Nhu cầu được tư vấn tâm lý học đường của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
TS.Đào Lan Hương
Ths. Nguyễn Thị Thương
Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh

Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện trên 366 học sinh tại hai trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Kết quả nghiên cứu cho thấy 69,1% em cho rằng cần thiết phải có phòng tư vấn tâm lý học đường các em cho rằng đây là một hình thức trợ giúp tâm lý hiệu quả, bản thân các em đã được biết về các hình thức này trên tivi nên các em rất thích, các em có thể tìm đến các dịch vụ này khi gặp khó khăn; 63,9% học sinh momg muốn có phòng tâm lý và các hoạt động trợ giúp tâm lý học đường. Số em đã từng sử dụng hoạt động trợ giúp tâm lý khá ít chiếm 0,01% tuy nhiên những em này đã rất hài lòng khi được hỗ trợ. Học sinh sống ở thành phố nhận thức về tầm quan trọng của tư vấn tâm lý học đường cao hơn học sinh sống ở nông thôn trong khi đó học sinh ở vùng nông thôn lại có nhu cầu được tư vấn tâm lý cao hơn học sinh ở thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh THPT Bắc Ninh có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý khá cao tuy nhiên hiện tại các em chưa được tiếp cận với các hoạt động này đòi hỏi cần có những giải pháp để phát triển hệ thống tư vấn tâm lý trong trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

1, Đặt vấn đề
Có nhiều định nghĩa khác nhau về nhu cầu. “Nhu cầu là điều kiện cần thiết để đảm bảo tồn tại và phát triển, được thoả mãn thì dễ chịu, thiếu hụt thì khó chịu, căng thẳng, ấm ức. Có nhu cầu của con người, có nhu cầu chung của tập thể, khi hoà hợp, khi mâu thuẫn, có nhu cầu cơ bản, thiết yếu, có nhu cầu thứ yếu, giả tạo. Nhu cầu do trình độ phát triển của xã hội mà biến đổi” (Nguyễn Khắc Viện, 1995). Theo Lê Khanh, Trần Trọng Thuỷ, Phạm Minh Hạc trong cuốn Tâm lý học thì cho rằng “Nhu cầu là đòi hỏi ở môi trường xung quanh những cái cần thiết (không thể thiếu) cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân.” Như vậy, nhu cầu có thể hiểu đó là những đòi hỏi tất yếu cần được thỏa mãn để con người ta có thể tồn tại và phát triển. Nhu cầu của mỗi người cũng khác nhau tùy thuộc và độ tuổi, nền văn hóa tuy nhiên có thể thấy nhu cầu chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Học sinh là độ tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Ở độ tuổi này các em chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các điều kiện văn hoá, giáo dục, kinh tế của gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, áp lực học hành thi cử, việc thích ứng với cuộc sống ngày càng biến động, tiếp thu nhiều nền văn hoá khác nhau khiến nhiều học sinh gặp không ít khó khăn trong học tập, trong việc tìm và định hướng lý tưởng sống cho mình… Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, số lượng học sinh chán học, lười học chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các trường dẫn đến tình trạng học lực ngày càng kém. Bên cạnh đó, các em học sinh có những lúng túng, khó khăn trong học tập, trong các quan hệ xã hội, khó khăn trong việc giao tiếp ứng xử với bạn bè, thầy cô, vướng mắc trong quan hệ với cha mẹ và khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai…Những điều này có thể khiến các em bị stress, lo âu, trầm cảm hoặc có những hành vi lệch chuẩn.

Chính vì vậy, các em rất cần được tư vấn, trợ giúp về tâm lý nếu không các em sẽ không đủ sức mạnh để vượt qua chính mình và mất phương hướng trong cuộc sống và trong công việc tương lai. Bắc Ninh là một tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thành phố Bắc Ninh đến thủ đô Hà Nội chỉ vẻn vẹn 30km. Được coi là thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh đang có sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng với hàng loạt các khu công nghiệp bao quanh tỉnh cùng với sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Canon…đã khiến cho bộ mặt kinh tế của Bắc Ninh có nhiều khởi sắc kéo theo đời sống nhân dân được cải thiện và phát triển. Khi đời sống vật chất được nâng cao kéo theo những nhu cầu mới về mặt tinh thần cũng như áp lực cuộc sống ngày càng tăng. Con người cũng cần có nhu cầu được chia sẻ được giúp đỡ khi có các áp lực về mặt tâm lý, đặc biệt là thế hệ trẻ Bắc Ninh những người đang hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc sống và chịu ảnh hướng trực tiếp từ sự thay đổi ấy. Câu hỏi được đặt ra là, ở một tỉnh nhỏ như Bắc Ninh các em học sinh đã được sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường chưa và nhu cầu được trợ giúp tâm lý học đường (TLHĐ) của các em như thế nào?

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thu thập số liệu

Bảng hỏi được phát trực tiếp cho học sinh trên lớp với số lượng từ 30 – 40 học sinh/lớp. Học sinh được thông tin về mục đích khảo sát, tính bảo mật thông tin mà các em cung cấp, quyền được biết kết quả nghiên cứu. Thời gian để mỗi học sinh hoàn thành bảng khảo sát từ 10 – 15 phút.

2.2. Mẫu nghiên cứu
Số lượng học sinh tham gia khảo sát gồm 366 em: 135 nam (36,9%) và 231 nữ (63,1%), tuổi từ 15 – 17 đang học tại 2 trường trung phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong thời gian các em trả lời có sự có mặt của nghiên cứu viên và giáo viên chủ nhiệm lớp để giải thích cách thức thực hiện và hỗ trợ các em trong quá trình trả lời phiếu.

2.3. Công cụ nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng hệ thống bảng hỏi tự xây dựng kết hợp với phỏng vấn sâu để đo nhu cầu được tư vấn tâm lý học đường nói chung của học sinh.

 

LINK XEM ĐẦY ĐỦ BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 23 / 24 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2021, tr.209-220 )