Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học”

Hội thảo khoa học “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học” do Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức vào sáng 19/12/2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là hội thảo khoa học lần thứ 3 về rối loạn phát triển. Buổi hội thảo là cơ hội để phổ biến, định hướng nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ trẻ rối loạn phát triển nhằm tìm kiếm được những phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học.

Hội thảo đã quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học như GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam); TS Trần Văn Công (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Các chuyên gia nước ngoài như: TS Francis Joseph McLaughlin – đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ; TS Cassandra Newsom, ĐH Alabama ở Birmingham, Hoa Kỳ; TS Andresa De Souza – Đại học  Missouri, Hoa Kỳ; TS Shigeru Ohno (Nhật Bản) . … cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia can thiệp trị liệu trẻ rối loạn phát triển.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú (Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội thảo) phát biểu lời chào mừng và khai mạc Hội thảo đã cho biết: Hội thảo lần này đã có 42 báo cáo khoa học của các nhà khoa học trong nước và thế giới tham dự, trong đó có 3 báo cáo là các tác giả đến từ Hoa Kỳ, 1 báo cáo đến từ Nhật Bản. Tôi đã đọc và thấy rằng các báo cáo khoa học có chất lượng tốt với các phương pháp khoa học nêu ra có bằng chứng thuyết phục. Đây thực sự là một Hội thảo khoa học có chất lượng chuyên môn cao. Các báo cáo khoa học đã được in trong Kỷ yếu Tuyển tập công trình Hội thảo quốc gia mang tên “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành 10-12-2021. Các nội dung đưa ra trong thảo luận tại Hội thảo lần này đã đề cập đến những vấn đề quan trọng cấp thiết của hoạt động can thiệp Rối loạn phát triển hiện nay.

Hội thảo được tổ chức từ 8h đến 17h ngày 19/12. Tại phiên toàn thể buổi sáng hội thảo thảo luận vấn đề liên quan đến các báo cáo: “Các phương pháp trị liệu tâm lý” được trình bày qua Zoom bởi chuyên gia Mỹ và Nhật Bản; Tiếp đến là báo cáo “Nhân cách của nhà trị liệu, can thiệp trẻ có rối loạn phát triển” do GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam thực hiện.

Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài viết từ các nhà khoa học, các nhà thực hành trong lĩnh vực rối loạn phát triển. Sau quá trình tuyển chọn và xem xét kĩ lưỡng, có 40 bài viết được đăng tải trên kỉ yếu hội thảo. Trong phiên họp hôm nay, có 17 nghiên cứu đã được báo cáo trực tiếp.

1)         Phiên toàn thể sáng nay đã có 5 nghiên cứu đã được trình bày, bao gồm:

– Dr. Cassandra R. Newsom (Hoa Kỳ): trình bày về vấn đề thực hành can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học với tự kỉ và các tình trạng phát triển thần kinh khác. Báo cáo cho thấy một cái nhìn tổng quan về vấn đề thực hành dựa trên bằng chứng, đồng thời đề cập đến vấn đề thích ứng can thiệp sao cho phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.

– Dr. Andresa A. De Souza (Hoa Kỳ): Tiếp tục vấn đề can thiệp dựa trên bằng chứng, Dr. Andresa đưa ra góc nhìn cụ thể hơn về phương pháp can thiệp dựa trên tiếp cận hành vi – Phân tích hành vi ứng dụng ABA.

– Dr. F. Joseph McLaughlin (Hoa Kỳ): Trình bày về đánh giá rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK). Nêu ra ý nghĩa và tầm quan trọng của đánh giá, 4 khía cạnh chính cần lưu tâm trong quá trình đánh giá RLPTK, đề cập đến việc diễn giải kết quả và giao tiếp với gia đình trẻ.

– GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú: “Nhân cách của nhà trị liệu can thiệp trẻ có RLPT”. Báo cáo đã cung cấp cái nhìn tổng quan về những đức tính, giá trị mà một nhà trị liệu/can thiệp cần có, trong đó nhấn mạnh công việc trị liệu/can thiệp TL là một sứ mệnh cao cả, người hành nghề cần phải có đầy đủ phẩm chất, nhân cách cao đẹp, tay nghề trị liệu/can thiệp tâm lý giỏi, được đồng nghiệp và XH thừa nhận.

– Dr. Shigeru Ohno và 2 cộng sự người Nhật Bản, trình bày kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa SDQ và hành vi nuôi dạy trẻ RLPT thần kinh độ tuổi mầm non. Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa sự phát triển hành vi XH và giảm thiểu các hành vi kém thích nghi của trẻ sau can thiệp; sự chăm sóc/can thiệp sớm có liên quan đến sự cải thiện hành vi của trẻ. Đây cũng là một nghiên cứu có nhiều  hứa hẹn phát triển trong tương lai nếu được triển khai ở nhóm mẫu lớn hơn.

2)         Phiên chiều nay được chia thành 2 tiểu ban, có tất cả 12 báo cáo đã được trình bày.

  1. Tiểu ban 1: Về nâng cao chất lượng dịch vụ can thiệp

– ThS. Trần Quý Cát: Mô hình tập huấn trực tuyến cho người chăm sóc trẻ tự kỉ nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid 19. Nghiên cứu đã chỉ ra những thuận lợi khi áp dụng công nghệ trực tuyến vào chăm sóc trẻ RLPTK, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều trường học và trung tâm phải đóng cửa, đồng thời cũng chỉ ra những điểm hạn chế cần tiếp tục thay đổi của phương pháp này.

– CN. Huỳnh Thị Minh Tâm: Ứng dụng AAC trong trị liệu cho trẻ có khó khăn ngôn ngữ tại Thành phố HCM. Chỉ ra thực trạng, khó khăn và thuận lợi khi ứng dụng AAC, cho thấy hiệu quả của AAC với trẻ có ASD. Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong ứng dụng AAC, trong đó giải pháp chính là đào tạo nhân thực can thiệp chất lượng cao và hoàn thiện chương trình đào tạo AAC cho các nhà thực hành.

– Đặng Thu Thuỷ: Hiệu quả mô hình nhóm kĩ năng XH theo hình thức dự án cho thanh thiếu niên có RLPT.

– ThS. Nguyễn Thị Duyên cho thấy thực trạng sử dụng các PP có bằng chứng KH trong can thiệp trẻ RLPT tại các trung tâm chuyên biệt trên đại bàn tỉnh Bắc Ninh.

– ThS. Hoàng Thị Thanh Huệ và Nguyễn Thanh Hương trình bày về Ứng dụng công nghệ trong can thiệp và hỗ trợ cho trẻ tự kỉ. Cho thấy những thành tựu trong ứng dụng Công nghệ vào hoạt động can thiệp đã có ở trong và ngoài nước, khuyến nghị sự phối hợp liên ngành để giúp hướng can thiệp này phát triển hơn trong tương lai.

– TS. Nguyễn Thị Cẩm Hường: Giáo dục đáp ứng nhu cầu đặc biệt kép của học sinh khuyết tật học tập tài năng – một vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ.

  1. Tiểu ban 2: Về phối hợp liên ngành và các vấn đề khác

– TS. Đỗ Thị Thanh Thuỷ trình bày về hoà nhập NKT trong quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

– Bà Chu Thị Lệ trình bày về thực trạng stress của người làm can thiệp tại các cơ sở cho trẻ RLPT.

– BS. Nguễn Bá Phước Anh và BS. Nguyễn Phi Hùng trình bày về đánh giá hiệu quả của liệu pháp phản hồi thần kinh (NFT) cho chứng RLPTK ở trẻ em từ 5 nghiên cứu thực nghiệm qua thẩm định đã đăng trên tạp chí Khoa học Quốc tế.

– TS.BS. Ngô Anh Vinh Kết hợp hoá dược và can thiệp tâm lý xã hội trong điều trị RL tăng động giảm chú ý: nghiên cứu trường hợp.

– Nguyễn Thị Anh Thư & TS. Hoàng Thị Nho: Xây dựng và sử dụng video làm mẫu nhằm hỗ trợ phát triển khả năng tự điều chỉnh hành vi hung hãn cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi.

– ThS. Nguyễn Trọng Dần: KQ thực nghiệm mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục dựa vào gia đình và cộng đồng tại TP. Hà Giang.

Buổi Hội thảo được đánh giá là thành công, có chất lượng chuyên môn cao bởi sự có mặt của các chuyên gia trong nước và cả nước ngoài. Có gần 50 đại biểu tham gia trực tiếp, hơn 800 lượt đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, hơn 600 lượt đại biểu tham gia trực tuyến cho phiên buổi sáng và hơn 400 đại biểu tham gia trực tuyến cho phiên buổi chiều (Tiểu ban 1 khoảng 240 người; Tiểu ban 2 khoảng 180 người). Hội thảo đã vinh dự được đón nhận sự tham gia của các nhà khoa học đến từ quốc tế và từ nhiều miền của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia về tâm lý học can thiệp, trị liệu đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại từ Hội thảo

Tin: Hoàng Quyết

Ảnh: Mạnh Thuấn, Hoàng Quyết