Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng (CAPE)
Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam
Có thể thấy hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng số hay ngoài đời thực, có vô vàn những người tự xưng mình là một Chuyên gia tâm lý kèm theo hàng loạt các dịch vụ về tâm lý với những lời hứa hẹn, cam kết sẽ xóa tan mọi rối nhiễu hay muộn phiền. Và thực tế, đã có không ít những cá nhân tin tưởng và chấp nhận đánh đổi tiền bạc, thời gian để đồng hành cùng các “chuyên gia chữa lành” tự xưng này, để rồi nhận lại nhiều tác động tiêu cực đến sự an toàn cũng như sức khỏe tâm lý của bản thân.
Liệu có phải rằng, ai cũng có thể hành nghề về tâm lý một cách công khai? Hay ai tham gia cung cấp những dịch vụ về tâm lý cũng là một Nhà Tâm lý chuyên nghiệp? Hãy cùng Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng nhấn mạnh một số Tiêu chuẩn của một Nhà tâm lý học tại các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhé!
1.Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA)
Để được chấp nhận hành nghề, người làm nghề Tâm lý tại Mỹ cần đáp ứng được một số tiêu chí như sau:
- Có bằng cấp sau đại học về lĩnh vực Tâm lý.
- Tích lũy đủ từ 1200 đến 6000 giờ thực hành có giám sát.
- Đạt được điểm sàn trong bài Đánh giá cho Nhà thực thành Tâm lý chuyên nghiệp (EPPP).
- Hoàn thành bài thi về Luật học (nếu được Liên bang yêu cầu). Bởi các nhà tâm lý cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của mình để bảo vệ quyền lợi của thân chủ và bản thân họ. Các kiến thức về luật pháp cũng giúp các nhà tâm lý tránh các hành vi vi phạm pháp luật, giúp nâng cao uy tín và sự tin cậy của nghề nghiệp tâm lý.
2.Theo Hiệp hội Tâm lý học Anh (BPS)
Để được phép hành nghề tại Anh, có những tiêu chí rõ ràng để công nhận một nhà Tâm lý:
- Tốt nghiệp các chương trình đào tạo sau đại học về Tâm lý lâm sàng được BPS công nhận.
- Yêu cầu về kinh nghiệm: có kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với nhiều cá nhân ở mức độ nghiêm trọng; có kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo hoặc làm giám sát chuyên môn.
- Đạt yêu cầu về một số kỹ năng thiết yếu như: kỹ năng phân tích, đàm phán, kỹ năng sử dụng các phương pháp đánh giá và can thiệp tâm lý phức tạp…
3. Theo Hiệp hội Tâm lý học Pháp (French Psychological Society)
Để trở thành một nhà tâm lý, người hành nghề cần:
- Có bằng Thạc sỹ trở lên về một phân ngành trong Tâm lý.
- Thực hành có giám sát tối thiểu 500 giờ tại các cơ sở khám – chữa bệnh.
- Đáp ứng tiêu chuẩn khác về kiến thức, kỹ năng trong thực hành nghề.
4. Theo Hiệp hội Tâm lý Trị liệu và Tham vấn Singapore (SRP)
Để trở thành một nhà tâm lý, người hành nghề cần đạt được:
- Hoàn thành chương trình sau đại học được công nhận bởi các cơ quan kiểm định Tâm lý.
- Là một thành viên chính thức của Hiệp hội Tâm lý Singapore SPS (Singapore Psychological Society).
- Đáp ứng 1 trong 2 đánh giá sau: Đáp ứng yêu cầu thực hành nghề trên 400 giờ có giám sát tại nhiều môi trường khác nhau ở Singapore hoặc được cấp phép hành nghề Nhà tâm lý chuyên nghiệp tại các quốc gia khác: Canada, New Zealand, Anh, Mỹ.
- Đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ năng ứng xử.
- Đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực hành nghề.
5. Tại Việt Nam
Ngành Tâm lý học vẫn còn là một lĩnh vực khá non trẻ. Ngày 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết Định 34/2020/QĐ -TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2364) với các quy định về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Nhà tâm lý học để phân biệt với Bác sĩ tâm thần. Với chức danh Nhà Tâm lý học lâm sàng, căn cứ theo Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có quy định như sau:
- Có văn bằng phù hợp với chức danh nghề nghiệp (thời gian đào tạo tối thiểu là 6 năm trong đó 4 năm Cử nhân, 2 năm Thạc sĩ)
- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 09 tháng.
- Phải có chứng nhận kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức thực hiện. Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và phải được gia hạn.
Tiêu chuẩn hành nghề tâm lý học ở mỗi quốc gia tuy khác nhau nhưng đều chú trọng vào việc đảm bảo các nhà tâm lý được đào tạo chuyên sâu sau đại học, tích lũy kinh nghiệm thực hành có giám sát, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Những yêu cầu này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của thân chủ mà còn nâng cao uy tín và tính chuyên nghiệp của các nhà tâm lý. Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, và Singapore đã thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt, ngành tâm lý học tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện các quy chuẩn nghề nghiệp để phù hợp với tình hình thực tế trong nước. Chính vì vậy, khi lựa chọn làm việc với một nhà tâm lý học hãy cẩn trọng để đưa ra được lựa chọn phù hợp, có hiệu quả cho mình.
* Có thể xem thêm các thông tin chuyên môn khác mà ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng chia sẻ tại hai trang Facebook này:
– facebook.com/HoiTamLyGiaoDuc (Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam)
– facebook.com/capevn2023 (Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng)
Tài liệu tham khảo:
- American Psychological Association Services. (n.d.). Prepare for licensure. https://www.apaservices.org/practice/ce/tools/prepare.
- (n.d.). Psychology and therapy in France. https://www.angloinfo.com/…/health…/psychology-therapy
- National Careers Service. (n.d.). Psychologist. https://nationalcareers.service.gov.uk/job…/psychologist
- Nghị định số 96/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
- Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
- Singapore Psychological Society. (n.d.). Singapore Register of Psychologists (SRP) – Professional standards. https://www.singaporepsychologicalsociety.org