Ứng dụng một số kinh nghiệm phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có RLPT

ỨNG DỤNG MỘT SỐ KINH NGHIỆM PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG ĐÁNH GIÁ, CAN THIỆP VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN TẠI SINGAPORE VÀO VIỆT NAM
Nguyễn Thị Lan Anh, Trần Thị Ngọc Yến, Nguyễn Hà Bích Vân

Tóm tắt: Bài viết này hệ thống lại một số kinh nghiệm từ Singapore về phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp vào giáo dục người có rối loạn phát triển (RLPT). Trên cơ sở đó, đưa ra những ứng dụng phù hợp có thể thực hiện tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn việc phối hợp liên ngành. Và cuối cùng, nhóm tác giả đề xuất tiếp cận theo hướng nhân văn góp phần giảm thiểu kỳ thị và thay đổi thái độ xã hội đối với người có RLPT. Trong đó nhấn mạnh, vai trò quan trọng đối với việc phối hợp liên ngành.

Từ khóa: rối loạn phát triển, liên ngành, giáo dục Singapore, kinh nghiệm.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Singapore là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng phát triển bậc nhất châu Á. Nhóm tác giả đã đến thăm quan tại Singapore vào tháng 8/2023 và tháng 1/2024. Trong khuôn khổ của chuyến đi này, nhóm đã được gặp gỡ, trao đổi học thuật và kinh nghiệm trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có RLPT tại Singapore. Các tổ chức, cơ quan mà nhóm tác giả đã trực tiếp đến, bao gồm:

Trường Giáo dục đặc biệt Metta Singapore: Trường được thành lập bởi Hiệp hội Phúc lợi Metta với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Singapore (MOE) và Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia (NCSS).
Trường MINDS Woodlands Gardens: Trường thành lập vào năm 1962 với mục đích đem lại cơ hội bình đẳng cho mọi cá nhân có nhu cầu đặc biệt. Hiện nay hệ thống MINDS đã phát triển trở thành một trong những cơ quan dịch vụ xã hội lớn nhất và lâu đời nhất chăm sóc cho những người có RLPT cũng như gia đình của họ.

Trường Truyền giáo St. Andrew’s (SAMS): Đây là một môi trường học đường chủ đạo dựa trên phương pháp sư phạm hòa nhập. Hiện nay Trường có 800 học sinh, tất cả đều là học sinh có RLPT. Hơn nữa, đây là ngôi trường trực thuộc nhà thờ Đạo Tin Lành, tất cả mọi châm ngôn, khẩu hiệu trong trường đều trích dẫn từ Kinh Thánh.
Trường Giáo dục Đặc biệt Chaoyang: thuộc cơ quan ASPN của Singapore, được thành lập cách đây 41 năm. Trường tập trung vào người bị thiểu năng trí tuệ nhẹ (IQ 50 – 70). Kim chỉ nam của Trường là tìm cách giúp những người có nhu cầu đặc biệt được hòa nhập và đóng góp tích cực cho xã hội.

Trường mầm non Nurture và Trường tiểu học Wellington: Đây là những trường dành cho trẻ em phát triển bình thường, tuy nhiên có một bộ phận nhỏ học sinh có RLPT học tại đây, bên cạnh chương trình học chung của trường, học sinh có RLPT sẽ có chương trình học hỗ trợ riêng.

Nhóm tác giả có 2 tuần tại Singapore, được thảo luận, chia sẻ về phương pháp, mô hình và quy trình đánh giá, can thiệp và giáo dục cho người có RLPT. Tại đây, nhóm tác giả nhận được rất nhiều bài học, kinh nghiệm từ học thuật đến thực hành. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: một trong những cách thức mang lại thành tựu cho giáo dục nói chung và cho giáo dục đặc biệt tại Singapore nói riêng, phải nói đến việc Chính phủ và Bộ Giáo dục của Singapore đã thúc đẩy phối hợp liên ngành như thế nào? Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm tác giả tổng kết lại một số kinh nghiệm về phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có RLPT.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp đàm thoại
Trong 2 tuần tại Singapore, nhóm tác giả có 10 buổi trực tiếp đến tham quan tại 6 trường học có học sinh RLPT ở những mức độ khác nhau và các độ tuổi khác nhau từ i mầm non đến 18 tuổi. Trong đó có 6 phiên họp đàm thoại chính thức. Tại đây, nhóm được trao đổi, thảo luận cùng với các hiệu trưởng và đội ngũ các thầy cô và cán bộ tại trường, đồng thời trường cũng sắp xếp nhóm có vài cuộc trao đổi và giao lưu ngắn với các học sinh. Nội dung chính trong các cuộc đàm thoại tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có RLPT. Trong đó, có nhấn mạnh tới việc phối hợp liên ngành tại Singapore nói chung và tại các cơ sở giáo dục nơi đó nói riêng.

2.2. Phương pháp tập hợp tư liệu
Nhóm tác giả đã thu thập và tổng hợp nhiều từ bài báo, nhiều nghiên cứu trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học uy tín tại Việt Nam, Singapore và Hoa Kỳ như: Bách khoa toàn thư Việt Nam; Kỷ yếu Ứng dụng tâm lý học giáo dục học vào can thiệp RLPT năm 2017 do Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức; Bảng Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới ICD 10; Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5; Tạp chí khoa khoa học quốc tế SAGE Journals là nơi liên kết và tổng hợp hơn 962 tạp chí khoa học, đại diện cho hơn 245 hiệp hội nghiên cứu học thuật và chuyên sâu; Tạp chí quốc tế về tự kỷ (Autism journals) là thành viên của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE); Bách khoa toàn thư (In Volkmar F. (Ed.) Encyclopedia. Springer); Chương trình phát triển trẻ em ở Singapore từ 1988 đến 2007, biên niên sử của Học viện Y khoa (Child development programme in Singapore 1988 to 2007. Annals of the Academy of Medicine); Tạp chí Hoa Kỳ về Khuyết tật Trí tuệ và Phát triển (American Journal on Intellectual and Developmental Disabilities); Tạp chí Chính sách và Thực hành về Khuyết tật Trí tuệ (Journal of Policy and Practice in Intellectual Disabilities); Tạp chí Tự kỷ và Rối loạn Phát triển (Journal of Autism and Developmental Disorders); Tạp chí Công tác xã hội và sức khỏe (Social Work in Health Care); Tổ chức từ thiện giúp đỡ người khuyết tật SPD Facts & Figures; Tổ chức hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật ở Singapore (SG Enable).

2.3. Các phương pháp nghiên cứu khác
Hai phương pháp trên là phương pháp nghiên cứu chính của nhóm tác giả. Ngoài ra nhóm sử dụng các kỹ năng trong phương pháp quan sát, xin ý kiến chuyên gia, nghiên cứu tiểu sử cá nhân, nghiên cứu sản phẩm hoạt động. Những phương pháp này cũng bổ sung vào kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả.

Xem thêm tại: XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ

(Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2024 tại thành phố Hà Nội, NXB Lao động Hà Nội, 2024, tr 69-80 )