Hoạt động tâm lý học đường của Hoa Kỳ và hướng vận dụng đối với hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông ở Việt Nam

Trung tá, Thạc sĩ Ngô Hoài Phương
Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý – Giáo dục học
Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Duy Huấn,
Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Quang Hòa
Giảng viên, Khoa KHXH&NV, Trường Sĩ quan Thông tin.
Điện thoại: 0983.393945. Email: hoaiphuong.swtt@gmail.com

Tóm tắt

Mô hình hoạt động tư vấn tâm lý nói chung và tư vấn tâm lý học đường nói riêng rất được quan tâm ở các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Anh… Tuy nhiên thực tiễn hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở nước ta vẫn đang học hỏi các mô hình và tìm hướng đi phù hợp với văn hóa của người Việt. Vì vậy, bài báo này giới thiệu tổng quan hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở Hoa Kỳ; phân tích một số khía cạnh thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở nước ta. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý học đường đối với các trường phô thông ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Tư vấn tâm lý học đường; học sinh phổ thông; bạo lực học đường; tư vấn học đường; tâm lý học;

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vấn đề tư vấn tâm lý học đường ở nước ta những năm gần đây được cả xã hội quan tâm bởi các hiện tượng tâm lý học đường nảy sinh và diễn biến phức tạp trong thực tiễn các trường phổ thông hiện nay. Điển hình là các hiện tượng bạo lực học đường, các rối nhiễu về tâm lý của học sinh trong đời sống, học tập, giao tiếp… Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hiện tư vấn tâm lý học đường cho học sinh ở các trường trung học hiện nay còn lúng túng. Từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi các nhà Tâm lý học, Giáo dục học nước ta đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các hoạt động tư vấn tâm lý học đường, từng bước phát triển hệ thống tư vấn tâm lý học đường một các bài bản, chuyên nghiệp ở các trường phổ thông hiện nay.

NỘI DUNG
1. Thực tiễn hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là một trong những nước phát triển rất mạnh và chuyên nghiệp về hoạt động tư vấn tâm lý nói chung (Psychological counseling) và tư vấn tâm lý học trường học nói riêng (School Psychological counseling). Tư vấn học đường là một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ [6]. Hiệp hội quốc gia về Tâm lý học trường học Hoa Kỳ (NASP) được thành lập năm 1969 và có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực này. NASP đã phát triển một mô hình cho công tác tâm lý học trường học được gọi là Mô hình NASP cho Dịch vụ tâm lý học đường toàn diện. Đây là một trong số các mô hình chuẩn mực, chi tiết về tâm lý học trường học được phát rất mạnh triển tính đến thời điểm hiện nay. Mô hình thực hành NASP không bắt buộc các cơ sở giáo dục thực hiện theo, nhưng tạo ra một hệ thống chuẩn mực tham khảo để thúc đẩy tính hiệu quả về nhiều mặt của hoạt động tâm lý học trường học mà các cơ sở giáo dục dự định triển khai [8].

Các nhà tâm lý học học đường là những thành viên duy nhất có trình độ chuyên môn trong việc hỗ trợ khả năng học tập của học sinh và khả năng giảng dạy của giáo viên ở các nhóm trường học. Họ áp dụng kiến thức chuyên môn về sức khỏe tâm thần, học tập và hành vi, để giúp trẻ em và thanh thiếu niên thành công trong học tập, xã hội, hành vi và tình cảm. Các nhà tâm lý học học đường hợp tác với gia đình, giáo viên, quản lý trường học và các chuyên gia khác để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hỗ trợ nhằm tăng cường kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng [9].

Để trở thành chuyên gia tâm lý học đường cần: tối thiểu 3 năm học tập trung cho học vị với ít nhất 60 tín chỉ các môn tương đương sau đại học và 54 giờ thực hành có giám sát. Hay để tốt nghiệp Tiến sĩ tâm lý học học đường thì cần: tối thiểu 4 năm học tập trung, 90 tín chỉ sau đại học, 74 giờ thực hành có giám sát, và 1 công trình nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, được cấp chứng chỉ hành nghề Chuyên gia thì cần thêm 1.200 giờ thực hành, chứng chỉ hành nghề, Tiến sĩ thì cần 1.500 giờ thực hành trong đó là 600 giờ làm việc tại cơ sở giáo dục [8], [9].

Trong chương trình đào tạo, các nhà tư vấn tâm lý học đường được trang bị kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực: thu thập và phân tích dữ liệu; thẩm định, lượng định, đánh giá; giám sát tiến độ; thực hành toàn trường để thúc đẩy học tập; khả năng phục hồi và các yếu tố rủi ro; tham vấn và cộng tác; can thiệp học tập; các can thiệp về sức khỏe tâm thần; can thiệp hành vi; hỗ trợ hướng dẫn; các dịch vụ phòng ngừa và can thiệp; dịch vụ giáo dục đặc biệt; chuẩn bị, ứng phó và khắc phục khủng hoảng; sự hợp tác giữa gia đình – nhà trường – cộng đồng; đa dạng trong phát triển và học tập; đạo đức nghề nghiệp, luật học đường.

Các nhà tâm lý học trường học phải được chứng nhận bởi tiểu bang mà họ làm việc. Họ cũng có thể được chứng nhận trên toàn quốc bởi Hội đồng Chứng nhận Tâm lý học đường Quốc gia. NASP đặt ra các tiêu chuẩn về chuẩn bị tốt nghiệp, chứng chỉ, thực hành nghề nghiệp và đạo đức trong đào tạo tư vấn tâm lý học học đường. Phần lớn các nhà tâm lý học học đường làm việc trong các trường công lập. Ngoài ra, họ còn cung cấp các dịch vụ khác cho các trường tư thục; trường mầm non; cơ quan quản lý học tập; trường đại học; trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần và sức khỏe tại trường học [8].

Các nhà tâm lý học học đường cung cấp hỗ trợ và can thiệp trực tiếp cho học sinh, tham khảo ý kiến của giáo viên, gia đình và các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác làm việc tại trường (ví dụ, cố vấn học đường, nhân viên xã hội học đường) để cải thiện các chiến lược hỗ trợ, làm việc với ban giám hiệu trường học để cải thiện các hoạt động toàn trường và các chính sách và cộng tác với các nhà cung cấp trong cộng đồng để điều phối các dịch vụ cần thiết.

Các nhà tâm lý học học đường giúp các trường học trong việc cải thiện thành tích học tập của học sinh; thúc đẩy động lực và sự tham gia của sinh viên; tiến hành đánh giá tâm lý và học tập; cá nhân hóa hướng dẫn và can thiệp; quản lý hành vi của học sinh và lớp học; theo dõi sự tiến bộ của học sinh; thu thập và giải thích dữ liệu học sinh và lớp học; thúc đẩy hành vi tích cực và sức khỏe tâm thần; nâng cao kỹ năng giao tiếp và xã hội cho học sinh; đánh giá nhu cầu về cảm xúc và hành vi của học sinh; cung cấp tư vấn cá nhân và nhóm; thúc đẩy giải quyết vấn đề, quản lý cơn giận dữ và giải quyết xung đột; củng cố các kỹ năng đối phó tích cực và khả năng phục hồi; thúc đẩy các mối quan hệ đồng đẳng tích cực và giải quyết các vấn đề xã hội; giới thiệu và giúp điều phối các dịch vụ cộng đồng được cung cấp trong trường học.

Ngoài ra, họ còn hỗ trợ đa dạng khác cho người học như: đánh giá nhu cầu học tập đa dạng; cung cấp các dịch vụ đáp ứng văn hóa cho học sinh và gia đình từ các nền tảng khác nhau; hoạch định các Chương trình Giáo dục cá nhân hóa thích hợp cho học sinh khuyết tật; sửa đổi và điều chỉnh chương trình giảng dạy và hướng dẫn; điều chỉnh cơ sở vật chất và thói quen trong lớp học để cải thiện sự tham gia và học tập của học sinh; theo dõi và trao đổi hiệu quả với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh; tạo môi trường học an toàn, tích cực; ngăn chặn bắt nạt và các hình thức bạo lực khác; hỗ trợ học tập tình cảm – xã hội; đánh giá môi trường học và cải thiện sự kết nối của trường học; thực hiện và thúc đẩy kỷ luật tích cực và công lý phục hồi; thực hiện hỗ trợ hành vi tích cực trong toàn trường; xác định học sinh có nguy cơ và học sinh dễ bị tổn thương; cung cấp các dịch vụ can thiệp và ngăn chặn khủng hoảng; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Đồng thời, giúp các gia đình hiểu được nhu cầu học tập và sức khỏe tâm thần của con em họ; hỗ trợ điều hướng các quy trình giáo dục đặc biệt; kết nối gia đình với các nhà cung cấp dịch vụ cộng đồng khi cần thiết; giúp gia đình gắn kết hiệu quả với giáo viên và các nhân viên khác của trường; nâng cao hiểu biết và khả năng đáp ứng của nhân viên đối với các nền văn hóa và nguồn gốc đa dạng; giúp học sinh chuyển tiếp giữa môi trường học tập tại trường học và cộng đồng, chẳng hạn như các chương trình đối xử tại khu dân cư hoặc công lý cho người chưa thành niên; cải thiện đánh giá toàn trường và trách nhiệm theo dõi sự tiến bộ của cá nhân học sinh trong học tập và hành vi; tạo và diễn giải dữ liệu hữu ích về kết quả học tập và học sinh; thu thập và phân tích dữ liệu về rủi ro và các yếu tố bảo vệ liên quan đến kết quả của học sinh; lập kế hoạch cho các dịch vụ ở cấp học khu, tòa nhà, lớp học và cá nhân [9].

2. Thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông ở nước ta.
2.1. Thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông nước ta

Lịch sử phát triển hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở nước ta cho thấy lĩnh vực này còn khá mới mẻ. Cơ sở đầu tiên của hoạt động tư vấn là hoạt động hướng nghiệp cho học sinh được ra đời từ những năm 1990. Sau đó các trung tâm hướng nghiệp được thành lập trên toàn quốc cung cấp hướng dẫn cho học sinh trung học về các kỹ năng nghề cần thiết cho sự nghiệp tương lai của học sinh.

Bước ngoặt trong hoạt động tư vấn tâm lý học đường là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 9971/BGD&ĐT-HSSV ngày 28 tháng 10 năm 2005 của về việc triển khai công tác tư vấn cho học sinh, sinh viên. Công văn này là văn bản chính thức hướng dẫn về tư vấn trường học chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu này hướng dẫn trường học tư vấn cho học sinh trung học như cung cấp “một số phân tích nhất định, lời khuyên thực tế để giúp học sinh giải phóng căng thẳng tinh thần và cảm thấy ổn định hơn và tự tin hơn, và sau đó họ sẽ có thể giải quyếtvấn đề theo hướng tích cực” [3]. Văn bản này cũng hướng dẫn chung cho các trường có thể tuyển dụng, phân công giáo viên tâm lý hoặc các đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường để tư vấn học đường cho tất cả học sinh trung học phổ thông (lớp 10 đến lớp 12) và cho những học sinh các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học [3].

Trước nhu cầu phát triển của giáo dục và thực tiễn xã hội đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017 /TT-BGDĐT về việc thực hiện tư vấn Tâm lý học đường trong các trường phổ thông. Đây được coi là văn bản chính thức đầu tiên đưa ra một định nghĩa rõ ràng về tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học ở nước ta. Thông tư này cũng đề xuất một chương trình toàn diện về tư vấn tâm lý học đường cần tập trung vào các lĩnh vực: tuổi, giới tính, hôn nhân, các vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên; các hành vi, bạo lực và lạm dụng tình dục; các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, thầy cô, bạn bè và các cộng đồng xã hội khác; phương pháp học tập có hiệu quả và định hướng nghề nghiệp [4].

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn về hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động này ở các trường phổ thông rất thấp. Tình trạng học sinh phổ thông gặp các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng; các vấn đề về bạo lực học đường, rối loạn hành vi ứng xử trong giao tiếp với giáo viên, phụ huynh, bạn bè và xã hội xảy ra ngày càng phức tạp; hiện tượng căng thẳng dẫn đến tự tử trước áp lực học tập từ nhà trường và gia đình đang có xu hướng gia tăng…Tình trạng bỏ học hoặc là bế tắc trong việc hòa nhập môi trường sống cũng xảy ra không ít ở các nhà trường. Kết quả khảo sát của Dự án hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương với Đại học Melbourne (Australia) với tên gọi “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” năm 2015 cho thấy có 19,46% học sinh độ tuổi từ 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần; trong số 21.960 thanh thiếu niên được phát hiện, 3,7% số em có rối loạn hành vi, tỷ lệ này đối với nam và nữ, bậc học tiểu học và trung học cơ sở, ở nội thành và ngoại thành không có gì khác biệt [1]. Ghi nhận thực tế tại khoa tâm lý tâm thần trẻ em, trung bình khoảng 500 – 700 bệnh nhân trẻ em đến khám trong một tuần về tâm lý tâm thần. Tỷ lệ bệnh nhân là trẻ vị thành niên chiếm số lượng lớn [10].

2.2. Nhận định những nguyên nhân

Những thực trạng đó cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới góc độ của các nhà quản lý giáo dục và tâm lý học có thể thấy nổi lên những vấn đề sau.

Thứ nhất, hệ thống các trường phổ thông ở nước ta chưa có đội ngũ tư vấn tâm lý trường học chuyên trách, hoạt động độc lập mà chủ yếu giao cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm cùng với các tổ chức Đoàn Thanh niên, cán bộ lớp [1], [8]. Đội ngũ chuyên viên tư vấn học đường ở các trường phổ thông hiện nay rất thiếu và phần lớn chưa qua đào tạo. Đội ngũ tư vấn tâm lý học đường chủ yếu hiện nay là giáo viên chủ nhiệm lớp kiêm nhiệm, cùng với đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên của các trường đảm nhiệm. Nhiều trường học giao nhiệm vụ cho những giáo viên giáo viên dạy Văn, Giáo dục công dân hay những giáo viên có kinh nghiệm để làm công tác tham vấn học đường [2], [8].
Hệ thống đào tạo các ngành về Tâm lý học, Giáo dục học chưa có nhiều trường đào tạo chuyên ngành về tư vấn tâm lý học đường. Đơn cử như hiện nay cả nước có một số trường Đại học đào tạo chuyên ngành tâm lý học như: Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Hiến, Đại học Sài Gòn, Đại học Hutech, nhưng không có nơi nào đào tạo chuyên về tham vấn học đường một cách chính thống trừ ngành tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh [8]. Đây là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến hoạt động tư vấn tâm lý ở nước ta vẫn còn chậm triển khai để đáp ứng với yêu cầu phát triển của giáo dục và hỗ trợ phát triển cho học sinh các trường phổ thông. Nhất là bậc học trung học.

Thứ hai, các giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường chủ yếu được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm nên không được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản hoặc chỉ bồi dưỡng các kiến thức về tư vấn tâm lý học đường nhưng ít ỏi. Do đó không có kỹ năng trong việc tư vấn, giải quyết các vấn đề tâm lý học đường một các bài bản như một chuyên gia [7], [8]. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên làm công tác kiêm nhiệm về tư vấn tâm lý học đường gặp lúng túng khi tiếp cận các trường hợp cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn tâm lý của học sinh. Điều này cũng một phần dẫn đến học sinh không tin tưởng hoặc không dám, không tìm đến các giáo viên này khi cần tư vấn. Ngoài ra, vì không phải là chức năng, nhiệm vụ chính nên số giáo viên làm công tác kiêm nhiệm sẽ không dành nhiều thời gian vào việc nghiên cứu, vào thực tế hoạt động tư vấn cho học sinh.

Thứ ba, các hoạt động tư vấn học đường trong các trường phổ thông chủ yếu tập trung vào mục đích hỗ trợ học sinh lập kế hoạch nghề nghiệp và hướng tìm kiếm việc làm thay vì giúp đỡ họ về sức khỏe tâm thần và sự phát triển cá nhân hay cảm xúc trong đời sống, các quan hệ trong nhà trường, về phương pháp học tập. [2]. Các trường hợp cần được can thiệp, hỗ trợ về mặt tinh thần, cảm xúc, đời sống…của học sinh ít được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, tác động tiêu cực từ sự phát triển của trang mạng xã hội ảnh hưởng đến đã ảnh hưởng lớn trong quan hệ giao tiếp, trong học tập của học sinh. Đặc biệt hiện tượng bắt nạt trên mạng xã hội hay học theo các trào lưu (trend) dẫn đến suy nghĩ và hành vi nguy hiểm, tiêu cực …. Bên cạnh đó sự kỳ vọng của phụ huynh về thành tích học tập của con em mình, sự so sánh, khoe khoang của phụ huynh về thành tích học tập của con em mình làm cho học sinh thiếu tự tin, mặc cảm, áp lực. Ngoài ra, đời sống ở các gia đình không được hạnh phúc, cha mẹ thiếu quan tâm giáo dục, không có kiến thức trong việc dạy bảo con ở lứa tuổi thanh thiếu niên, kiểm soát thái quá hoặc không quan tâm trong các mối quan hệ của con đã khiến nhiều học sinh căng thẳng, rối loạn cảm xúc, hành vi, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập, giao tiếp, phát triển.

3. Những hướng vận dụng đối với các trường phổ thông ở Việt Nam

Từ những vấn đề nêu trên, để hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở các trường trung học nước ta hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, mang lại hiệu quả, cần quan tâm tới những vấn đề sau.

Một là, đẩy mạnh thành lập các tổ chức hoạt động về tư vấn tâm lý để cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý trong xã hội, trong trường học, trong các cơ quan doanh nghiệp và cá nhân. Phát huy sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam và chi hội ở các tỉnh, thành trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tư vấn tâm lý nói chung, tâm lý học đường nói riêng. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục về tư vấn tâm lý học đường. Trên cơ sở đó xây dựng các mô hình thực hành tư vấn tâm lý học đường phù hợp với đặc điểm của học sinh phổ thông ở nước ta hiện nay.

Hai là, mở chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn chuyên gia về tâm lý học đường. Coi ngành tư vấn tâm lý học đường như các ngành học khác trong hệ thống các trường sư phạm. Đồng thời, tổ chức biên chế các chuyên viên (nhóm chuyên viên) đảm nhiệm hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông đảm bảo lực lượng này hoạt động chuyên trách chứ không phải là giáo viên kiêm nhiệm. Khi đó, lực lượng này mới có kế hoạch thời gian hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Ở Hoa Kỳ, các chuyên viên cố vấn học đường ở trường trung học cơ sở dành 25% –35% thời gian của họ cho các hoạt động trong chương trình hướng dẫn, 15% –25% cho việc lập kế hoạch cá nhân, 30% –40% đối với các dịch vụ đáp ứng và 10% –15% đối với hỗ trợ hệ thống để đáp ứng các hoạt động học tập, cá nhân, xã hội và nhu cầu phát triển nghề nghiệp của sinh viên [6]. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động cũng như ban hành chính sách tiền công, tiền lương, thỏa đáng nhằm thúc đẩy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của hoạt động chuyên trách về lĩnh vực này. Theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ năm 2007 thì chuyên viên tư vấn tâm lý học trường học là một trong những nghề có thu nhập cao tại Mỹ. Uỷ ban Nghiên cứu của NASP công bố kết quả thống kê trong năm học 2004 – 2005, các nhà tâm lý học trường học thu nhập trung bình từ 56.262 đến 68.764 USD cho tương ứng 180 ngày và 220 ngày làm việc trong năm ở bậc phổ thông. Còn mức thu nhập nếu làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học thì cao hơn từ 10 – 15%. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và nhu cầu của tâm lý học trường học là rất lớn [8].

Ba là, nghiên cứu xây dựng, phát triển, hoàn thiện các chương trình, nội dung hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông hiện nay. Xây dựng nguyên tắc trong hoạt động tư vấn ở trường học đảm bảo tính độc lập, bí mật thông tin của học sinh trong các trường hợp can thiệp, hỗ trợ đời sống tâm lý của học sinh. Giải quyết hợp lý giữa báo cáo thường kỳ với hội đồng trường, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và nguyên tắc giữ bí mật thông tin cá nhân học sinh. Ở Australia, các cố vấn học đường không chỉ hỗ trợ học sinh về các vấn đề sức khỏe tâm thần mà còn cung cấp đánh giá tâm lý, can thiệp quản lý hành vi, tham vấn, nghề nghiệp và tư vấn cá nhân, kể cả phát triển nghề nghiệp cho giáo viên và đồng nghiệp. Những nhiệm vụ này không chỉ liên quan đến học sinh, mà còn bao gồm cả phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng và các chuyên gia bên ngoài [5].

Bốn là, tăng cường các hoạt động tư vấn trực tuyến, thông qua internet. Tư vấn tâm lý học đường thông qua các website của dịch vụ tư vấn, các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường là hoạt động cần thiết rất phù hợp với văn hóa người Việt bởi số lượng sử dụng các thiết bị thông minh cầm tay hiện nay rất phổ biến trong học sinh và phụ huynh cũng như tâm lý e ngại của học sinh khi gặp trực tiếp các chuyên gia tư vấn. Việc thông qua các website của chuyên gia (hoặc nhóm chuyên gia) sẽ thuận tiện rất nhiều cho học sinh trong việc trao đổi các vấn đề về bản thân về đời sống tâm lý, học tập… Đây cũng là kênh rất thuận lợi để tuyên truyền, giáo dục, quảng bá rộng rãi đến phụ huynh trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng giải quyết vấn đề tâm lý học đường cho con em mình. Việc tư vấn thông qua các website sẽ giúp cho phụ huynh và các cá nhân khác cũng được cung cấp kiến thức, kỹ năng trong giáo dục con em mình phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Năm là, tăng cường các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Giáo dục tốt các kỹ năng sống sẽ giúp cho học sinh có được kiến thức, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, hạn chế được các tiêu cực nảy sinh trong quá trình học tập, nhất là những kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong học đường, ở xã hội và gia đình; kỹ năng chống bắt nạt học đường; kỹ năng học tập có hiệu quả; kỹ năng vượt qua áp lực trong học tập; kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh… Ngoài ra, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các môn xã hội, nhất là môn Giáo dục công dân góp phần hình thành nhân cách tốt cho học sinh. Bên cạnh đó, thiết lập các kênh liên lạc chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường để phối hợp trong việc hướng dẫn, giáo dục học sinh đảm bảo khoa học.

KẾT LUẬN

Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông ở nước ta ngày càng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này nhằm chuẩn bị những con người có tri thức và nhân cách tốt để đào tạo bậc cao hơn hoặc bước vào đời sống xã hội. Việc từng bước nghiên cứu vận dụng các mô hình, các hoạt động về tư vấn tâm lý học đường của các nước phát triển vào Việt Nam phù hợp với đặc điểm văn hóa của người Việt là vấn đề rất cần thiết nhằm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trung học phát triển toàn diện đáp ứng xã hội hiện nay.

(Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 23 / 24 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2021, tr.83-91 )

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lê Thục Anh (2017), Tâm lý học đường và sự cần thiết trợ giúp tâm lý trong nhà trường phổ thông hiện nay, Tạp chí khoa học, Đại học Vinh, Tập 46, Số 3B, tr. 12-19.
[2]. Anh K. Pham và Paktric Akos (2020), Professional school counseling in Viet Nam pubplic schools, Journal of Asia Pacific Counseling, Vol 10. No 2. 2020, p. 37-49. Doi: 10.18401/2020.10.2.6
[3]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Công văn số 9971/BGD&ĐT-HSSV ngày 28 tháng 10 năm 2005 của về việc triển khai công tác tư vấn cho học sinh, sinh viên, Hà Nội.
[4]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 31/2017 /TT-BGDĐT về việc thực hiện tư vấn Tâm lý học đường trong các trường phổ thông, Hà Nội.
[5]. Campbell, Marilyn & Colmar, Susan (2014), Curent status and future trends of school counseling in Australia, Journal of Asia Pacific Counseling, 4(3), pp. 181 – 197. Doi: 10.18401/2014.4.2.9
[6]. Suhyun Suh, Eric Darch, Starrah Huffman, Karin Hansing (2014), School Counseling Practice in the United States and Its Implications for Asia – Pacific Countries, Journal of Asia Pacific Counseling. Vol.4, No.2, p.131-145. Doi: 10.18401/2014.4.2.5
[7]. Huỳnh Thị Bích Thuộc (2019), Một số vấn đề trong mô hình tham vấn học đường ở trường trung học phổ thông hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo “Tâm lý học đường – Thực trạng và giải pháp”, Đại học Khánh Hòa, Khánh Hòa.
[8]. Nguyễn Thị Tứ (2020), Nghiên cứu giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học Quốc gia, Mã số: KHGD/16-20.ĐT.025 Link: (http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/content/dauthaudautucong/Lists/DuAn/Attachments/86/%C4%90T.025.pdf)
[9]. Hiệp hội tâm lý học đường Hoa Kỳ (National Association of School Psychologists) (https://www.nasponline.org/about-school-psychology/who-are-school-psychologists)
[10]. https://thanhnien.vn/giao-duc/ty-le-hoc-sinh-co-van-de-tam-ly-ngay-cang-gia-tang-1369971.html