thấy được mức độ quan trọng của SKTT và có sự đầu tư cho SKTT, học sinh thật sự được chăm sóc SKTT tốt, đi học với sự vui vẻ, hứng thú thì thành tích cũng sẽ tự động được tăng lên”.

ThS. Bùi Bích Liên- Nhà TLHĐ Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chia sẻ: “Với những bạn trẻ thực hành nghề chưa có nhiều thâm niên trong ngành, điều đầu tiên cần làm đó là làm tốt công việc của mình trước đã, nó được thể hiện qua việc các chuyên viên tâm lý tạo được một môi trường trong trường học, mà ở đó, học sinh cảm thấy mình được bảo vệ và an toàn. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng là đối tượng cần được chăm sóc sức khoẻ tinh thần”.

Liên quan đến vấn đề này, Ths. Nguyễn Hà Thành cũng chia sẻ: “Không chỉ là học sinh, giáo viên, phụ huynh, mà bản thân những người đi chăm sóc sức khoẻ tinh thần (sức khoẻ tâm thần) cho người khác cũng cần quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của mình. Bởi muốn làm công việc này lâu dài thì bản thân họ phải biết quan tâm và bảo vệ mình trước tiên”.

Kết thúc buổi Ra mắt và ký kết, GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú đã chúc mừng sự thành công của buổi lễ ngày hôm nay. Trong đó, GS.TS. nhấn mạnh “Cả hai bên đều đã tự xác định được cách thức hoạt động của mình trong thời gian tới, hy vọng lãnh đạo hai bên sẽ phối hợp tốt và có những kế hoạch, bước đi cụ thể, để mang đến kết quả tốt nhất cho cộng đồng, xã hội”.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận từ buổi Lễ.

 

 

Tin: Mạng lưới Tâm lý học đường Việt Nam

Ảnh:H.Y. và Đỗ Mạnh Thuấn