Tác giả: Lê Thành Trung
- Đặt vấn đề:
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang đến cho cuộc sống con người nhiều tiện ích. Họ được thừa hưởng nhiều tiến bộ vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ, công nghệ số, mạng internet, … Thế nên hiện nay, học sinh nào dường như cũng có điện thoại thông minh kết nối mạng wifi hoặc 3G, 4G. Do đó, việc sử dụng internet, nhất là mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Việc tìm kiếm thông tin, tra cứu tài liệu trên internet phục vụ cho việc học tập, giải trí cũng trở nên rất dễ dàng chỉ bằng một cái click chuột hoặc quét tay. Tuy nhiên, cũng có không ít những hệ lụy đáng lo ngại. Đó là ngày càng nhiều học sinh (HS) sa vào lối sống ảo, mắc chứng nghiện internet, nghiện mạng xã hội một cách trầm trọng dẫn đến lối sống thờ ơ, vô cảm với mọi thứ xung quanh; tình trạng bạo lực học đường, đánh nhau quay clip tung lên mạng để nhục mạ, để câu like; việc sử dụng trái phép các chất kích thích, báo động là ma túy tổng hợp; tình trạng ngộ nhận về tình bạn, tình yêu dẫn đến những hệ lụy khôn lường về sức khỏe sinh sản vị thành niên; vấn đề giới tính và những căn bệnh về tâm, sinh lý phức tạp khác. Có thể nói HS ngày nay gặp nhiều vấn đề tâm lý nên cần phải được nhà trường, thầy cô, cha mẹ thấu hiểu, giải đáp, gỡ rối. Do đó, công tác tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) là hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng ở các cơ sở giáo dục nói chung và trường THPT nói riêng. Bởi mục đích[1] của tư vấn tâm lý cho HS nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với HS đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách. Thời gian qua, các trường THPT đã quan tâm đến công tác TVTLHĐ, nhưng việc tư vấn tâm lý cho HS có nơi vẫn chưa mang lại hiệu quả, đôi khi chỉ mang tính hình thức, HS ít khi tin tưởng tìm đến[2] hoặc nếu có các em chỉ thắc mắc về vấn đề học tập, hướng nghiệp. Trong khi các vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên và các mối quan hệ trong xã hội nhất là tình bạn, tình yêu, giới tính ít khi HS hỏi; HS vẫn chưa thật sự tin tưởng, an tâm để trút hết những nỗi niềm tâm sự của mình với Tổ tư vấn. Vậy nguyên nhân do đâu? Theo chúng tôi có một số nguyên nhân như sau:
– Về mặt khách quan:
Một là, người được bố trí làm công tác tư vấn tâm lý chủ yếu là kiêm nhiệm. Hầu hết các trường đều bố trí giáo viên thiếu tiết để hỗ trợ thực hiện công tác tư vấn tâm lý.
Hai là, một số trường chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho phòng Tư vấn học đường.
– Về mặt chủ quan
Một là, người làm công tác tư vấn chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tư vấn cho HS; chưa khéo léo trong cách trò chuyện, dẫn dắt, gợi mở; chưa tạo dựng được niềm tin với HS. Hình thức tư vấn còn đơn điệu, chưa thu hút được HS
Hai là, chưa chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức tư vấn theo chuyên đề, chủ đề hướng đến những vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm để tư vấn cho nhóm hoặc khối lớp.
Ba là, công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường còn hạn chế, thiếu thường xuyên; chưa chủ động trong công tác tư vấn.
Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục là làm thế nào để nâng cao hiệu quả của hoạt động TVTLHĐ cho HS. Đó là một việc làm cần thiết, cấp bách.
- Một số giải pháp:
Xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác TVTLHĐ ở trường THPT và thực tế tại trường THPT Hồng Ngự 1, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, mỗi năm học căn cứ vào kế hoạch chỉ đạo của Sở GDĐT, nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ tư vấn học đường. Kế hoạch cần đảm bảo tính khả thi, tránh hình thức, mang tính đối phó; phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với từng nội dung tư vấn (tùy sở trường của mỗi thành viên mà phân công cho phù hợp). Trong bố trí người làm tư vấn cần phải lựa chọn những người vừa có năng lực, trách nhiệm vừa phải khéo léo, tế nhị, tâm lý, gương mẫu trong lối sống và phải được HS tin yêu. Người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính của Tổ TVTLHĐ là cán bộ quản lý (Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng), thành viên là các đoàn thể trong trường (Công đoàn, Đoàn thanh niên) hoặc những thầy, cô có trải nghiệm, có vốn sống và đội ngủ cộng tác viên. Định kỳ hàng quý, 6 tháng cần họp tổ để đánh giá hiệu quả hoạt động.
Sau khi xây dựng kế hoạch cần tổ chức triển khai cho toàn thể HS biết để các em liên hệ khi cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Khi xây dựng kế hoạch phải bám sát Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, nhất là điều 4 “Nguyên tắc thực hiện”, điều 5 “Nội dung”, điều 6 “Hình thức thực hiện” để việc tư vấn đạt hiệu quả. Hình thức cần tránh đơn điệu mà phải đa dạng. Ngoài việc lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có thể tổ chức các buổi nói chuyện theo chủ đề/chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn, … Ngoài hình thức tư vấn trực tiếp cần đẩy mạnh tư vấn gián tiếp thông qua điện thoại, email, mạng xã hội zalo, facebook. Với những trường hợp đặc biệt, HS có thể trao đổi trực tiếp với người phụ trách công tác tư vấn tại phòng làm việc riêng, qua zalo cá nhân. Nhưng điều quan trọng nhất quyết định sự thành công của công tác tư vấn tâm lý là phải tuyệt đối bảo mật thông tin cho HS. Bởi hoạt động tư vấn muốn đạt hiệu quả, người làm công tác này phải là chỗ dựa thật sự vững chắc để HS có thể giải bày. Nói cách khác, người tư vấn “phải chạm được vào trái tim của HS, phải tạo niềm tin tuyệt đối cho các em, là chỗ dựa vững chắc, khi đó học sinh mới có thể mở lòng chia sẻ”[3]. Nếu không làm được điều đó, HS không mạnh dạn bộc bạch, chia sẻ.
Khi tiếp xúc với học sinh phải vừa khéo léo vừa tế nhị. Người tư vấn phải thật sự tâm lý, nhẹ nhàng, mềm mỏng để đặt những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo dựng niềm tin để HS giải bày, chia sẻ, nói hết những khúc mắc, những khó khăn trong lòng. Đồng thời, phải biết lắng nghe, phải biết thấu hiểu và sẻ chia với những trở ngại về tâm lý của HS. Có những điều, những chuyện phải tuyệt đối bảo mật, phải giữ kín, không được trao đổi với người khác dù đó là cha mẹ của HS.
Thứ hai, chủ động trong công tác tư vấn theo hướng nắm bắt diễn biến tâm lý của HS, kịp thời ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, thiếu lành mạnh trong suy nghĩ, lối sống, hành vi ứng xử của HS. Các trường cần bám sát vào tình hình thực tế tại đơn vị, môi trường xã hội tại địa phương để xây dựng kế hoạch nói chuyện chuyên đề, tư vấn tâm lý nhằm đa dạng hóa hình thức, tăng tính chủ động và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các chuyên đề, chủ đề thường là những vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm mà giới trẻ quan tâm như: thực trạng, tác hại của bạo lực học đường; xây dựng tình bạn, tình yêu tuổi học trò; vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân; tình trạng lạm dụng dẫn đến nghiện mạng xã hội, làm sao sử dụng mạng xã hội thông minh, an toàn; nói không với phân biệt, kỳ thì về giới; các quyền nhân thân, những hành vi lệch chuẩn của HS, tác hại khôn lường của ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng, … Có thể xây dựng kế hoạch nói chuyện chuyên đề theo từng tháng trong năm. Chẳng hạn như:
Thời gian | Chủ đề/chuyên đề |
Tên chủ đề/chuyên đề |
9/2019 | Tình bạn, tình yêu | Tình yêu tuổi học trò |
10/2020 | Mạng xã hội | Sử dụng mạng xã hội thông minh, an toàn |
11/2020 | Giới, bình đẳng giới | Nói không với phân biệt giới tính |
12/2020 | Hướng nghiệp | Chọn nghề yêu thích |
01/2020 | Quyền nhân thân | Quyền thay đổi họ, thay đổi tên
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh Quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín |
Thứ ba, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động giải pháp then chốt là phải trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho đội ngủ làm công tác tư vấn tâm lý. Năm học 2020-2021, Sở GDĐT Đồng Tháp đã phối hợp với trường Đại học Đồng Tháp để mở lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, Bí thư Đoàn trường về công tác tư vấn tâm lý học đường. Trong thời gian gần 3 tháng, họ đã được trang bị 7 chuyên đề gồm: Một số vấn đề chung về tư vấn cho HS và nhu cầu tư vấn của HS, các kỹ năng tư vấn cơ bản; tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của HS; tư vấn HS gặp khó khăn về tâm lý, tư vấn cho HS có hành vi lệch chuẩn, tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên, tư vấn học tập và hướng nghiệp. Thiết nghĩ đây chính là “chìa khóa” để người tư vấn mở được góc cửa thầm kín đóng chặt trong lòng HS, giúp HS giải tỏa áp lực về tâm sinh lý, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra trong cuộc sống các em. Ngoài những kiến thức ấy, người tư vấn có thể tìm kiếm tài liệu, kinh nghiệm thực tế từ các Hội tâm lý giáo dục hoặc những người đã có nhiều trải nghiệm trong công tác tư vấn. Khi tiếp xúc với HS gặp khó khăn về tâm lý, cần phải giữ cái đầu lạnh, trái tim nóng để hoạt động tư vấn thành công. Trong quá trình tư vấn cần phải có sổ ghi ghép, theo dõi từng vụ việc, hiện tượng của các trường hợp tư vấn. Ngoài những thông tin cơ bản, cần ghi chép chi tiết quá trình tiếp xúc, những biện pháp đã tư vấn, tác động; những chuyển biến, … để có thể chiệm nghiệm lại quá trình tư vấn nhằm đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp với với các ban ngành, đoàn thể địa phương như: Công an, Phòng Tư pháp, Tòa án, Trung tâm y tế, … tổ chức các buổi nói chuyên chuyên đề hoặc tư vấn tâm lý cho HS. Trong thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm y tế tổ chức tư vấn chuyên đề sức khỏe sinh sản vị thành niên; phối hợp với Thành Đoàn, Công an thành phố Hồng Ngự tổ chức diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; tổ chức phổ biến, tuyền truyền pháp luật, ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; tuyên truyền về ATGT, về tác hại của ma túy, HIV/AIDS, …; phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa giả đình về sử dụng, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy. Các hoạt động đã thu hút đông đảo học sinh tham gia và góp phần quan trọng trong công tác tư vấn tâm lý cũng như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS.
Thứ năm, cơ sở giáo dục cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện cho Tổ tư vấn học đường như: bố trí phòng làm việc, bàn ghế, máy tính, … Nếu có điều kiện, phòng làm việc cần được bố trí riêng biệt, ở nơi thuận tiện, có bảng tên phòng trang trọng để HS có thể dễ dàng liên hệ hoặc có thể sắp xếp, bố trí ghép cùng văn phòng Đoàn trường, Công đoàn. Điều cốt yếu là phải có nơi khang trang, sạch đẹp để tư vấn, tránh bố trí theo kiểu cho có lệ, chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra của cấp trên. Ngoài ra, Hiệu trưởng cần giải quyết quyết tốt chế độ chính sách cho người làm công tác tư vấn để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc. Khi xây dựng kế hoạch, người làm công tác tham mưu cần phải nghiên cứu kỹ Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 để thực hiện giảm tiết cho người làm nhiệm vụ tư vấn theo quy định (Căn cứ khoản b, điều 9 của Thông tư để tham mưu). Chẳng hạn, trường THPT Hồng Ngự 1 là trường loại 1, có thể căn cứ vào khoản b: “Trường phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được sử dụng 08 tiết trên tuần” để kiến nghị Hiệu trưởng giảm 08 tiết theo quy định và làm cơ sở để tính toán thừa giờ (nếu có) cho những người làm công tác tư vấn.
III. Kết luận:
Trong lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nhiệm vụ then chốt cần phải đặt sự quan tâm lên hàng đầu là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá nhằm chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho người học, các cơ sở giáo dục vẫn phải tiếp tục quan tâm đến công tác TVTLHĐ nếu muốn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho HS. Do tầm quan trọng của công tác tư vấn nên trong cùng một năm Bộ GDĐT đã ban hành liên tiếp 2 thông tư có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác tư vấn tâm lý cho HS. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục làm tốt công tác tư vấn tâm lý. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của hoạt động tư vấn tâm lý nên các trường đều xây dựng kế hoạch, phân công, bố trí người làm công tác TVTLHĐ cho HS. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn chưa được như mong muốn. Một số HS gặp khó khăn về tâm lý chưa được giúp đỡ kịp thời; một số HS có những hành vi lệch chuẩn, lối sống thiếu lành mạnh nhưng chưa được can thiệp, ngăn chặn, chuyển hóa để hạn chế những tác động tiêu cực xảy ra. Thiết nghĩ muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động TVTLHĐ ở trường phổ thông rất cần sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở GDĐT cùng nhận thức đúng đắn, quyết tâm cao của lãnh đạo trường và sự nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ làm công tác tư vấn. Tất cả phải xuất từ cái tâm, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương dành cho HS. Tuy nhiên, khi gặp những vấn đề tâm lý phức tạp cũng lực bất tòng tâm bởi họ chỉ làm công tác kiêm nhiệm, chưa có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về tâm lý và tư vấn tâm lý. Vì vậy, Bộ GDĐT nên có sự điều chỉnh trong danh mục khung vị trí việc làm bằng cách bổ sung nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ thêm chức danh tư vấn tâm lý. Chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là giải pháp để “cởi trói”, tháo bỏ “điểm nghẽn” tồn tại lâu nay để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho HS ở các cơ sở giáo dục./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
[2] Bài viết “Học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý: Phòng tư vấn chỉ là hình thức?” của Bích Thanh đăng trên báo Thanh Niên ngày 16/4/2021.
[3] Bài viết “TPHCM: Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học đường” của Hồng Đăng được đăng trên Giáo dục thời đại ngày 31/8/2016.
Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 23, 24 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2021, tr.221-226.