Một số cách tự chăm sóc sức khoẻ tâm thần dành cho bạn

Sức khỏe tâm thần (mental health) là một phần không thể thiếu của sức khoẻ con người,  Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa “Sức khoẻ tâm thần (hay còn gọi là sức khoẻ tinh thần hoặc sức khoẻ tâm lý) là trạng thái lành mạnh mà trong đó, cá nhân nhận ra năng lực của chính mình, có thể đương đầu với các stress thông thường của cuộc sống; có thể làm việc năng suất và hiệu quả,  có thể tạo ra những đóng góp cho chính cộng đồng của mình” (WHO, 2001). Theo từ điển Tâm lý học “Sức khoẻ tâm thần là một trạng thái thoải mái, dễ chịu về tinh thần, không có các biểu hiện rối loạn về tâm thần, một trạng thái đảm bảo cho sự điều khiển hành vi, hoạt động phù hợp môi trường” (Vũ Dũng, 2008).

Chúng ta đều biết rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho  bản thân chúng ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta lại thường để bản thân bị cuốn theo guồng quay cuộc sống mà vô tình bỏ bê sức khỏe tâm thần của chính mình. Chăm sóc bản thân là khác nhau đối với mỗi người và quan trọng là phải tìm ra những gì bạn cần và thích. Ngay cả những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể có tác động lớn đến sức khỏe  tâm thần của chúng ta.

Sau đây, hãy cùng Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng điểm qua một vài tips “nhỏ mà khá hiệu quả” để luôn giữ được sức khoẻ tâm thần, giữ được nguồn năng lượng cho bản thân trong cuộc sống bạn nhé! 

  1. Hình thành những sợi dây liên kết, tạo dựng nguồn chia sẻ

Sự gắn kết và tình yêu thương luôn chứa đựng trong nó nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Hãy tạo cho mình những “sợi dây” liên kết với người khác, những mối quan hệ có thể không nhiều nhưng thật chất lượng để khi có chuyện gì xảy ra, bạn có thể chia sẻ những “tâm sự” của mình. Gia đình, bạn bè, người thân yêu, đồng nghiệp… mạnh dạn tìm đến họ để nói ra và ngược lại, học cách lắng nghe họ chân thành, tích cực. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng của mình khá hơn và cuộc sống này ý nghĩa hơn rất nhiều!

  1. Tự tạo những “vòng tay ôm” cho chính mình

Đối diện với hàng tá những áp lực của công việc và cuộc sống, người ta sẽ rất dễ rơi vào những khủng hoảng về tâm lý khi không được giải tỏa. Chính vì thế, thường xuyên tạo ra những “vòng tay ôm” cho chính bản thân mình. “Vòng tay ôm” về mặt nhận thức, thái độ như việc bạn nhận ra bản thân mình có những điểm yếu nhưng cũng vô vàn điểm mạnh/ưu điểm; bạn chấp nhận sự khác biệt của mình và mọi người, bạn hài lòng với những gì mình đang có… Hay những “vòng tay ôm” về hành động: làm những việc bạn yêu thích và thấy thú vị: nấu ăn, đọc sách, nghe nhạc, dạo chơi với thú cưng… Duy trì những “vòng tay ôm” hạnh phúc cho mình, chúng ta sẽ có một sức khỏe tâm lý bền vững!

  1. Bản thân bạn cũng cần được “chill” (thư giãn/nghỉ ngơi)

Mặc dù lịch trình hàng ngày giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và có cảm giác an toàn nhưng một chút thay đổi cũng có thể làm mới, tạo hứng khởi cho bản thân. Hãy thử tạm gác lịch trình hàng ngày qua một bên và thay vào đó là một chuyến đi xa để ngắm nhìn thế giới, hay đơn giản hơn tận hưởng sự thoải mái bằng việc thay một vật dụng mới trong nhà, ở nơi học tập, làm việc hoặc mua sắm một vài bộ đồ mới… Hãy can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để khám phá được chính mình ở nhiều phiên bản khác nhau!

  1. Hòa đồng nhưng không hòa tan, hãy xây dựng cho mình những lá chắn kiên cố

Dành ra vài phút để tập trung nhìn và cảm nhận thế giới xung quanh của bạn. Tôi đang nhìn thấy gì? Tôi đang nghe thấy gì? Tôi đang cảm nhận được những gì từ môi trường tôi sống, từ những người mà tôi quen?… Cải thiện tâm trạng của mình bằng sự cởi mở, hòa đồng, thân thiện với mọi người nhưng chính bạn cũng cần xây dựng cho bản thân những lá chắn kiên cố trước các “độc hại” như: không gian sống nguy hiểm, tệ nạn, những lời nói và hành động khiếm nhã, thiếu tôn trọng từ người xung quanh. Hãy cố gắng bao quanh mình bởi những điều tích cực!

  1. Xây dựng một “Mẫu hình tích cực- Một phiên bản tốt hơn của chính mình”

Hãy sống có mục tiêu, hãy vẽ ra cho mình một hình mẫu, một phiên bản của chính bạn ở tương lai. Chúng ta cần hiểu bản thân mình muốn làm gì, muốn có được những gì và muốn trở thành người như thế nào? Từng bước một, bằng những hành động cụ thể để hoàn thành bức vẽ đó, bạn sẽ không còn loay hoay, stress, cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn, có ý nghĩa hơn, phần nào giúp bản thân tự tin và lạc quan hơn rất nhiều.

  1. Chăm sóc sức khỏe thể chất của bản thân

Không cần phải bàn quá nhiều về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất đối với mỗi cá nhân, nếu không có sức khỏe thể chất tốt, chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì. Có 3 điều quan trọng cần đặt lên hàng đầu mà chúng ta phải lưu ý như sau:

(1) Hãy ngủ đủ giấc: Tuân theo một lịch trình và đảm bảo bạn ngủ đủ giấc. Đồng thời, hãy cải thiện thói quen để có chất lượng giấc ngủ tốt như hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, nằm tư thế thoải mái… như vậy não bộ có thể nghỉ ngơi và tái tạo lại năng lượng.

(2) Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước: Tùy vào cơ địa, mỗi người sẽ có chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện năng lượng và sự tập trung suốt cả ngày. Hạn chế các loại đồ uống có chứa caffein và nhiều chất béo như nước ngọt, cà phê, bia, rượu… Và quan trọng hãy nạp đủ nước cho cơ thể nhé!

(3) Tập thể dục thường xuyên: Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, vừa giúp tăng cường thể lực, vừa giảm stress, tốt cho tâm trạng của bản thân. Luyện tập bất cứ hoạt động nào bạn yêu thích: bơi lội, đạp xe, yoga, chạy bộ hay thậm chí là làm vườn, dọn nhà…

  1. Bạn không bao giờ đơn độc

Nếu một ngày, bạn cảm thấy bản thân không còn sức lực để đối phó với “chằng chịt những vấn đề to nhỏ”, trước khi mọi thứ trở nên trầm trọng hơn, hãy tìm đến những sự trợ giúp của các nhà chuyên nghiệp (có chuyên môn, đảm bảo đạo đức nghề) như:  nhà tâm lý, bác sĩ, nhà công tác xã hội,… Những người sẽ luôn ở đó và sẵn sàng đồng hành cùng bạn!

Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng (CAPE)

Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam

* Có thể xem thêm các thông tin chuyên môn khác mà Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng chia sẻ tại hai trang Facebook này:

facebook.com/HoiTamLyGiaoDuc (Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam)

facebook.com/capevn2023 (Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng)

 Tài liệu tham khảo:

Sách:

  1. Lê Thị Minh Tâm. (2023). Hiểu đủ để bớt lo. NXB Lao động.
  2. Từ điển Tâm lý học. 2008 (Chủ biên: Vũ Dũng). NXB Từ điển bách khoa. Tr.719

Trang website:

  1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-health-strengthening-our-response
  2. https://www.nimh.nih.gov/health/topics/caring-for-your-mental-health
  3. https://uhs.umich.edu/tenthings