Ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Hội trường tầng 2, Nhà Khách Bộ Quốc Phòng, số 266 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học toàn quốc với chủ đề “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Thực trạng và đề xuất giải pháp”.

Tham dự hội thảo về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; TS Hoàng Mai Lê – Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học; TS Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên; Ông Nguyễn Quang Kính – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Đặng Quốc Bảo – Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục; PGS.TS Trần Huy Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Dương Việt Thái – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện KHGD Việt nam.

Về phía Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam có PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội; GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; PGS.TS Vũ Trọng Rỹ – Phó Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Ly – Phó Chủ tịch Hội; Ông Lê Tuấn Tứ – Phó Chủ tịch Hội KHTL – GD Việt Nam, Chủ tịch Hội KHTL – GD tỉnh Khánh Hòa; Ông Trần Quang Kiểm, Phó Chủ tịch Hội KHTL-GDVN, Chủ tịch Hội KHTL-GD Hải Phòng; TS Phạm Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội KHTL-GD Việt Nam, Chủ tịch Hội KHTL-GD tỉnh Đồng Nai; Ông Nguyễn Ngọc Nguyện – Phó Chủ tịch Hội KHTL-GD Việt Nam, Chủ tịch Hội KHTL-GD tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Phó Chủ tịch Hội KHTL-GD Việt Nam; TS Hồ Quang Hòa – Tổng Biên tập Tạp chí Tâm lý – Giáo dục thuộc Hội KHTL-GD Việt Nam. Đặc biệt, dự hội thảo còn có các đoàn đại biểu đến từ các Hội địa phương, Hội ngành, các Viện, Trung tâm trực thuộc Hội; các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các nhà trường, các cơ quan, đơn vị khác nhau trong toàn quốc.

Hội thảo lần này đã có 76 báo cáo tham luận được gửi tham dự. Các bài viết đã được một Hội đồng khoa học thẩm định, xem xét và tuyển chọn kĩ lưỡng. Hội đồng đã chọn được 36 bài tham luận in trong Kỷ yếu khoa học, do Nhà Xuất bản Thế giới biên tập và ban hành tháng 11/2024. Tại Hội thảo có 12 báo cáo tham luận trực tiếp, trình bày các vấn đề về lí luận; các khảo sát về thực trạng đời sống của các Nhà giáo, các chính sách, kiến nghị về chăm lo, đãi ngộ, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo – thực trạng và những khó khăn trong công tác giáo dục tại các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt tại Hội thảo đã có các giáo viên đến từ các vùng khó khăn, sát biên giới như Tây Ninh, Bạc Liêu… tham dự và phát biểu, nêu lên những khó khăn, bất cập trong các chính sách đối với nhà giáo ở những vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm và kiến nghị những chính sách cần được Nhà nước ưu tiên phù hợp.

 Các phát biểu của các đại biểu đều nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng, sứ mệnh vẻ vang mà người Thầy đã gánh vác trách nhiệm trước đất nước, trước dân tộc. Các báo cáo của nhiều đại biểu từ các tỉnh, thành đã nêu rõ, hoạt động của người Thầy là một dạng hoạt động lao động đặc thù và đương nhiên, một cách hợp lý nhất, xã hội cần ghi nhận và có cách nhìn công bằng, đối xử hợp lý với công lao mà người Thầy đã bỏ ra. Bởi nếu không làm thế, Thầy dù có say sưa với nghề đến đâu đi nữa, Thầy cũng sẽ không còn đủ sức lực, tâm huyết, để chăm lo đến nơi đến chốn tạo nên những Trò giỏi cho đất nước. Nhiều báo cáo của chính các Thầy/Cô đang trực tiếp hành nghề đã nêu lên một thực trạng là “Lương và các khoản phụ cấp đứng lớp có được, trên thực tế các Thầy/Cô đã không đủ sống được ở mức tối thiểu”. Thầy/Cô muốn tồn tại, các Thầy/Cô đã phải tự xoay sở bằng nhiều việc làm khác nhau, cả các việc lao động bằng chân tay. Và đương nhiên, uy tín, vị thế cao đẹp của người Thầy đã bị suy giảm. Nhiều báo cáo cũng đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp đệ trình Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các cơ quan Bộ, Ngành… cần xem xét, cân nhắc giải quyết hợp lý các vấn đề nổi cộm hiện nay về lương, về chăm lo đãi ngộ nhà giáo để thực sự động viên sáng tạo, cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho đất nước trước đòi hỏi cấp bách hiện nay của cuộc cách mạng 4.0, của sự phát triển như vũ bão về trí tuệ nhân tạo (AI).

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Kiều- Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí – giáo dục Việt Nam đã ghi nhận và đánh giá rất cao các tham luận được trình bày, báo cáo tại Hội thảo và các báo cáo tham luận đã gửi về tham gia Hội thảo. Qua Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của việc chăm lo cải thiện mức sống, nâng cao trình độ chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục hiện nay, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đào tạo nước nhà theo tình thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra. Hội thảo cũng đã chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế cùng nguyên nhân để có những kiến nghị cần thiết đối với Đảng, Nhà nước khi thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan tới việc thực hiện yêu cầu chăm lo cải thiện đời sống của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của đất nước hiện nay.

Tin và ảnh:  Nguyễn Anh Tuấn và các Phóng viên Hội KHTL-GDVN

Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc ngày 22 tháng 11 năm 2024: