Giáo dục đạo đức cho học sinh: “Khoảng trống” trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

KHOẢNG TRỐNG TRONG PHỐI HỢP GIỮA GIA ĐÌNH – NHÀ TRƯỜNG TRONG ĐÁNH GIÁ ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN CHO HỌC SINH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Tóm tắt

Gia đình và nhà trường luôn được coi là hai chủ thể rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức công dân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tuy vai trò nhiệm vụ của mỗi chủ thể này khác nhau, nhưng sự phối hợp giữa hai chủ thể là bắt buộc trong giáo dục học sinh. Ở mỗi quốc gia, mỗi lứa tuổi, sự phối hợp này được quy định khác nhau ở mức độ và nội dung, song chất lượng giáo dục đạo đức công dân nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung thường tỉ lệ thuận với sự phối hợp này. Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù các quy định trong luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện đều có yêu cầu về sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục nhưng thực tiễn thực thi lại cho thấy một khoảng trống không nhỏ trong sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường trong giáo dục đạo đức công dân cho học sinh nói chung, hoạt động đánh giá nói riêng. Từ tiếp cận hoạt động đánh giá, chúng tôi mong muốn làm rõ khoảng trống này để từ đó bàn luận về giải pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức công dân cho học sinh trong bối cảnh hiện nay.

  1. Vai trò của gia đình, nhà trường trong giáo dục học sinh

1.1  Vai trò của gia đình

Yếu tố gia đình rất có ý nghĩa đối với học sinh, đó là quan hệ giữa cha mẹ, họ hàng, cách đối xử của cha mẹ đối với các thành viên trong gia đình. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đạo đức của mỗi người bắt đầu  hình thành ở gia đình. Khổng Tử (551-479TCN), nhà triết học lỗi lạc, tư tưởng của ông rất có ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam cho rằng giáo dục đạo đức là quan trọng nhất, trong đó gia đình là trường học đầu tiên để con người rèn luyện và trưởng thành. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy vai trò rất quan trọng của gia đình trong xã hội hiện đại: gia đình là nơi truyền tải giá trị chính hoặc duy nhất (Rokeach, 1975); mặc dù trường học có vai trò quan trọng trong việc phát triển tính cách của học sinh, nhưng tác động sâu sắc nhất đến sự phát triển của học sinh đến từ gia đình, đặc biệt là từ cha mẹ học sinh, cho dù đó là phát triển xã hội, đạo đức, hành vi hay học tập (Berkowitz & Bier, 2005); trẻ nhỏ tin vào những gì đúng và sai theo truyền thống đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gia đình của chúng (Brannon, 2008); gia đình là nhà giáo dục đạo đức chính của trẻ, cha mẹ chính là giáo viên dạy đạo đức đầu tiên và cha mẹ cũng là người có ảnh hưởng lâu dài nhất (Lickona, 2009); Rõ ràng là cách cha mẹ nuôi dạy một đứa trẻ ảnh hưởng chủ yếu đến sự hình thành tính cách của trẻ, tất cả các khía cạnh của tính cách trẻ em đều bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này và các yếu tố nuôi dạy trẻ khác (Berkowitz, 2002) và trong giáo dục phẩm chất tốt (Berkowitz & Bier, 2005).

1.2 Vai trò của nhà trường

Phẩm chất của mỗi cá nhân với tư cách là một phần của tính cách, được hình thành và phát triển thông qua chung sống với người khác, hướng tới các chuẩn mực xã hội và ẩn dụ văn hóa. Trẻ thiết lập biên giới cá nhân thông qua một quá trình đàm phán giữa các cá nhân (Nucci, 2001). Những nỗ lực của  nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đạt được các giá trị quan trọng, cốt lõi, đạo đức trong giáo dục phẩm chất (Abourjilie, 2002). Giáo dục phẩm chất khởi nguồn từ gia đình, tiếp tục ở nhà trường, đây chính là  môi trường thứ hai trong cuộc sống trẻ em. Bầu không khí chấp nhận và ấm áp đối với học sinh là một yếu tố thiết yếu của giáo dục phẩm chất ở mỗi lớp học. Đặc biệt là ở những năm đầu của thời thơ ấu, ảnh hưởng tích cực được thể hiện công khai trong nội dung giáo dục trong nhà trường (Nucci, 2001). Trẻ em học các phẩm chất trong suốt chương trình giảng dạy, các văn bản và từ giáo viên.

So với gia đình, trường học có ảnh hưởng muộn hơn so với việc nuôi dạy trẻ bởi vì: (1) cha mẹ gần với trẻ nhiều hơn trong những năm đầu đời và (2) nhiều trẻ em không trải nghiệm việc học toàn thời gian hoặc thậm chí là bán thời gian cho đến khi chúng được ba, bốn hoặc năm tuổi, khi đó nhiều khía cạnh của tính cách đã được phát triển. Các trường học có thể ảnh hưởng đến khái niệm bản thân, kỹ năng xã hội, giá trị, sự trưởng thành về lý luận đạo đức, khuynh hướng và hành vi xã hội, kiến ​​thức về đạo đức, giá trị, v.v. (Berkowitz, 2002). Luôn song hành, phối hợp cùng nhau, hai tổ chức xã hội hình thành (trường học và gia đình) có sức mạnh thực sự để nâng cao đạo đức và nâng cao đời sống đạo đức của quốc gia (Lickona, 2009).

Giáo viên là thành phần cốt lõi của trường học và họ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục phẩm chất. Trước hết, giáo viên cần hiểu rõ rằng giáo dục phẩm chất là nỗ lực có chủ ý để dạy các đức tính đại diện cho các tiêu chuẩn đạo đức khách quan vượt qua thời gian, văn hóa và lựa chọn cá nhân. Để phát triển tính cách đạo đức trong học sinh của mình, giáo viên phải giúp trẻ biết những phẩm chất đó là gì, đánh giá cao tầm quan trọng của chúng và muốn sở hữu chúng, và để thực hành chúng trong hành vi hàng ngày (Lickona, 1997).

1.3 Nội dung giáo dục đạo đức công dân cho học sinh

Hiện nay, nội dung phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức cho học sinh được quy định khá rõ trong các văn bản pháp quy từ Hiến pháp (2013), Luật giáo dục (2005, sửa đổi 2009 và 2019) đến các văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi như Điều lệ nhà trường (tiểu học, trung học), điều lệ Ban cha mẹ học sinh, … Trong các văn bản này quy định rõ nhà trường và gia đình có trách nhiệm trong chăm lo, giáo dục học sinh đạt các mục tiêu giáo dục đạo đức.

Trên thế giới, dù có thể có sự khác biệt về văn hóa, pháp luật nhưng điểm chung dễ nhận thấy của mỗi quốc gia đó là đều quan tâm đến giáo dục đạo đức. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có 4 nguyên tắc để giáo dục đạo đức cũng có thể coi đó là nội dung chính, đó là người học cần:

– Học kiểm soát bản thân;

– Học cách chung sống và giao tiếp với mọi người;

– Học tôn trọng môi trường, tự nhiên và cái đẹp: để hiểu tầm quan trọng của cuộc sống; quý trọng sinh mệnh

– Học tôn trọng các qui tắc/luật lệ/ứng xử mà theo đó con người/xã hội đang vận hành: công bằng, bình đẳng, say mê công việc, v.v…

Bốn nguyên tắc này sẽ được cụ thể hóa thành các nội dung giáo dục trong nhà trường, gia đình. Chẳng hạn, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành hay chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục đạo đức được quy định trong môn giáo dục công dân và mục tiêu tổng quát của chương trình.

Nghiên cứu các quy định pháp lý và cơ sở lí luận cho thấy có sáu việc cần làm của gia đình và nhà trường trong phối hợp giáo dục đạo đức công dân cho học sinh (Nguyễn Thị Ngọc Liên và cộng sự, 2019):

  • Định hình rõ ràng mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống
  • Thiết lập chiến lược và chương trình hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu
  • Xây dựng quy trình và quy định thực hiện
  • Yêu cầu cam kết
  • Hiện thực hóa kế hoạch hành động
  • Đánh giá và điều chỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, nội dung/ cách thức giáo dục đạo đức cho học sinh có thể được thực hiện qua: Thông qua hành vi của người lớn, cha mẹ; Thông qua rèn hành vi thói quen hàng ngày; Qua hoạt động ngoại khóa; Lồng ghép vào các môn học; Thông qua tương tác trên mạng xã hội; Mời chuyên gia đến chia sẻ; Phối hợp với gia đình và các lực lượng XH.

  1. Thu hẹp khoảng trống trong phối hợp giữa gia đình – nhà trường trong đánh giá đạo đức cho học sinh

2.1 Những khoảng trống trong phối hợp giữa gia đình – nhà trường trong đánh giá đạo đức cho học sinh

Khoảng trống xuất hiện trong quan niệm về mục tiêu, vai trò trách nhiệm, nội dung – phương pháp giáo dục đạo đức công dân cho học sinh. Một khảo sát gần đây do chúng tôi thực hiện tại 10 trường Tiểu học, THCS, THPT ở Hà Nội cho thấy, có khoảng cách lớn giữa gia đình và nhà trường trong xác định mục tiêu giáo dục cũng như thực thi giáo dục. Mặc dù trong các văn bản và các phát biểu chính thống thì giáo dục đạo đức vẫn luôn được coi trọng nhưng thực tế, hầu hết nhà trường cho rằng việc học ở trường chủ yếu là kiến thức, còn việc giáo dục đạo đức là thuộc về gia đình. Trong khi đó, có tới 98% gia đình được hỏi cho rằng “nhà trường là nơi giáo dục chính thức, họ không có đủ điều kiện giáo dục con”, cha mẹ không thể làm gương cho con cái trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện trong một số sự việc xảy ra rất điển hình trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, sự việc “cô giáo bắt học sinh quỳ” ở Thường Tín. Cô giáo cảm thấy bất lực trước học sinh “hư”, không chịu học, cô cho rằng không thể dạy được những học sinh này. Còn đối với cha mẹ các em, một số đã bỏ mặc (không đến gặp giáo viên/ nhà trường, không phối hợp, ngay cả khi con nghỉ học tới 45 ngày, …). Nghiên cứu những trường hợp này cho thấy, sự phối hợp cứng nhắc, thiếu linh hoạt nhất là không nhuần nhuyễn, thống nhất từ mục tiêu đến nội dung, cách thức phối hợp đã dẫn tới những khủng hoảng không hề nhỏ. Nghiên cứu tại các trường tiểu học, THCS, THPT tại các địa phương: Đồ Sơn, Lê Chân, Kiến An, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoài Đức (Hà Nội), cho thấy, tại đây đã gần không có hoạt động chia sẻ mục tiêu giáo dục đạo đức, nội dung, công cụ đánh giá đạo đức cho phụ huynh, giáo viên một cách chi tiết, dễ thực hiện.

Một khoảng trống nữa đó là nhận thức về biểu hiện và đánh giá đạo đức. Trong khảo sát của chúng tôi, hầu hết những người được hỏi cho rằng biểu hiện của những học sinh có đạo đức (hạnh kiểm) tốt là những em vâng lời, tuân thủ đầy đủ nội quy của lớp, của trường. Hơn nữa, nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng những học sinh có học lực khá/ giỏi thì nên được xếp loại đạo đức tốt. Trong hoạt động đánh giá đạo đức, thì gần như đơn phương diễn ra trong nhà trường. Gia đình thường ít có phản hồi, hoặc tham gia đánh giá. Ngay cả ở cấp tiểu học, mặc dù đã có quy định trong thông tư 22/2016 (trước đây là thông tư 30/2014) của Bộ giáo dục và đào tạo về hướng dẫn đánh giá học sinh nhưng ở hầu hết các nhà trường, sự tham gia của phụ huynh là không đáng kể, hoặc nếu có thì chất lượng chưa cao (Báo cáo của đề tài Đánh giá phẩm chất học sinh tiểu học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, 2018).

2.2 Biện pháp thu hẹp khoảng trống trong phối hợp giữa gia đình và nhà trường đánh giá đạo đức học sinh

Nhận định chung cho việc thu hẹp khoảng cách đó là cần thu hút sự tham gia của gia đình vào hoạt động giáo dục, trong đó có nêu rõ trách nhiệm giáo dục, trách nhiệm đánh giá của gia đình đối với học sinh. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, giáo dục gia đình rất được coi trọng. Nhiều gia đình chủ động đặt ra mục tiêu giáo dục đạo đức và đánh giá việc tu dưỡng đạo đức của con em mình chi tiết rồi thông báo với nhà trường. Việc này đã bị xao lãng bởi bối cảnh kinh tế thị trường dẫn đến nhiều cha mẹ đặt sự quan tâm của mình vào hoạt động phát triển kinh tế hơn là giáo dục con cái. Nghiên cứu các trường hợp của Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Pháp, Đức, Canada, … chúng ta sẽ thấy Chính phủ các nước này đã và đang thực thi những biện pháp để giúp cho giáo dục đạo đức trở thành trách nhiệm chung của gia đình và nhà trường.

Tại Canada, vào năm 1999 đã đưa ra khung chính sách về sự tham gia của gia đình, cộng đồng và nhà trường trong giáo dục phẩm chất của học sinh nói chung và đánh giá phẩm chất, đạo đức nói riêng. Chính phủ xây dựng chính sách và hướng dẫn các hoạt động liên quan đến cha mẹ học sinh và cộng đồng, bao gồm các văn bản xác định rõ ràng về mục đích, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của từng bên tham gia; cung cấp thông tin kịp thời cho gia đình và các thành viên trong cộng đồng để tạo điều kiện cho họ tham gia và ra quyết định hiệu quả,  khi cần thiết, đàm phán với cha mẹ học sinh và các tổ chức cộng đồng và hội đồng/ hội đồng quận huyện để hoạt động một cách hiệu quả. Giáo viên có trách nhiệm chính là lên kế hoạch, tạo điều kiện và đánh giá phẩm chất, đạo đức và kết quả học tập của học sinh.

Tại Hồng Kông, “Ủy ban phối hợp giữa gia đình và nhà trường” đã xuất bản cuốn sách cẩm nang “Phối hợp cha mẹ học sinh- giáo viên”, trong đó nêu lên tầm quan trọng của sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục và đánh giá phẩm chất của học sinh. Trong đó nêu rõ, mặc dù các trường học đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục và đánh giá phẩm chất học sinh, nhưng chỉ với nỗ lực tham gia của cả gia đình và nhà trường, công việc này  mới đạt hiệu quả.

Theo báo cáo chuyên đề của Đào Thu Vân và cộng sự (đề tài KHGD/16-20.ĐT.024), trong những năm đầu thế kỷ XXI, trường học Nhật Bản vấp phải những vấn đề như: trẻ em không thích đến trường, nạn bắt nạt học đường, bạo lực học đường, sự vô tổ chức trong nếp sống sinh hoạt, sự lỏng lẻo, hạ thấp việc tuân thủ những quy phạm trong cuộc sống. Trong cuộc họp Nội các Nhật năm Heisei 25 (năm 2013) khi bàn về vấn đề được xem là trầm trọng trong giáo dục Nhật hiện nay thì hiện tượng Bắt nạt học đường (Ijime) được xếp vị trí số 1 và một trong những phương cách để giảm thiểu tình trạng trên chính là sự cần thiết cải thiện nội dung giáo dục đạo đức cũng như các hoạt động trải nghiệm tại trường học[1]. Nhật Bản đã lựa chọn gắn cá thể (học sinh) vào các hoạt động của địa phương xung quanh trường học hoặc nơi cư trú. Nhật Bản việc giáo dục đạo đức cho học sinh các cấp gắn liền với việc lồng ghép vào các môn học, môn đạo đức (trước năm 2018 là giờ học đạo đức), thông qua các hoạt động tập thể. Nội dung khung hoạt động sẽ dựa trên văn bản hướng dẫn chung mà Bộ Giáo dục phát hành. Sau đó, mỗi địa phương, mỗi trường học sẽ đưa ra kế hoạch hoạt động hay chương trình nội dung giáo dục đạo đức cụ thể cho phù hợp điều kiện của trường học, địa phương nơi cư trú[2]. Nhật Bản đã tiến hành giờ học công khai, những thông báo về giáo dục đạo đức từ trường học. Thông qua việc tiến hành giờ học đạo đức công khai sẽ tăng cường khả năng hợp tác giữa gia đình, đoàn thể địa phương với trường học.

Từ những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn khảo sát tại các trường trên địa bàn Hải Phòng, Hà Nội (đã nói ở trên), chúng tôi khuyến nghị những biện pháp để thu hẹp khoảng trống giữa gia đình và nhà trường trong phối hợp đánh giá đạo đức công dân cho học sinh trong bối cảnh hiện nay như sau:

a) Xác định cụ thể mục tiêu giáo dục thông qua các hành vi của học sinh để nhà trường và gia đình dễ dàng nhận biết

Một thực tế là khi triển khai các hoạt động giáo dục, các nhà trường đã không cụ thể hóa mục tiêu giáo dục thành các chỉ báo, các biểu hiện hành vi của học sinh để nhà trường và gia đình nhận biết, trên cơ sở đó tiến hành uốn nắn, giáo dục kịp thời.

Những hành vi lệch lạc là dấu hiệu của việc nhận thức sai về chuẩn mực cư xử, nề nếp sống, đạo đức. Theo tác giả Shiomi Yoshikazu trong bài viết “Tình hình trẻ em và những vấn đề trong giáo dục đạo đức”[3] đã thống kê và chỉ ra những thói quen sinh hoạt của học sinh như đi học muộn, không ăn sáng (tỷ lệ này chiếm khoảng 1/4). Đặc biệt, hiện nay trong xã hội khi mà các thiết bị điện tử len lỏi vào tận ngõ ngách các gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của con người. Tình trạng học sinh đi ngủ muộn sẽ dẫn tới hiện tượng bỏ ăn sáng, mệt mỏi, dễ chán nản, học không tập trung, … Đó là những hành vi rất cụ thể minh chứng cho việc thiếu nề nếp dẫn đến vi phạm kỉ luật, dần dần sẽ lệch lạc về đạo đức.

Ở Hà Nội, tại các trường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Apha school, Pascal school,… việc cụ thể hóa hành vi đạo đức đã giúp sự phối hợp giáo dục giữa cha mẹ và các giáo viên của con đạt hiệu quả. Tại các trường này, ngay từ đầu năm học, nhà trường chủ động mô tả những hành vi không phù hợp, những mức độ cần đánh giá kỉ luật, đạo đức học sinh. Nhà trường cũng làm rõ cách thức giáo dục đạo đức, lối sống thông qua hành vi học sinh cùng những tiêu chuẩn xếp hạng. Đó cũng chính là cơ sở để nhà trường và gia đình cùng đánh giá học sinh. Khảo sát cho thấy, phụ huynh của các trường này đã ý thức được nhiệm vụ của mình trong theo dõi, trợ giúp con em mình cũng như nhận biết được những biểu hiện tốt/ không tốt. Họ cho rằng việc làm này của nhà trường đã giúp học biết cách thực hiện “đánh giá” con em mình cũng như phản biện lại những đánh giá của nhà trường.

b) Nhà trường chủ động tổ chức huấn luyện cho phụ huynh về đánh giá đạo đức của học sinh

Trong các nghiên cứu của Joyce Epstein (2005), việc nhà trường chủ động xây dựng nội dung, cách thức đánh giá để gia đình có thể tham gia ở mức độ cao nhất là việc rất quan trọng. Hướng dẫn đánh giá cần đi cùng với hướng dẫn biện pháp giáo dục. Tham khảo ở Nhật Bản, việc tổ chức giờ học đạo đức công khai, rồi sử dụng “Cuốn vở của trái tim”[4] đã lôi kéo gia đình và địa phương tham gia vào giáo dục. Tham khảo các nghiên cứu của Lê Nguyên Phương (2018) về giáo dục đạo đức, phòng chống bạo lực ở Mỹ cho thấy: cần thiết phải tạo niềm tin cho phụ huynh về các biện pháp kỉ luật tích cực trong giáo dục. Nghiên cứu tổng duyệt trên 37 nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy các chương trình tập huấn cho phụ huynh giúp giảm thiểu và phòng ngừa việc ngược đãi con cái đã giúp cải thiện những hành vi vi phạm đạo đức ở học sinh (Chen, M., & Chan K.L. (2015). Effects of Parenting Programs on Child Maltreatment Prevention: A Meta-Analysis. Trauma, Violence, & Abuse, 17(1), 88-104).

Ở Việt Nam, đánh giá phẩm chất, đạo đức đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên, Bộ giáo dục và đào tạo mới cụ thể hóa việc gia đình tham gia đánh giá học sinh trong Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành theo Thông tư số 30/2014 (TT30) và Thông tư 22/2016 (TT22) sửa đổi một số điều của TT30. Theo các văn bản này, các phẩm chất được đánh giá bao gồm: a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; c) Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước. Nội dung đánh giá phẩm chất HS cần đề cập những mặt sau: Nhận thức, thái độ, hành vi biểu hiện những phẩm chất; Thế giới quan (nhận thức); Những phẩm chất đạo đức trong quan hệ, giao tiếp, sinh hoạt cá nhân. Sự huy động tham gia của cha mẹ học sinh vào giáo dục phẩm chất học sinh được thể hiện cụ thể ở mục 2 điều 6 có quy định vai trò của cha mẹ học sinh trong đánh giá năng lực phẩm chất học sinh “Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.”, mục 3 điều 6 “Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.”, khoản 3 Điều 4 “Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”. Những quy định trên đây chưa thể hiện rõ vai trò (bắt buộc) và nội dung công việc của gia đình trong hoạt động đánh giá. Việc thông báo các kết quả đánh giá phẩm chất của nhà trường, giáo viên cho cha mẹ học sinh được thông qua các cuộc họp cha mẹ học sinh, qua tin nhắn điện tử, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gặp gỡ trao đổi với cha mẹ học sinh, … đã khiến cho việc đánh giá diễn ra một chiều.

Một số trường học được nghiên cứu cho thấy việc chủ động tổ chức huấn luyện phụ huynh việc đánh giá đạo đức cho con em họ đã giúp cho sự phối hợp giáo dục toàn diện học sinh được cải thiện. Nghiên cứu của chúng tôi khuyến nghị, ở đầu cấp học hoặc tháng đầu tiên của bắt đầu việc học tập ở nhà trường, phụ huynh cần được hướng dẫn/ huấn luyện về những biểu hiện phẩm chất, đạo đức của học sinh, các biện pháp giáo dục, đánh giá. Chẳng hạn, ở lớp 1, các phụ huynh cần được huấn luyện về tầm quan trọng của nề nếp, đánh giá trẻ thực hiện nề nếp, kỉ luật; với học sinh lớp 5,6 thì phụ huynh cần được huấn luyện về đánh giá ý thức, sự tuân thủ và hòa nhập của trẻ trong giai đoạn dậy thì tâm lí, …  Sự am hiểu sẽ khiến cho phụ huynh nhận thức đúng hơn về mục tiêu, nội dung, cách thức giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng.

Tham khảo trường hợp của Pascal school, nhà trường đã huấn luyện thang, bảng, tiêu chí, chỉ báo đánh giá phẩm chất của học sinh (xem hình ảnh). Khảo sát phụ huynh học sinh cho thấy thang, bảng, chỉ báo này đã giúp cho họ hiểu hơn những hành vi, biểu hiện đạo đức, phẩm chất của con họ, từ đó họ vận dụng trong giáo dục gia đình.

3.Kết luận

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, sự biến động của xã hội đã khiến cho vấn đề phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong đánh giá đạo đức, phẩm chất học sinh bộc lộ những điểm yếu mà bài báo gọi là “khoảng trống”. Lấp đầy khoảng trống này là đòi hỏi cấp bách, mà các nhà trường phải chủ động thực hiện. Trước hết, nhà trường cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục đạo đức đến mức chỉ báo các hành vi của học sinh, huấn luyện phụ huynh trong nhận diện và điều chỉnh các con trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, phụ huynh sẽ nâng cao nhận thức về mục tiêu, nội dung, biện pháp giáo dục, kỉ luật và chủ động phối hợp trở lại với nhà trường trong thực thi giáo dục học sinh.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

(Bài đã được đăng trong “Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam, Nhà trường, Gia đình và Xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay” Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia tổ chức ngày 09 tháng 8 năm 2019 tại Bạc Liêu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr.43-50).

Tài liệu tham khảo

[1] http://www.mext.go.jp/a_menu/shotou/seitoshidou/1337278.htm

[2] Thông tin về Kế hoạch giáo dục đạo đức sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể trong phần nội dung. Trong bản kế hoạch này có mục phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương khi thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh.

[3] Link bài viết của Yoshikazu https://ci.nii.ac.jp/naid/110006240668

[4] Từ năm Heisei 14 ( năm 2002) trong trường học Nhật sử dụng giáo tài là Cuốn vở trái tim (sau đó đổi tên là Đạo đức của chúng ta) trong giờ học đạo đức. Nội dung, cách sử dụng cuốn vở này sẽ được trình bày cụ thể trong phần giải pháp.

[5]-Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn bản hợp nhất thông tư 22 và thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, số 03/VBHN-BGDĐT, ban hành ngày 28/9/2016

[6]-Nguyễn Đức Minh (chủ biên) (2015), Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục học sinh tiểu học, Nxb. Giáo dục.

[7]-Hoàng Hải Quế, 2018, Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, Tạp chí giáo dục số đặc biệt kỳ 1, tháng 5/2018.

[8]-Barbara Steh, Jana Kalin, 2011, Building Partner Cooperation between Teachers and Parents, C.E.P.S Journal

[9]-Cihat Yaşaroğlu, 2016, Cooperation and Importance of School and Family on Values Education, Recent Ideas and Research in Social Sciences.

[10]-Committee on Home-school co-operation, Parent-Teacher Association Handbook

https://www.straitstimes.com/singapore/education/ministry-of-education-introduces-guidelines-on-how-parents-and-schools-can-work

[11]-Joyce Epstein, Mavis G. Sanders, Beth S. Simon, Karen Clark Salinas, Natalie Rodriguez Jansorn, Frances L.Van Voorhis (2002). School, Family, and Communiky I Partnerships Your Handbook for Action Second Edition. CORWIN PRESS, INC. ‘ Thousand Oaks, California A Sage Publications Company.

[12]-Joyce. Epstein (2008), Improving Family and Community Involvement in Secondary Schools, The education Digest- www.eddigest.com.

[13]-Thomas Likona, 1988, How parents and schools can work together to raise moral childre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *