Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy giáo
PGS.TS Trần Đình Tuấn
Tóm tắt:
Hồ Chí Minh xác định người thầy giáo là người lao động thầm lặng nhưng là anh hùng vô danh. Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không đào tạo được lực lượng lao động có chuyên môn nghề nghiệp và do đó không phát triển được văn hóa, kinh tế của đất nước. Thầy giáo là chiến sĩ chiến đấu không mệt mỏi trên mặt trận văn hoá giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Hồ Chí Minh đề ra các yêu cầu đối với người thầy giáo, đồng thời chỉ ra rằng, Đảng, Nhà nước phải có các biện pháp quan tâm đến đội ngũ nhà giáo tương thích với sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể. Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Người thầy giáo, vai trò của người thầy giáo, yêu cầu đối với thầy giáo
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trong giai đoạn tiếp theo. Kết luận đã xác định: “Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng” [1]. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục Đào tạo tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời phải xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp [2]. Như vậy, vấn đề nhà giáo đang được Đ ảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bài viết này xin giới thiệu khái quát những tư tưởng của Hồ Chí Minh về người thầy giáo, góp phần có thêm cơ sở lý luận đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo và tổ chức thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy giáo
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này có nguồn gốc từ thực tiễn lịch sử vai trò của giáo viên đối với quá trình phát triển của các chế độ xã hội. Bất kỳ chế độ xã hội nào lực lượng thầy giáo vẫn là một bộ phận quan trọng mà chính quyền phải nắm giữ và sử dụng cho mục đích chính trị của mình. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, các thầy, cô giáo đã trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá. V.I.Lênin đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo, các thầy, cô giáo là một lực lượng mạnh mẽ, đầy trí tuệ, Đảng và
những người lãnh đạo phải nắm lấy lực lượng này. Người cộng sản muốn lãnh đạo được cách mạng phải biết sử dụng các nhà sư phạm, phải “đưa các nhà sư phạm có tài hoặc có khả năng lên các chức vụ có trách nhiệm hơn, vào một phạm vi hoạt động rộng hơn” [3, tr.406]. V.I.Lênin chỉ ra con đường để khẳng định quyền lãnh đạo của những người cộng sản là phải biết sử dụng các nhà sư phạm để phụ tá cho mình, coi việc sử dụng các nhà sư phạm như một tiêu chí đánh giá năng lực của người lãnh đạo: “Người cộng sản lãnh đạo chỉ có một cách duy nhất để chứng minh quyền lãnh đạo của mình, đó là tìm cho mình được nhiều, càng ngày càng nhiều, những người phụ tá trong số các nhà sư phạm thực hành, biết giúp đỡ họ làm việc, biết đề bạt họ, biết giới thiệu và chú ý đến kinh nghiệm của họ”. [3, tr.407] Kế thừa, phát triển những tư tưởng của nhân loại và dân tộc, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của người thầy giáo và chỉ ra chức trách nhiệm vụ của người giáo viên như sau:
2.1.1. Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh
Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (10-1964), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa Xã hội được. Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sữa chữa” [10, tr.331]. Khi nói thầy giáo là anh hùng vô danh tức là khẳng định công lao to lớn và đức tính hy sinh thầm lặng của thầy giáo, đồng thời nói lên đặc điểm của hoạt động sư
phạm. Những đóng góp của thầy giáo cho xã hội không phải để đắp “tượng đồng, bia đá” hay để tính toán thành tích cá nhân mà đó là trách nhiệm lương tâm nghề nghiệp, là niềm vinh dự, tự hào của người thầy giáo. Đó là lĩnh vực hoạt động thầm lặng không có gì đột xuất, không có gì oanh liệt nhưng rất vẻ vang. Hồ Chí Minh đánh giá người thầy giáo tốt là người “vẻ vang nhất”. Đây là một sự đánh giá rất mới, hàm chứa trong đó cả những giá trị truyền thống và hiện đại về người thầy giáo và nghề dạy học. Ta cảm nhận được trong đánh giá của Hồ Chí Minh vẫn có bóng dáng về sự thanh cao của nghề dạy học. Đó là cái thanh cao được gắn với vinh dự và trách nhiệm “vẻ vang nhất” của người chiến sĩ cách mạng, là vinh hạnh của sự nghiệp “trồng người”. Điều hết sức vẻ vang đó là việc chăm lo, dạy dỗ con em nhân dân thành người công dân tốt,người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt cho nước nhà. Hồ Chí Minh nói, hoạt động của thầy giáo tuy không có “tượng đồng, bia đá” nhưng thầy giáo tốt thì sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, công lao của thầy giáo sẽ tồn tại vĩnh hằng trong nhân gian bằng “bia lòng”, “bia miệng”, đó là thứ bia không bị phai mờ bởi thời gian.
2.1.2. Không có thầy giáo thì không có giáo dục
Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của người thầy giáo: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá” [8, tr.184]. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh toát lên sự trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội. “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, dưới góc độ của lý luận giáo dục, là sự khẳng định vai trò chủ thể của thầy giáo trong quá trình giáo dục. Quá trình giáo dục bao gồm hệ thống các thành tố, từ mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đến nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức giáo dục, phương tiện và các điều kiện đảm bảo cho giáo dục, kết quả giáo dục, nhà giáo dục và đối tượng giáo dục. Trong hệ thống các thành tố đó, giáo viên là chủ thể quan trọng nhất, quyết định sự vận động của quá trình giáo dục. Giáo viên có trách nhiệm phải thâm nhập vào các thành tố khác, liên kết các thành tố đó trong hệ thống, định hướng sự vận động của các thành tố đó và làm cho các thành tố đó phát huy tác dụng cao nhất. Giáo viên có trách nhiệm tổ chức và xây dựng môi trường giáo dục. Giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” [9, tr. 492]. Như vậy, người thầy giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định quá trình vận hành của hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục.
XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ: Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy giáo
Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Thực trang và đề xuất giải pháp » do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Hà Nội, NXB Thế Giới, Hà Nội 2024, tr.47-56)