Sứ mệnh người Thầy và trách nhiệm đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục

Sứ mệnh người Thầy và trách nhiệm đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục

NGƯT – ThS. Nguyễn Huy Thông

I. NHẬN THỨC VỀ SỨ MỆNH CỦA HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRONG XÃ HỘI

Trong xã hội loài người, ở các quốc gia trên thế giới hầu như đều có chung một nhận thức về tầm quan trọng và sứ mệnh cao cả của giáo dục giống nhau. Họ luôn đề cao và tôn vinh nghề dạy học. Xã hội luôn biết ơn và quý trọng những người thầy giáo, cô giáo đã truyền thụ kiến thức, tri thức mới, kỹ năng và cao hơn nữa là những phẩm chất tốt đẹp nhân cách đạo lý làm người. Ở Việt Nam trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành một truyền thống của dân tộc, nét đẹp văn hóa mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Và xã hội khẳng định: “Không thầy đố mày làm nên”.

Hay thường răn dạy: “Qua sông thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta rất quan tâm đến sự mệnh của giáo dục. Trong bức thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 03/1955 Bác Hồ viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động  tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nhà nước”.

Bác Hồ nhắc nhở thầy cô giáo: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa cách mạng, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Từ khi lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến nay. Đảng ta, Nhà nước ta đều có nhiều chủ trương, nhiều chính sách, nghị quyết quan trọng, để chỉ đạo cho nền giáo dục cách mạng không ngừng lớn mạnh và phát triển. Đất nước ta đã tiến hành ba cuộc cải cách giáo dục (năm 1950 – 1956 và năm 1979).
Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (26/1/2021) đã chỉ ra: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Sắp xếp đổi mới căn bản các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.

Đây là một mệnh đề rất quan trọng, toàn diện, nhằm tạo đà mới, xung lực mới để tạo được đột phá mang tính cách mạng cho giáo dục cất cánh. Thấm nhuần lời dạy của tiền nhân: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (Tiến sĩ Thân Nhân Trung thời Lý đề bia Văn Miếu Quốc Tử Giám). Phải chăm lo đến ngành giáo dục một cách mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ mới xuất hiện nhiều hiền tài, thì nguyên khí quốc gia thịnh, thế nước sẽ mạnh.

Tổ chức Unesco (Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc) năm 1974 nhấn mạnh: “Không có một sự tiến bộ nào, sự thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia đó. Và những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để tiến hành sự nghiệp giáo dục một cách hiệu quả thì số phận quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”. Thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo đất nước Singapore nhỏ bé nhưng phát triển vào bậc nhất Châu Á từng phát biểu với các nhà lãnh đạo Việt Nam vào ngày 17/1/2007: “Thắng cuộc đua trong giáo dục sẽ thắng trong kinh tế”. Con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia. Muốn phát huy cao sức mạnh của nguồn lực con người thì phải quan tâm toàn diện, đồng bộ từ việc tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ, chăm lo cải thiện mức sống. Nâng cao trình độ chất lượng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiện nay. Đây là một việc cực kỳ quan trọng và cấp bách mà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ trung ương đến địa phương và toàn thể xã hội. Mọi người dân phải nhận thức cho rõ và hành động thật hiệu quả thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ bứt phá vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới. Như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2030 và nước công nghiệp phát triển thu nhập cao năm 2045.

XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ … “Sứ mệnh người Thầy …”

:  Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Thực trang và đề xuất giải pháp » do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Hà Nội, NXB Thế Giới, Hà Nội 2024, tr.65-70)