Giải pháp dành cho người “Overthinking”(Người suy nghĩ quá mức)

Nhà tâm lý học thần kinh người Mỹ – Sanam Hafeez đã nói rằng: “Suy nghĩ giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhưng một khi suy nghĩ tự bản thân chúng trở thành một vấn đề thì vấn đề này lại không thể giải quyết bằng việc suy nghĩ nhiều hơn về nó.”

Ở những bài viết trước, ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng (CAPE) đã chỉ ra các dấu hiệu của “Overthinking” và các kiểu “Overthinking”. Vậy liệu có cách nào để giảm hoặc ngừng suy nghĩ quá mức? Làm sao để không còn là nạn nhân của những suy nghĩ do chính mình tạo ra? Làm sao để có thể tự thoát ra khỏi vòng lặp của “Overthinking”?

Hãy cùng Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng điểm danh những mẹo nhỏ có thể giúp bạn cải thiện tình trạng “Overthinking” nhé!

  1. Thư giãn nhanh

Thông thường khi chúng ta có quá nhiều suy nghĩ thì thường chúng sẽ tạo thành dòng chảy khiến chúng ta khó có thể dừng lại được, bằng kỹ thuật Chú tâm vào hơi thở, Thở hình vuông,… bạn sẽ dừng được suy nghĩ đó và lấy lại được trạng thái cân bằng tại thời điểm đó. Đây là kỹ thuật rất đơn giản nhưng là bí kíp để bạn có thể mang theo và sử dụng nó ở mọi lúc, mọi nơi: Ở nhà, ở trường, ở nơi làm việc… thậm chí ngay cả trên xe bus/ giữa đường ồn ào.

  1. Đối mặt với những điều tiêu cực, nhìn nhận nguyên nhân

Thực tế, luôn có rất nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, nó có thể là tích cực hoặc tiêu cực đôi khi là phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận sự kiện đó. Một cách để đối phó với những suy nghĩ tiêu cực là nhận thức rằng chúng thực ra chỉ là suy nghĩ mà không phải chắc chắn là sự thật. Hãy học cách làm chủ cảm xúc của mình và nhìn chúng một cách đa chiều, tích cực hơn. Theo nhà tâm lý học lâm sàng Alice Boyes, bạn nên nhìn nhận ra những thứ làm kích hoạt dòng suy nghĩ, tìm được nguyên do, bạn sẽ tự gỡ rối được cho mình.

  1. Viết nhật ký

Duy trì việc viết nhật ký là một thói quen khá hữu ích giúp bạn chuyển tải từ những suy nghĩ chưa trọn vẹn, lộn xộn ra trang giấy một cách ngắn gọn và ngăn nắp nhất.  Thực hiện được thói quen này sẽ giúp dọn dẹp bớt mớ hỗn độn trong đầu và từ đó cắt giảm được tình trạng overthinking bên trong não bộ. Đồng thời, khi bạn viết nó ra giấy, mọi thứ trong đầu bạn cũng trở nên rõ ràng, mạch lạc, ngăn nắp hơn, điều đó giúp bạn nhìn thấy từng vấn đề cụ thể.

  1. Tập thể dục thể thao đều đặn

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, dành ra 30 phút mỗi ngày tập trung hít thở thật sâu hoặc có thể thực hiện những hoạt động như: chánh niệm/chú tâm, yoga, tập thể dục… sẽ giúp tâm trí tĩnh lặng hơn, chuyển hướng những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi bạn có dấu hiệu bắt đầu suy nghĩ đến chúng.

  1. Yêu thương bản thân hơn

Lucille Ball (người từng 13 lần được đề cử giải Emmy và 4 lần giành được giải thưởng danh giá này) đã từng nói: “Hãy yêu thương bản thân mình trước, rồi mọi thứ sẽ đâu vào đó”. Hãy trân trọng và yêu thương bản thân nhiều hơn bằng cách thừa nhận nỗ lực và thành tựu của chính mình. Điều này khiến bạn không bị vùi lấp bởi hàng tá ý nghĩ tiêu cực. Dành lời khen cho chính mình để bản thân có động lực cố gắng hơn, mọi việc sẽ theo một góc nhìn tốt đẹp hơn.

  1. Học cách biết ơn và hài lòng

Biết ơn và hài lòng với hiện tại, với những thứ mình đang có. Khi bạn đặt mong muốn vượt trên mọi tiêu chuẩn và cố gắng đạt được chúng. Lúc nhận lại kết quả, là thất bại thì bạn sẽ tự rơi vào cái hố sâu của overthinking. Lúc này, bản thân sẽ dần “chìm sâu” vào trong mớ suy nghĩ do chính mình tự đặt ra, có thể là tự trách, thất vọng.

  1. Chia sẻ

Có câu nói “Gặp đúng người, kể đúng chuyện, tâm sự hoàn thành thì suy nghĩ sẽ tự khắc đi đúng đường”. Một cách khác nhằm giúp mình bản thân loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực và tháo gỡ nút thắt trong suy nghĩ chính là hãy tìm một người tâm sự mà họ sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu, có thể giúp đỡ hãy cho mình lời khuyên hữu ích.

  1. Phát triển các kỹ năng liên kết cá nhân

Tập trung phát triển những kỹ năng:

–  Tăng khả năng tự nhận thức.

–  Nâng cao sự tự tin.

–  Rèn luyện sự bình tĩnh, tự chủ trong mọi việc.

–  Rèn luyện sự chú ý.

Các kỹ năng cá nhân này sẽ có tác động trực tiếp, giúp giảm thiểu tình trạng khủng hoảng tinh thần vì suy nghĩ quá mức.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích, giúp bạn kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, trường hợp bạn có quá nhiều suy nghĩ, đã thử rất nhiều cách rồi mà bạn vẫn không thể kiểm soát được dòng suy nghĩ đó thì đừng ngại ngần tìm kiếm, đề nghị sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn  (nhà tham vấn, trị liệu và bác sĩ tâm thần) để giải quyết cho vấn đề của mình nhé.

Bạn cũng có thể đọc bài viết số 1 về “Những dấu hiệu chứng tỏ bạn là một người Overthinking” tại đường dẫn sau https://hoitamlygiaoduc.org/nhung-dau-hieu-chung-to-ban-la-mot-nguoi-overthinking-nguoi-suy-nghi-qua-muc-1/ và bài viết số 2 về “Các kiểu Overthinking” tại đường dẫn sau https://hoitamlygiaoduc.org/cac-kieu-overthinking-nguoi-suy-nghi-qua-muc/

* Có thể xem thêm các thông tin chuyên môn khác mà ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng chia sẻ tại hai trang Facebook này:

facebook.com/HoiTamLyGiaoDuc (Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam)

facebook.com/capevn2023 (Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng)

Tài liệu tham khảo

Trang website: https://www.rtor.org/2022/05/02/how-to-deal-with-overthinking-8-tricks-that-help/

Ban Tâm lý học- Giáo dục học ứng dụng (CAPE)

Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam