Tiền lương nhà giáo luôn là một vấn đề phức tạp ở mọi hệ thống giáo dục trên thế giới. Đó là vì nó liên quan đến một điều đã được khẳng định, theo đó chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt quá chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống đó. Vậy thì muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải nâng cao chất lượng nhà giáo. Mà muốn nâng cao chất lượng nhà giáo thì chính tiền lương là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo động lực cho nhà giáo, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học và giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề.

Tuy nhiên, trên thực tế việc tăng lương nhà giáo lại không dễ dàng, nhất là khi các hệ thống giáo dục đều phải mở rộng quy mô theo hướng phổ cập hóa giáo dục phổ thông, đại chúng hóa giáo dục đại học.

Vấn đề là ở chỗ lời giải bài toán tiền lương nhà giáo luôn đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, cả về kinh tế, chính trị và xã hội, trong việc tìm cách giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là yêu cầu ngày càng cao trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng và một bên là ngân sách có hạn của nhà nước giành cho giáo dục.

Dù vậy, có hai nguyên tắc căn bản sau đây được tổng kết từ thực tiễn và cần được bảo đảm khi giải bài toán tiền lương nhà giáo.

Một là, tiền lương nhà giáo phải tương xứng với tầm quan trọng của nhà giáo đối với xã hội cũng như mọi thứ trách nhiệm đặt lên vai họ kể từ khi họ bước vào nghề; có lợi thế so sánh so với tiền lương trả cho các công việc khác có yêu cầu tương đương về trình độ đào tạo; bảo đảm để nhà giáo có mức sống thỏa đáng cho bản thân và gia đình, đồng thời có điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa (UNESCO/ILO, 1966).

Hai là, trong bối cảnh một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường như ngày nay, khi mà nhà giáo có vai trò ngày càng đa dạng và trọng trách ngày càng phức tạp thì cần có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ linh hoạt để bảo đảm mối quan hệ cân bằng giữa những gì mà nhà nước và xã hội mong đợi ở nhà giáo với những gì mà nhà nước và xã hội đem lại cho họ (Andreas Schleicher, 2018)

XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ: TƯ DUY LẠI CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG

Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Thực trang và đề xuất giải pháp » do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Hà Nội, NXB Thế Giới, Hà Nội 2024, tr.22-29 )