Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Hằng
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khánh Hòa
- Tầm quan trọng của tư vấn tâm lý học đường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Tư vấn tâm lý học đường là một nhánh của ngành tham vấn tâm lý được xuất hiện vào đầu thế kỷ XX tại Mỹ. Ở Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, các cơ quan, tổ chức giáo dục Việt Nam đã ngày càng quan tâm đến các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, tiêu biểu là Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (có hiệu lực từ ngày 02/02/2018).
Theo Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT, tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển với tốc độ nhanh và đầy biến động của nền kinh tế – xã hội đã đem đến cho quá trình sống, học tập và rèn luyện của học sinh nhiều cơ hội nâng cao chất lượng nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi đối với tâm lý các em, đặt ra yêu cầu phát triển các hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công nghiệp. Điều này có thể sẽ tạo ra thất nghiệp nếu người lao động không nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao [3, tr.198]. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh, áp lực công việc và cuộc sống ngày càng tăng dẫn đến phụ huynh học sinh không có nhiều thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm lý của các học sinh.
Áp lực học tập đối với học sinh cũng nặng nề hơn so với thế hệ trước. Cuộc cách mạng 4.0 đã dẫn tới cuộc chạy đua về trí tuệ, nguy cơ về sự tụt hậu làm cho nhiều phụ huynh ép con vào guồng quay của việc học trường – học thêm – học trung tâm – học kèm, la mắng khi con không đạt được thành tích tốt khiến cho con rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tại một số địa phương, cơ sở đào tạo vẫn còn bệnh thành tích trong giáo dục, giáo viên tạo áp lực quá mức cho học sinh. Rất nhiều em thường xuyên bị căng thẳng và lo lắng, cảm thấy áp lực trong các kì thi, thậm chí sợ đến trường, ghét chuyện học tập, có suy nghĩ tiêu cực, bất cần và buông bỏ.
Sự phổ cập của Internet dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều thuận lợi trong học tập, giải trí nhưng nếu lạm dụng, sử dụng Internet không đúng cách sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng học sinh nghiện Internet, mạng xã hội, chìm đắm trong thế giới ảo nhất là nghiện chơi game trực tuyến đang là một vấn đề đáng báo động của toàn xã hội. Ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt là bậc Trung học phổ thông, các em có sự thay đổi rất lớn về sinh lý, nhận thức và cảm xúc, có các nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân, tiếp xúc với các bạn khác giới, nhu cầu được mọi người tôn trọng, nhu cầu thỏa mãn sự hiếu kì cũng như sự tò mò của mình…[4, tr.105]. Mạng xã hội đánh trúng tâm lý tò mò, khao khát cái mới và thể hiện bản thân của người sử dụng. Chỉ một cái click chuột các em có thể tìm hiểu những vấn đề em cần mà không phải lo về sự tra hỏi, cáu kỉnh hay mắng mỏ từ bố mẹ, anh chị. Chỉ cần một vài dòng chia sẻ, một bức ảnh cũng giúp bạn bè biết được hôm nay mình đã đi đâu, làm gì, buồn hay vui. Game online tạo cho người chơi có cảm giác làm chủ bản thân, tha hồ thể hiện khát khao chinh phục, khát khao chiến thắng, những phần thưởng ảo làm người chơi thấy say mê, tạo cảm xúc vui sướng. Càng ngày càng có nhiều học sinh bị cuốn hút vào game online, mạng xã hội dẫn đến mất nhiều thời gian, rối loạn giấc ngủ, sao nhãng việc học. Khi sử dụng Internet quá mức hoặc bị gia đình cắt giảm thời lượng sử dụng Internet, các em có những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, lo âu hay dễ cáu gắt với người khác và có những hành động thiếu kiểm soát [2]. Các phương tiện truyền thông ngày càng cảnh báo các trường hợp thanh thiếu niên đánh nhau, phạm tội cướp của, giết người… vì game online.
Trong cuộc sống từ sinh hoạt gia đình đến việc học ở trường và hoạt động ngoài xã hội, các em có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khúc mắc, tình huống bất ngờ như: bị thầy cô bạn bè xa lánh, đối xử bất công hay hiểu nhầm, lúng túng về tâm sinh lý, bị thất tình, muốn nghỉ học vì chán nản chuyện gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn, vì thành tích kém… Do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống, các em không biết cách nhìn nhận và giải quyết như thế nào cho hợp lý và rất cần được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về tâm lý, được nhận sự tư vấn tâm lý để có điều kiện thể trạng tinh thần tốt nhất cho việc học tập tại trường và sinh hoạt tại gia đình, vững vàng trước những cám dỗ, thử thách ngoài xã hội.
Nếu những vấn đề tâm lý của các em không được quan tâm, giải quyết kịp thời sẽ sinh ra những rối loạn về mặt tâm lý như: trầm cảm, bế tắc, mất phương hướng, mất niềm tin, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh… và về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy tiềm ẩn cho cá nhân và xã hội. Hàng loạt những vấn đề liên quan đến đạo đức, kỷ luật trường học, học sinh tự tử, áp lực thi cử, những rối loạn tâm lý, quan hệ thầy trò… của các trường học Việt Nam cho thấy nhu cầu được hỗ trợ về mặt tâm lý của học sinh ngày càng cấp thiết.
- Thực trạng công tác tư vấn tâm lý học đường
Thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Mặc dù đã có những nỗ lực nhưng công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay còn khá nhiều hạn chế.
Các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và toàn xã hội chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Một số giáo viên chưa có thói quen tiếp cận với phòng tư vấn, chưa thực sự ủng hộ hoặc không coi trọng vai trò của phòng tư vấn tâm lý. Một số phụ huynh chỉ chú trọng kết quả học tập tốt, không quan tâm tới đời sống tinh thần của con [6, tr.32]. Những mong đợi của cha mẹ đối với con cái thường là phải chăm chỉ học hành, đạt kết quả tốt trong học tập, không trốn học đi chơi, không đua đòi bạn bè, không a dua, đi theo những đối tượng xấu trong lớp… Không có nhiều ý kiến nói đến quan hệ chia sẻ, yêu thương, quan tâm lẫn nhau giữa các em với người thân, thầy cô, cộng đồng; đến trách nhiệm của các em đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Điều này dẫn đến một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống, thậm chí có thái độ vô cảm [5, tr.231].
Số lượng học sinh tìm đến phòng tư vấn tâm lý khá ít. Nhiều em không biết đến sự tồn tại của phòng tư vấn tâm lý ở trường. Thời gian làm việc của phòng tư vấn tâm lý thường là giờ hành chính, các em không sắp xếp được thời gian vì lịch học dày đặc, tranh thủ thời gian nghỉ tiết thì không đủ cho các em trình bày vấn đề của mình. Học sinh cũng chưa thực sự tin tưởng giáo viên tư vấn tâm lý. Các em sợ những bí mật của mình bị rò rỉ, sợ giáo viên tư vấn không hiểu sẽ khiến cho tình hình rối rắm hơn. Tâm lý của nhiều học sinh e ngại vì sợ bạn bè trêu ghẹo. Ngay cả phụ huynh vẫn còn định kiến nên không thoải mái khi con phải vào các phòng tham vấn này để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu gặp phải rắc rối về tâm lý, đa phần học sinh đều cho biết sẽ tự xử lý hoặc tìm lời khuyên nơi bạn bè. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP. HCM) nhận xét “Phòng tư vấn chỉ là hình thức vì có phòng nhưng học sinh ngại vào và giờ giấc thì không hợp lý, nói chung là không hiệu quả và không thực tế”[9].
Số lượng cán bộ tư vấn tâm lý học đường ít, trình độ chuyên môn chưa cao hạn chế trực tiếp hiệu quả của công tác này. Theo Thông tư 31 hướng dẫn, cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cán bộ giáo viên nào cũng đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một vấn đề nan giải vì nhân sự là chìa khóa quan trọng để đảm bảo thành công của công tác tư vấn tư vấn tâm lý học đường. Hiện nay chỉ có một số ít trường có đào tạo chuyên sâu ngành Tâm lý học (Tâm lý học trường học) như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Huế.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) cho rằng đội ngũ tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay chủ yếu là lực lượng giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn sâu, không được đào tạo bài bản để tư vấn cho đúng nên chưa thể giải quyết gốc của vấn đề. Do kiêm nhiệm nên giáo viên chỉ làm một số buổi sau khi hoàn thành những tiết chính môn của mình. Vì vậy, khi học sinh có nhu cầu tức thời, có sự cố cần tư vấn thì có thể không kịp thời giải quyết. Ngoài ra, ông Bình phân tích thêm, trung bình, mỗi trường có ít nhất 1.000 học sinh, có trường lên đến hơn 3.000 mà chỉ có 1 giáo viên phụ trách mà lại còn kiêm nhiệm nên thực sự không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Hằng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn, tư vấn của đội ngũ này [9].
Để hoạt động tư vấn tâm lý được tiến hành hiệu quả, nhà trường cần bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn. Nhưng trên thực tế, nhiều phòng tư vấn tâm lý chưa đảm bảo tính riêng tư, kín đáo do khuôn viên trường diện tích có hạn, trang thiết bị, tài liệu còn hạn chế. “Nhiều phòng tư vấn không công khai quy trình, chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá và kiểm tra chất lượng mà chỉ có báo cáo kết quả hàng tháng, hàng kỳ với nhà trường. Các trường đều có các văn bản mang tính hành chính như kế hoạch hoạt động, báo cáo từng hoạt động nhưng thiếu nhiều tài liệu mang tính chuyên môn hướng dẫn phương pháp, các bước triển khai từng hoạt động” [6, tr.29-30]. Phần lớn các phòng tư vấn tâm lý học đường chưa có quy trình sàng lọc định kỳ, chưa có các hoạt động phòng ngừa mà chỉ là nơi ngồi chờ khi học sinh có chuyện xảy ra mới xử lý. Nhiều nơi công tác tư vấn chưa đảm bảo yếu tố bảo mật, chưa chuyên nghiệp, chẳng hạn thiếu không gian riêng tư, thiếu bộ công cụ trắc nghiệm, thiếu mạng lưới kết nối với các chuyên gia đầu ngành khi có học sinh bị nặng [7] .
Có thể thấy, công tác tư vấn tâm lý trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Hiện nay, tư vấn tâm lý học đường chủ yếu mới dừng lại ở hình thức tham vấn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của học sinh, phụ huynh riêng lẻ chứ chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý học đường thật sự chuyên nghiệp. Cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Chúng ta chưa có đủ chương trình, tài liệu về tư vấn tâm lý; còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ tư vấn và thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động này. Sự phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan ban ngành trong hoạt động tâm lý học đường còn lỏng lẻo. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.
- Giải pháp nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Từ thực trạng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong nhà trường như sau:
Một là nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội, đặc biệt là người đứng đầu trường học – hiệu trưởng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý. Ngoài việc giáo dục tri thức, các nhà giáo dục cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, giúp các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tư vấn tâm lý không chỉ dành cho trường hợp “cực đoan” hay biểu hiện ở mức độ nặng. Không nên chờ đến khi thật sự có vấn đề lớn rồi mới đi tìm cách giải quyết mà phải phát hiện vấn đề khi nó còn tiềm ẩn hoặc ở mức độ nhẹ, ngăn chặn những tình huống xấu phát sinh [4, tr.56]. Tư vấn tâm lý học đường là công việc đặc thù cần phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, kinh nghiệm thực tế và cần làm toàn thời gian. Để nâng cao nhận thức, cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến về tính cấp thiết của tư vấn tâm lý học đường, về công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục trên trang web của trường và khuyến khích chia sẻ trên các trang facebook, zalo của các nhà giáo dục, phụ huynh, học sinh và mạng xã hội.
Hai là xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở đại học. Để đảm bảo chất lượng tư vấn tâm lý học đường, nhất thiết nhà tư vấn tâm lý học đường phải là những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản về lĩnh vực này và làm việc chuyên trách – tức là không kiêm nhiệm thì mới thực sự đem lại hiệu quả. Ở Mỹ, các nhà tâm lý học học đường được đào tạo chuyên sâu bao gồm các môn học lý thuyết và thực hành, thực tế. Các nhà tâm lý học trường học thường đã hoàn thành chương trình cấp bằng thạc sỹ (ít nhất 60 tín chỉ sau đại học) hoặc bằng tiến sỹ (ít nhất 90 tín chỉ sau đại học), cả hai đều bao gồm một năm thực tập có giám sát 1200 giờ. Các nhà tâm lý học học đường phải được chứng nhận bởi tiểu bang mà họ làm việc. Họ cũng có thể được chứng nhận trên toàn quốc bởi Hội đồng Chứng nhận Tâm lý Học đường Quốc gia (NSPCB). Hiệp hội các nhà tâm lý học học đường quốc gia (NASP) đặt ra các tiêu chuẩn cho việc học tập, cấp chứng chỉ, thực hành nghề nghiệp và đạo đức. Điều này cho thấy Mỹ rất đề cao tầm quan trọng của nhân sự thực hiện công tác tư vấn học đường [11].
Ở Úc, để trở thành nhà tâm lý học trường học, sinh viên mất 6 năm bao gồm bốn năm hoàn thành bằng cấp đại học về tâm lý học và hai năm thực hành dưới sự giám sát của người hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học hoàn thành bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ sau bằng cấp ban đầu của họ để trở thành nhà tâm lý học thực thụ. Các nhà tâm lý học hành nghề phải tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về ứng xử nghề nghiệp. Các hướng dẫn này bao gồm thực hành nghề nghiệp, trách nhiệm đạo đức và tính bảo mật để bảo vệ quyền lợi của những người nhận dịch vụ tâm lý [10, tr.7].
Những nhà tâm lý học học đường cần có những năng lực như năng lực sử dụng các phương pháp khoa học để quan sát, phỏng vấn, khảo sát nhằm tìm hiểu các thông tin liên quan đến học sinh và các đối tượng có liên quan để ra quyết định và có khả năng giải trình dựa trên các dữ liệu khoa học; năng lực tổ chức và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các lực lượng gia đình, nhà trường và cộng đồng; tìm kiếm và sử dụng được những nguồn lực bên ngoài trường học để hỗ trợ cho học sinh, chẳng hạn các tổ chức trong cộng đồng, các cơ sở kinh doanh; năng lực tăng cường phát triển các kỹ năng về nhận thức và học tập của học sinh, hỗ trợ giáo viên và phụ huynh nâng cao năng lực đánh giá học sinh và giáo viên; năng lực tăng cường phát triển sức khỏe toàn diện, các kỹ năng xã hội, và các năng lực cuộc sống, khả năng làm việc với các vấn đề cụ thể liên quan đến sức khỏe tâm thần hay hành vi như với các nạn nhân của thảm họa, tự tử, người thân mất…[8].
Bộ Giáo dục – Đào tạo cần đưa vị trí việc làm của nhà tư vấn tâm lý học đường trong đề án vị trí việc làm của trường và xác định chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong trường học để công tác tuyển dụng nhân sự chuyên trách phòng tư vấn tâm lý của trường được thuận lợi và hiệu quả.
Ba là, tăng kinh phí, có chế độ chính sách, cơ sở vật chất, quy trình, tài liệu phù hợp để tăng hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, phòng tư vấn tâm lý và công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường. Để có nguồn kinh phí đủ cho các hoạt động tư vấn tâm lý và tương xứng với chất lượng của nhà tâm lý học chuyên nghiệp, ngoài việc lấy từ nguồn chi thường xuyên như Thông tư 31 đã hướng dẫn, trường có thể huy động thêm nguồn kinh phí từ những phụ huynh có điều kiện, những nhà hảo tâm, những nhà tài trợ, cựu học sinh.
Về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chúng ta có thể suy ngẫm về chính sách hỗ trợ hoạt động tư vấn tâm lý của Úc. Ở Úc, tổ chức giáo dục sử dụng chuyên gia tâm lý học đường có trách nhiệm cung cấp các nguồn lực thích hợp, bao gồm những điều sau đây:
- Một địa điểm mang tính riêng tư, kín đáo để cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên môn cho các học sinh trong trường, với một khu vực chờ.
- Phòng tư vấn cách âm để học sinh và nhà tâm lý thoải mái và thích hợp cho việc tư vấn, đánh giá và tham vấn theo nhóm và cá nhân.
- Phòng tư vấn được thiết kế sao cho tối đa hóa sự an toàn của nhà tâm lý học. Văn phòng phải được cung cấp với hai lối ra phòng khi học sinh hoặc gia đình có hành vi hung hăng, bạo lực hoặc rối loạn cảm xúc phải được điều trị. Có một thiết bị báo động trong trường hợp khẩn cấp.
- Điện thoại với hệ thống thư thoại, máy tính và máy in, máy ghi âm, tủ đựng hồ sơ có khóa, văn phòng phẩm và đồ nội thất văn phòng để thực hiện công việc tư vấn, lưu trữ hồ sơ, đánh giá.
- Có quyền truy cập vào tất cả các tài liệu kiểm tra tâm lý và giáo dục cần thiết để hoàn thành vai trò tư vấn tâm lý.
- Được trợ cấp ngân sách hàng năm để tiếp cận các nhu cầu như tham vấn đồng nghiệp, nhận sự hướng dẫn của chuyên gia và tài nguyên chuyên môn (tức là sách, công cụ can thiệp tâm lý, tạp chí chuyên ngành …).
- Các quy trình hành chính để cho phép phê duyệt các yêu cầu nghỉ phép và tham gia các hoạt động chuyên môn phù hợp hoạt động phát triển năng lực của nhà tâm lý.
- Cung cấp đầy đủ phương tiện, kinh phí cho việc đi lại đến một điểm đến bên ngoài trường nếu được yêu cầu và cần thiết cho công tác tư vấn [10, tr.31].
Về tài liệu tư vấn tâm lý, chúng tôi đề xuất Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo và các trường đại học nghiên cứu lý luận và thực tiễn trong và ngoài nước để biên soạn, bổ sung, cập nhật tài liệu hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học đường đảm bảo nội dung chương trình tư vấn học đường không chỉ bó hẹp trong khung lý thuyết về tư vấn mà cần phải được mở rộng, kết hợp với việc hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng về học tập, định hướng nghề nghiệp, phát triển nhân cách. Hình thức tư vấn không chỉ hướng đến cá nhân mà còn hướng đến toàn thể học sinh để hỗ trợ các em phát triển nhân cách hoàn thiện. Những buổi học thực hành cho các tư vấn viên, những hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học cần được tổ chức nhiều hơn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn tâm lý học đường.
Phòng tư vấn tâm lý cần công khai quy trình tiếp nhận đăng ký và thực hiện tư vấn tâm lý dành cho học sinh, phổ biến các hình thức đăng ký tư vấn tâm lý qua hộp thư, qua email, điện thoại… trên trang web của trường, qua giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường… để phụ huynh, học sinh và giáo viên có những thông tin cần thiết.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Theo Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia của Mỹ, cần tăng cường kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, có sự hợp tác giữa các nhà tâm lý học học đường với gia đình, giáo viên, quản lý trường học và các chuyên gia khác để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hỗ trợ tối đa cho học sinh. Các cơ sở giáo dục cần phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí để đẩy mạnh việc phổ biến thông tin hữu ích cho công tác tư vấn tâm lý học đường.
Cán bộ quản lý trường học cần ủng hộ công tác tư vấn tâm lý học đường, trao nhiều quyền hạn hơn cho nhà tâm lý học học đường, hỗ trợ cán bộ tư vấn tâm lý học đường trong việc kết nối với các bộ phận khác nhau trong và ngoài trường; cung cấp cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, đảm bảo công tác tư vấn tâm lý học đường được hiệu quả và chất lượng; có quy định, hướng dẫn để tích hợp các nội dung của công tác tư vấn tâm lý học đường vào chương trình dạy học chính khóa ở một số môn thích hợp như Văn học, Giáo dục Công dân…, vào các hoạt động ngoại khóa và đoàn thể. Giáo viên, phụ huynh, cán bộ đoàn thể phối hợp với cán bộ tư vấn tâm lý học đường để thiết lập một môi trường tích cực cho học sinh, hỗ trợ và tham dự vào việc triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý học đường.
Khi nhận thấy những dấu hiệu tâm lý bất thường ở học sinh, nhà tâm lý học học đường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ đoàn thể, phụ huynh học sinh cần giữ mối liên hệ, theo dõi, quan sát để xác định những yếu tố tác động không tốt đến tâm lý của học sinh. Trên cơ sở đó, nhà tư vấn tâm lý học đường áp dụng những kỹ năng, kiến thức tư vấn, hỗ trợ giúp học sinh cân bằng tâm lý, có điều kiện thể trạng tinh thần tốt nhất cho việc học tập tại trường và sinh hoạt tại gia đình. Đồng thời, hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục. Với thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, liên lạc qua Internet rất thuận tiện cho công tác phối hợp, quan trọng và cần nhất vẫn là cái tâm và sự thân thiện. Khi nhà tư vấn tâm lý học đường liên hệ, phụ huynh học sinh cần dành thời gian phối hợp và thực hiện theo yêu cầu của nhà tư vấn. Hậu tư vấn sẽ là một thách thức cho những người làm công tác tư vấn tâm lý không có lực kết hợp. Nếu mối dây liên kết với gia đình, trường học thực sự vững chắc, hậu tư vấn sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả.
- Kết luận
Tư vấn tâm lý học đường có tầm quan trọng rất lớn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ở gia đình, trường học và xã hội. Các nhà tư vấn tâm lý học đường cần được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức để giải quyết hiệu quả các vấn đề tâm lý của học sinh. Các cấp quản lý, các trường học, học sinh, gia đình và xã hội cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của tư vấn tâm lý để phối hợp chặt chẽ với nhà tư vấn tâm lý học đường, đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để nhà tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, Truy xuất từ https://moet.gov.vn/van-ban.
- Lê Minh Công, Thực trạng nghiện internet ở học sinh THCS tại TP Biên Hòa – Đồng Nai, Hội thảo khoa học quốc tế về Tâm lý học trường học lần thứ 3 (2012) tại Đại học Sư phạm TP. HCM, NXB ĐH Sư phạm TP. HCM.
- Trần Thị Vân Hoa (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0 – Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Ánh Hoa (2019), Thấu hiểu tâm lý học đường, NXB Dân trí, Hà Nội.
- Phạm Thị Mai Hương (2018), Thái độ vô cảm trong gia đình của trẻ vị thành niên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đặng Hoàng Minh (2010), Xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường tại một số trường THPT tại Hà Nội, Đề tài NCKH, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội.
- Tương Quan (2021), Học sinh tự tử và khoảng trống tư vấn tâm lý học đường, Truy xuất từ https://thanhnien.vn/giao-duc.
- Ngô Minh Uy (2009), Kế hoạch đào tạo và thực hành tâm lý học trường học của Hiệp hội quốc gia các nhà tâm lý học trường học Hoa Kỳ [NASP], Đại học sư phạm Hà Nội.
- Bích Thanh (2021), Học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý: Phòng tư vấn chỉ là hình thức?, Truy xuất từ https://thanhnien.vn/giao-duc.
- Australian Psychological Society (APS), The framework for effective delivery of school psychology services: a practice guide for psychologists and school leaders, https://www.psychology.org.au.
- National Association of School Psychologists (NASP), Who are school psychologists, https://www.nasponline.org.
Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 23, 24 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2021, tr.42-51