Không nhớ từ bao giờ, vấn đề cải thiện đời sống và việc bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên được đặt ra và luôn luôn được đưa lên các diễn đàn, chẳng khác gì điệp khúc của một bài ca sư phạm. Tôi nhận được giấy mời của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tới dự và viết bài cho Hội thảo “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực trạng và đề xuất giải pháp”.

Về viết tham luận, tôi sẵn sàng bởi với 71 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi là người luôn nặng lòng với vấn đề này. Còn viết có góp phần cùng các nhà giáo kêu gọi nhà nước đổi mới chính sách đãi ngộ giáo giới đạt hiệu quả đến đâu, tôi không đặt kỳ vọng gì lớn lao. Theo tôi, cần có bài viết theo một cách tiếp cận khác trước, mà tìm cách tiếp cận mới, quả thật rất khó.

Cách đây gần chục năm, tôi có đọc cuốn sách “Bài học Phần Lan 2.0” (Finnish Lessons 2.0) của Pasi Sahlberg – giáo sư thỉnh giảng của Đại học Havard, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan. Khi đọc cuốn sách này, tôi nghĩ, giá như các nhà lãnh đạo  giáo dục của Việt Nam đọc và áp dụng những quan điểm giáo dục hiện đại của Phần Lan bằng lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) thì biết đâu, giáo dục của ta đã tránh được không ít những khiếm khuyết làm mất lòng dân chúng.

Lời tựa cho cuốn sách Finnish Lessons 2.0 lần xuất bản đầu tiên tại Phần Lan do Diane Ravitch viết, trong đó có đoạn “Bài học Phần Lan 2.0 nhắc nhở chúng ta rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể xây dựng một cách có ý thức một hệ thống trường lớp tuyệt vời miễn sao họ biết chú ý sát sao đến nhu cầu của học sinh, chọn lựa và chuẩn bị tốt cho các nhà giáo dục, và xây dựng các cộng đồng giáo dục không chỉ có  sức hấp dẫn tự nhiên mà còn có tác dụng tạo niềm vui thú cho việc dạy và học”.

Còn khi Finnish Lessons 2.0 được dịch ra tiếng Việt (Đặng Việt Vinh dịch, Phạm Văn Lam hiệu đính) và Nhà xuất bản Thế Giới in ấn, đại sứ Phần Lan ở Việt Nam Ilkka – Pekka Simila viết lời giới thiệu. Có đoạn viết mà tôi cho là đáng quan tâm: “Tôi hy vọng cuốn sách về giáo dục Phần Lan của Pasi Sahlberg có thể là một đóng góp quý báu mang lại những hiểu biết về quá trình phát triển của hệ thống giáo dục Phần Lan và là nguồn khích lệ cho cuộc thảo luận giáo dục tại Việt Nam”.

Rất tiếc, tôi không biết có bao nhiêu cuộc thảo luận ở nước ta về một nền giáo dục rất lý tưởng này. Trong hệ thống giáo dục Phần Lan, tất cả các giáo viên dạy trong các ngành học,
bậc học tại các loại hình trường học Phần Lan đều phải có bằng thạc sĩ. Nghề dạy học ở quốc gia này là nghề được ngưỡng mộ nhất, hơn cả bác sĩ, kiến trúc sư và luật sư, và đó không chỉ là khẩu hiệu, mà còn thể hiện ở những hành động thực tế. Lương giáo viên cao hơn mức lương chung của các ngành khác chừng 10%. Nền giáo dục Phần Lan chưa được xếp hạng cao nhất trong các nền giáo dục toàn cầu, nhưng nó lại góp phần giúp Phần Lan giữ vị trí số một về năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF) đánh giá cao Phần Lan có cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô cực kỳ tốt. Họ có nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, chuyên môn hóa rất cao. Với  Phần Lan, công nghệ hiện đại là chìa khóa của sự phát triển. Đến nay, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sử dụng Internet.

Điều cần nói ở đây là, Phần Lan, một quốc gia trên 5 triệu dân, đạt được những thành tựu đáng nể trên đây có phần góp sức không nhỏ của 20 trường đại học được xếp ở hàng đầu cùng với nhiều trường danh tiếng ở các quốc gia khác và 26 trường đại học ứng dụng cùng với những trường kỹ thuật tiên tiến, cung cấp cho đất nước những lực lượng lao động được đào tạo tốt nhất thế giới.

Phần Lan không cho phép sinh viên trẻ mới tốt nghiệp vào dạy bất kỳ ở trường nào đó trên đất Phần Lan. Tất cả phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên 5 năm, và ai chưa hoàn thành thì cũng đừng nghĩ rằng mình có thể dạy ở một lớp mẫu giáo.

Nhà trường ở Phần Lan yêu cầu giáo viên phải dạy theo chương trình quốc gia, nhưng nhà trường vẫn dành cho mỗi giáo viên những khoảng trống rộng để họ có thể điều chỉnh chương trình theo nhu cầu và thế mạnh của mình. Phần Lan không bắt buộc học sinh tiểu học và trung học cơ sở làm các bài kiểm tra chuẩn. Hình thức kiểm tra này chỉ áp dụng ở học sinh cuối cấp trung học phổ thông. Sahlberg viết: “Các trường ở Phần Lan là một khu vực không áp dụng các bài kiểm tra chuẩn.”

Nhà trường ở Phần Lan là một “vũ trụ” mà giáo viên trong đó được tôn trọng hơn hẳn so với nhiều nước, họ cũng được tạo điều kiện làm việc hơn hẳn. Trong “vũ trụ” đó, người phục vụ công tác giáo dục, kể cả giáo viên, phải làm đầy đủ bổn phận bảo đảm sức khỏe và an sinh cho các trẻ nhỏ. Phần Lan có một hệ thống trường lớp tuyệt vời, quan tâm sát sao tới nhu cầu học sinh, chuẩn bị tốt cho các thầy giáo, xây dựng các cộng đồng giáo dục tạo niềm vui thú cho việc dạy và học (Diane Ravitch). Hệ thống nhà tường ấy “Dạy học vì Phần Lan”, và tất yếu xã hội trả lương cao cho người làm giáo dục.

Cộng đồng giáo giới Phần Lan không cần có Hội nghị quốc gia bàn về vị thế nhà  giáo, không đòi Nhà nước phải quan tâm đến việc cải thiện đời sống giáo viên, và họ cũng chẳng phải tổ chức Hội thảo như chúng ta để tìm giải pháp tôn vinh giáo chức. Họ làm thật tốt cho giáo dục, giáo dục của họ không lẽo đẽo đuổi theo kinh tế, không làm cho kinh tế phàn nàn giáo dục là một gánh nặng. Bí quyết cải thiện đời sống nhà giáo của họ là thế. Nhà giáo Phần Lan cả về trình độ đào tạo lẫn văn hóa ứng xử xã hội đúng phong thái của người trí thức.

Trường hợp này đúng với lời nói chí lý của Daisaku Ikeda, nhà văn hóa Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội Soka Gakkai Quốc tế (SGI): “Trí thức biết ơn xã hội vì xã hội đã ứng trước học vấn cho họ; xã hội biết ơn trí thức vì trí thức đã đem lại những thành quả lớn lao cho xã hội.”

Cách tiếp cận vấn đề đặt ra trong Hội thảo là như vậy. Mượn mấy ý tứ trong Finnish Lessons 2.0, tôi trình bày cách tiếp cận này, một cách trình bày có nhiều ẩn dụ, mà tôi nghĩ đó là một cách trình bày có thể được một số vị dự Hội thảo thông cảm.

XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ … (Vị thế nhà giáo và sự đãi ngộ giáo giới từ phía nhà nước)

Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Thực trang và đề xuất giải pháp » do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Hà Nội, NXB Thế Giới, Hà Nội 2024, tr.12-21