ThS. GV. Trần Thanh Nguyên
Khoa Sư phạm và Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Tiền Giang
Từ đặt vấn đề…
Dalton có viết: “Sau thực phẩm, giáo dục là nhu cầu số một của một dân tộc”. Câu nói nổi tiếng trên của nhà vật lý học người Anh thế kỷ XIX cho thấy giáo dục có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người. Đứng về việc phát triển con người, giáo dục là chuẩn bị, là tạo điều kiện giúp con người (nhất là người trẻ) bước vào lao động, bước vào cuộc sống, bước vào đời.
Mô hình nhân cách của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hướng vào 3 mặt kiến thức, năng lực và thái độ. Theo đó về mặt kiến thức cần chú trọng vào 3 lĩnh vực: tự nhiên – kỹ thuật, xã hội và nhân văn, kiến thức công cụ. Về mặt thái độ thể hiện thái độ của cá nhân trong 5 mối quan hệ: với xã hội; với công việc; với bản thân; với người khác; với vấn đề môi trưởng, môi sinh. Về mặt năng lực cần chú trọng vào 8 năng lực cơ bản: tự hoàn thiện; giao tiếp ứng xử; thích ứng; tổ chức quản lý; xã hội chính trị; hợp tác và cạnh tranh; lao động nghề chuyên biệt và nghiên cứu khoa học.
Có như vậy, chúng ta mới tạo điều kiện cho mỗi cá nhân tự khẳng định mình, hướng đến 7 tiêu chuẩn cần có để con người có thể sống hạnh phúc trong thế kỷ 21 là: học cách học; biết chữ; năng lực giao tiếp; giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo, hiệu năng cá nhân; hiệu năng nhóm; hiệu năng tổ chức và lãnh đạo cũng như hướng đến 4 trụ cột của giáo dục: “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để sống với người khác”[1] và hiện nay có điều chỉnh là “học để biết cách học và học để làm sáng tạo”[2]. Đồng thời qua đó cũng tạo điều kiện cho con người có thể học suốt đời trong “xã hội học tập”.
Nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện quốc sách “giáo dục” hàng đầu của Đảng và Nhà nước đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Điều đó được thể hiện ở mục đích giáo dục tổng quát trong hệ thống giáo dục quốc dân là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho con người của giáo dục nói chung, của giáo dục phổ thông nói riêng thời gian qua còn nhiều bất cập, khiếm khuyết thậm chí yếu kém. Do vậy, trước những biến động ảnh hưởng đến con người, để tăng tính hiệu quả cho công tác tư vấn tâm lý học đường, việc nhận diện những bất cập của giáo dục phổ thông thời gian qua là vấn đề cần được đặt ra. Từ đó có những giải pháp thích hợp cho công tác tư vấn tâm lý học đường đáp ứng nhu cầu của người học hướng đến “xã hội học tập”.
Có thể dẫn ra 3 vấn đề cần sớm khắc phục và Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, các Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục các tỉnh, thành, các nhà khoa học với chức năng và nhiệm vụ của mình có thể tham gia vào việc khắc phục các vấn đề trên thuận lợi nhất. Ba vấn đề bất cập đó là:
– Giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe sinh sản vị thành niên;
– Giáo dục hướng nghiệp;
– Giáo dục kỹ năng sống
Đến nhận diện các vấn đề bất cập của giáo dục phổ thông thời gian qua…
Vấn đề thứ nhất là việc giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe sinh sản vị thành niên làm chậm và chưa đến nơi đến chốn
Thực chất của vấn đề trên là quá trình giáo dục con người (nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên), nhằm làm cho họ có nhận thức đầy đủ, có thái độ đúng đắn về vấn đề giới, giới tính, quan hệ giới tính; có những hiểu biết nhất định về các khía cạnh sinh tâm lý, đạo lý; biết cảm xúc lành mạnh, biết dự phòng và biết ứng xử với nhau cho tốt trong đời sống tình cảm và tình dục, bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Bên cạnh đó còn giúp họ có nếp sống văn hóa giới tính, hướng hoạt động của họ vào việc rèn luyện để phát triển nhân cách toàn diện. Đồng thời cũng giúp họ biết cách tổ chức tốt nhất cuộc sống riêng cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển. Những vấn đề này đã được đề cập trong lịch sử giáo dục Việt Nam, đã có thực hiện nhưng chưa đầy đủ do nhiều nguyên khách quan và chủ quan.
Trong nhiều năm ngành giáo dục đào tạo đã phối hợp với chương trình Giới và giáo dục giới tính của UNICEF để xây dựng một số nội dung về giới, giáo dục kỹ năng sống, lồng ghép với một số môn học…. song kết quả thu được chưa tổng kết để nhân rộng đến toàn bộ hệ thống trường lớp thuộc bậc học phổ thông. Nhìn chung, vấn đề giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe sinh sản vị thành niên chúng ta làm chậm và chưa đến nơi đến chốn. Vấn đề này chậm đưa vào giáo dục các em: mới đề cập nhiều thời gian gần đây và chậm đưa vào cho học sinh các lứa tuổi ở phổ thông: chỉ bắt đầu ở các lớp cuối cấp trung học cơ sở trở lên.
Hiện nay, so với thế hệ trước các mối quan hệ của học sinh đã vuợt ra khỏi phạm vi gia đình và xã hội. Các em rất nhạy cảm, dễ bắt chước những hình ảnh không lành mạnh qua nhiều phương tiện thông tin nhất là với Internet qua đó muốn thử nghiệm các hành vi người lớn dù còn ở lứa tuổi vị thành niên trong khi gia đình và nhà trường còn thiếu các biện pháp giáo dục thích hợp. Giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe sản vị thành niên là không thể thiếu trong hành trang vào đời của các em, đặc biệt là các em em gái, vì trong trong so sánh giới, các em gái bao giờ cũng gặp nhiều rủi ro hơn, nguy cơ nhiều hơn …. Mà nếu không biết kiềm chế, tự chủ có “kỹ năng nói không”… trong quan hệ với bạn khác giới, nguy cơ mang thai sớm, vướng các bệnh lây truyền qua đường tình dục là điều không tránh khỏi… nhiều khi từ hậu quả sẽ chuyển thành tai họa.
Vấn đề thứ hai là việc giáo dục hướng nghiệp thực hiện còn yếu, hiệu quả chưa cao.
Ở bậc học phổ thông, giáo dục hướng nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng. Mục đích hướng nghiệp là định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông. Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh là bộ phận hữu cơ của quá trình giáo dục lao động trong trường phổ thông và là giai đoạn tất yếu để bước sang việc đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp ở trường phổ thông hoặc ở trường dạy nghề.
Thực chất của công tác hướng nghiệp là giúp học sinh “chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội, đồng thời pphù hợp với năng khiếu cá nhân” thông qua 3 giai đoạn: thông tin nghề nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, thích ứng nghề nghiệp.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này việc giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn rất mờ nhạt và mang nặng tính hình thức, còn mang tính thủ tục, chiếu lệ. Mặc dù ở các địa phương nào ở cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh, thành đều có các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề nhưng việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh còn hạn chế, chưa xứng tầm nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo lời nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung, công tác hướng nhgiệp trong nhà trường các cấp ở Việt Nam hiện nay còn thiếu và yếu về công nghệ, về phương pháp tổ chức, chính sách, thông tin… Thêm vào đó là tình trạng trang thiết bị thực hành lạc hậu, đội ngũ giáo viên kỹ thuật thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nên không đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là học sinh khi ra trường lựa chọn ngành nghề chỉ theo cảm tính, thấy trường nào, ngành nào có nhiều chỉ tiêu, mang tính thời thượng thì học các ngành nghề đó chứ hoàn toàn không căn cứ vào nhu cầu phân công lao động xã hội cũng như sở trường, năng lực của bản thân. Do vậy việc học sinh phổ thông “chọn sai nghề” là điều không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề cũng chưa bắt kịp yêu cầu đặt ra của xã hội với những đổi mới công nghệ nhanh chóng. Thực tế cho thấy học sinh ít hoặc không được vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp học trong nhà trường. Họ phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi việc đào tạo nghề chưa đáp ứng được.
Vấn đề thứ ba là việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chung sống còn kém, hầu như các em khó độc lập và khó thích nghi với cuộc sống.
Ngày nay, giáo dục kỹ năng sống đã trở thành một cụm từ quen thuộc. Nhưng thực chất kỹ năng sống là gì? dạy cho ai? ai dạy và dạy lúc nào hình như mọi thứ còn mơ hồ? Việc giúp cho học sinh phổ thông nói riêng cũng như bạn trẻ nói chung còn xa vời. Ở Việt Nam việc giáo dục kỹ năng sống thoạt đầu chỉ ở dạng thể nghiệm ngoại khóa gần đây đã được đưa vào giảng dạy chính khóa, lồng ghép với các môn giáo dục đạo đức, công dân, sức khỏe như ở một số nước đi trước đã làm nhưng chưa nhiều. Hiểu và tiếp cận kỹ năng sống một cách nhất quán là rất cần thiết nhất là trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đề cập đến 4 trụ cột của giáo dục trong đó có vấn đề học cách chung sống, học để sống với người khác. Các bài báo tuổi trẻ số ra trong thời gian có mở diễn đàn để cùng bàn luận nhiều vấn đề trong đó có vấn đề giáo dục kỹ năng sống thể hiện qua các tiêu đề về bạo lực học đường, về vấn đề “sống thử trước hôn nhân”, vấn đề mạng xã hội… cho thấy vấn đề này còn bỏ ngỏ, thực hiện còn kém. Một số học sinh không giải quyết những va chạm, bất đồng hay xung đột bằng hình thức đối thoại mà muốn đối đầu thậm chí có thể gây án mạng như các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua có đề cập.
Giáo dục kỹ năng sống thực chất “được thiết kế nhằm hỗ trợ và củng cố việc thực thi các kỹ năng tâm lý xã hội một cách phù hợp với nền văn minh và sự phát triển. Nó đóng góp vào sự phát triển của cá nhân và xã hội, việc phòng chống các vấn đề xã hội và sức khỏe và sự phát triển của quyền con người”
Giáo dục dựa trên kỹ năng sống theo UNICEF là sự thay đổi hành vi hay một sự phát triển hành vi nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức, thái độ, hành vi. Nói cách khác là khả năng chuyển đổi kiến thức (phải làm gì) và thái độ (ta đang nghĩ gì. cảm xúc như thế nào, hay tin tưởng vào giá trị nào) thành hành động (làm gì, làm như thế nào).
Danh sách kỹ năng sống có thể rất dài nhưng qua quá trình ứng dụng, Tổ chức Y tế thế giới WHO xác định một danh sách cơ bản các kỹ năng sống có thể được chấp nhận ở những nền văn hóa khác nhau đó là: Lấy quyết định – Giải quyết vấn đề – Suy nghĩ sáng tạo – Suy nghĩ có phán đoán – Truyền thông có hiệu quả – Giao tiếp giữa người với người – Ý thức về bản thân – Khả năng thấu cảm – Ứng phó với cảm xúc – Ứng phó với Stress.
Và đề xuất những giải pháp thích hợp tăng cường tính hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý học đường đáp ứng nhu cầu của người học…
Để khắc phục các vấn đề trên, cần có nhiều giải pháp đặt ra ứng với từng vấn đề. Từ những giải pháp trên đối với từng vấn đề mà những nhà tư vấn sẽ có những định hướng và giới thiệu những phương án hợp lý khi tư vấn cho người học, người được giáo dục.
Với vấn đề giáo dục giới tính
– Thiết kế chương trình khung về giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh phù hợp ở các cấp học bắt đầu từ đầu cấp trung học cơ sở trở lên; cần xem vấn đề trên là một bộ phận quan trọng trong nội dung giáo dục nhân cách và giáo dục toàn diện cho học sinh;
– Tăng cường mạnh hơn nữa vai trò của xã hội trong việc truyền thông về tâm lý giới tính, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản; việc tổ chức nhận thức cho học sinh về vấn đề trên cần tiến hành dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kích thích được tâm thế nhận thức của học sinh; ……
Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh, thành với nhiều nhiệm vụ trong đó với việc tuyên truyền, phổ biến và đẩy mạnh ứng dụng tri thức tâm lý học, giáo dục học trong mọi hoạt động thực tiễn và đời sống xã hội có thể tham gia cùng với các tổ chức, đơn vị khác khắc phục vấn đề trên qua việc kết hợp với nhà trường, địa phương trong tư vấn, truyền thông và nếu có thể đặt các điểm tư vấn ở các trường học nhất là trường trung học phổ thông để giúp các em thông qua các môn học, cùng với việc tư vấn, truyền thông có nhận thức mới về giáo dục giới, giới tính, vừa hiểu biết sâu hơn, kỹ hơn kiến thức khoa học về cơ thể người, về quan hệ tình bạn, tình yêu, tình dục và hôn nhân gia đình cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Từ đó mà có cách ứng xử phù hợp, có sức đề kháng về tâm lý, đủ sức chống đỡ với những cám dỗ hay thúc ép, và nhất là có kỹ năng phòng vệ sức khỏe sinh sản, phòng vệ trước khả năng bị xâm hại tình dục.
Với vấn đề giáo dục hướng nghiệp
– Hình thành một quy trình giáo dục hướng nghiệp có hiệu quả; có bộ phận chuyên trách làm công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề bên cạnh đội ngũ giáo viên cũng phải có khả năng tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, gắn khâu chọn nghề của học sinh phổ thông với khâu thích ứng nghề ở các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp.
– Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên các môn học để lồng ghép ngay trong quá trình dạy học cũng như đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên trách tư vấn hướng nghiệp một cách bài bản.
– Có chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra môi trường tốt để thu hút lao động, tạo dựng một nếp nghĩ trong xã hội rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời, vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề nếu muốn cũng có thể học lên cao đẳng và đại học khi có nhu cầu và khả năng……
Với vấn đề giáo dục kỹ năng sống
– Cần áp dụng việc giáo dục kỹ năng sống vào mọi khía cạnh của cuộc sống liên quan đến các biến cố xã hội, giao tiếp, ảnh hưởng của xã hội trên hành vi con người, quyền và trách nhiệm của cá nhân.
– Sử dụng giáo dục kỹ năng sống trong các lĩnh vực giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV, ma tuý, bảo vệ môi trường, giáo dục phát triển, giáo dục hòa bình, chống bạo lực, an toàn giao thông trong đó tất cả thanh thiếu niên cần được giáo dục kỹ năng sống. Điều đáng lưu ý là việc giáo dục kỹ năng sống không phải nói cho trẻ biết thế nào là đúng, thế nào là sai, không thể dùng các phương pháp như giảng bài, đọc chép mà cần giúp trẻ nâng cao năng lực để tự lựa chọn những giải pháp khác nhau. Quyết định phải xuất phát từ trẻ. Do vậy cần sử dụng việc sinh hoạt tập thể, động não, sắm vai, tranh luận, xử lý tình huống, trò chơi … giúp trẻ gần gũi với cuộc sống hay ngay trong cuộc sống.
– Tuyên truyền, phổ biến và đẩy mạnh việc ứng dụng tri thưc tâm lý học và giáo dục học trong hoạt động thực tiễn và cuộc sống, trong đó các Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh, thành, các nhà tư vấn có thể cùng với nhà trường và các tổ chức, đoàn thể xã hội khác đảm trách việc tư vấn, truyền thông giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ biết hợp tác trong tập thể, có lối sống lành mạnh, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, biết tự khẳng định và sống bình đẳng cũng như bộc lộ sự bao dung, sự tôn trọng người khác và ý thức về giá trị bản thân.
Tóm lại, do tính chất cấp bách và bức xúc mà việc xác định các điểm yếu, kém và chậm của 3 vấn đề trên cần sớm khắc phục với những giải pháp hợp lý trong việc giáo dục nhân cách toàn diện thông qua việc giáo dục giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và sinh sản vị thành niên, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông và thấy được mối quan hệ của 3 vấn đề giáo dục trên. Tất cả các vấn đề trên đòi hỏi các nhà giáo dục có tâm huyết trong công tác tư vấn tâm lý học đường cần tiếp cận và có hướng thực hiện hiệu quả../.
Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 23 / 24 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, NXB ĐHQG Hà Nội, 2021, tr.115-121
Tài liệu tham khảo |
[1] Jacques Delors (2003), Học tập một kho báu bí ẩn, Nxb Giáo dục, tr.71 – tr.76
[2] Nguyễn Cảnh Toàn, Báo văn nghệ số 2, ngày 14/01/2006