HAI NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 ĐỐI VỚI CẤP TIỂU HỌC
TS. Thái Văn Tài, TS. Hoàng Mai Lê
1. BỐI CẢNH
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT); Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 (Chương trình giáo
dục phổ thông 2018).
1.1. Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021, năm học 2021-2022: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học đối với lớp 1, lớp 2; tiếp tục chỉ đạo các địa phương căn cứ vào Chương trình giáo dục phổ thông 2006 để giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng tiếp cận thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ năm học 2020-2021 được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường và thực hiện dạy học trực tuyến, qua truyền hình nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập và thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành Giáo dục. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Bộ GDĐT đã xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động tổng thể về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có kế hoạch về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, cơ sở vật chất phục vụ năm học 2020-20211. Mục đích đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đủ về số lượng, được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; đảm bảo thống nhất trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
1.2. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành các Quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3 sử dụng cho các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình cấp Tiểu học và Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 về việc hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014. Trên cơ sở đó, các nhà xuất bản (NXB) phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu SGK đến các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước; tạo tiền đề để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, minh bạch và đáp ứng thực chất được nhu cầu dạy và học.
1.3. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 có những khó khăn khách quan, cụ thể:
– Đối với học sinh: Do tình hình dịch Covid-19, trước khi vào lớp 1 trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên các em học sinh hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được. Mặt khác, từ năm học 2020-2021 học sinh tiểu học được tổ chức học chính thức sau ngày khai giảng 05/9 hằng năm, không có 02 tuần làm quen nền nếp, tâm lí cho học sinh lớp 1 như các năm học trước.
– Về đội ngũ giáo viên: Do tình hình dịch Covid-19, ngành Giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên vì vậy có những lúng túng bước đầu khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới
ở lớp 1, lớp 2.
– Chương trình và SGK giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học; SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng, đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy giáo viên, nhà trường một số nơi chưa mạnh dạn thực hiện đổi mới này mà vẫn thực hiện theo cách cũ vì vậy có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu các năm học 2020-2021, 2021-2022; cha mẹ học sinh học sinh thường có tâm lí nóng vội, chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình (vì hạn chế thời gian nên các nhà trường có hạn chế trong việc trao đổi với cha mẹ học sinh); so sánh chương trình, SGK cũ và chương trình và SGK mới, gây áp lực cho học sinh, GV và nhà trường…
LINK XEM ĐẦY ĐỦ BÀI VIẾT TẠI ĐÂY
Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Thực trạng chất lượng, hiệu quả triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới (2018) cấp tiểu học và trung học cơ sở trong hai năm học 2020-2021; 2021-2022 dưới góc nhìn Tâm lý học và Giáo dục học » do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 05 / 06 tháng 8 năm 2022 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2022, tr. 115-121.)