Đáp án của những nan đề cho bài toán phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục cho người có rối loạn phát triển – Hội thảo Rối loạn phát triển lần thứ IV

Ngày 20 tháng 4 năm 2024, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, số 266 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là Hội thảo khoa học lần thứ IV về người có Rối loạn phát triển. Với chủ đề Hội thảo: “Phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục cho người có rối loạn phát triển”, Hội thảo từng bước tháo gỡ và bước đầu chỉ ra được đáp án cho một chủ đề hoàn toàn mới, có định hướng xã hội với hàm lượng trí tuệ cao giúp các nhà chuyên môn, gia đình và người có rối loạn phát triển cùng chung tay hành động.

Điều đặc biệt nhất ở Hội thảo lần này là tính phối hợp liên ngành, quy tụ được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước với nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có thể kể đến như: GS. TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam; PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu – Phó Chủ tịch Hội kiêm Trưởng Ban Tâm lý hoc-Giáo dục học Ứng dụng, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Các nhà thực hành trị liệu hàng đầu như ThS. Hồ Thị Huyền Thương; TS. Nguyễn Thị Kim Quý (Chuyên Gia Tham vấn và Trị liệu tâm lý); ThS. BS. Nguyễn Minh Quyết (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương); Ths.Nguyễn Đức Nam (Phó giám đốc Trung tâm Sức khoẻ tâm thần tích hợp, Bệnh viện Vinmec Times City); ThS. NCS Nguyễn Thị Hà (Chuyên gia Công tác Xã Hội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) và nhiều chuyên gia đầu ngành khác.

Đây là Hội thảo Khoa học Quốc gia, nhưng do tính thời sự nổi bật và sự quan tâm lớn từ bạn bè, cộng đồng Quốc tế, Hội thảo đã vinh dự nhận được các báo cáo trình bày online từ một số chuyên gia nước ngoài. Trong đó, có thể kể đến như: Chuyên gia Giáo dục đặc biệt đến từ Hà Lan, Han Van Esch; Nhóm Chuyên gia Nhật Bản: GS. TS. BS. Satoshi Sanada, TS. BS. Shigeru Ohno, GS.TS. Yoko Kado;  Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, TS.  Masahiko Inoue; TS. BS. Yee Kok Wah (Chuyên gia  Y tế cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Cố vấn y tế- Dawn Bridge Malaysia); và một số chuyên gia khác.

Hội thảo được bắt đầu từ 8h00 đến 16h30, Với bài phát biểu khai mạc của PGS. TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam về đánh giá vai trò, vị trí của Hội và các thành công của các Hội thảo lần trước cũng như nêu bật các điểm nhấn trong Hội thảo lần này và kết thúc với bài phát biểu của GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) trong tiếng vỗ tay của hơn 300 đại biểu, đánh dấu sự thành công lớn cho Hội thảo về tầm quan trọng và chất lượng chuyên môn học thuật cao dành cho người có rối loạn phát triển lần thứ IV.

Hội thảo lần này đã nhận được hơn 35 bài viết đến từ các nhà khoa học, nhà thực hành trong lĩnh vực can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển với tính đa ngành như lĩnh vực Tâm lý học, Giáo dục học, Tâm thần học, Y tế và các chuyên gia xã hội học, công tác xã hội. Sau quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng từ một Hội đồng thẩm định, 30 bài đã được đăng toàn văn trên Kỷ yếu khoa học của Hội thảo. Trong phiên Hội thảo ngày 20-4-2024, 14 nghiên cứu được báo cáo trực tiếp và nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu tham dự.

 

1) Phiên toàn thể buổi sáng đã có 5 nghiên cứu được trình bày với các chuyên gia trong nước và nước ngoài, trong đó đã nêu ra được nhiều ý kiến và định hướng có giá trị thông qua kết quả nghiên cứu thực tiễn về phối hợp liên ngành, bao gồm:

  • Han Van Esch (Chuyên gia Giáo dục đặc biệt Hà Lan): Chẩn đoán theo định hướng hành động dành cho người rối loạn phát triển.
  • ThS. Hồ Thị Huyền Thương (Giám đốc chuyên môn, Công ty truyền thông và đào tạo MOSAIC): Mô hình nhóm đa ngành trong chẩn đoán và can thiệp cho trẻ khuyết tật phát triển và khuyết tật trí tuệ tại 6 bệnh viện ở Huế, Quảng Nam và Quảng Trị: kết quả và bài học kinh nghiệm,
  • TS. BS. Satoshi Sanada, TS. BS. Shigeru Ohno, GS.TS. Yoko Kado (Nhóm chuyên gia Nhật Bản): Phối hợp giữa y tế, tâm lý và giáo dục trong đánh giá trẻ khuyết tật phát triển ở Nhật Bản: Công cụ và Gợi ý cho Can thiệp.
  • Đỗ Thuý Lan (Bác sĩ chuyên khoa II tâm thần): Mô hình phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Trung tâm Sao Mai và những bài học kinh nghiệm.
  • Nguyễn Đức Nam (Phó giám đốc Trung tâm Sức khoẻ tâm thần tích hợp, Bệnh viện Vinmec Times City): Mô hình và kết quả can thiệp liên ngành cho trẻ có rối loạn phát triển tại Vinmec Times City,

Trong buổi chiều, Hội thảo tiếp tục nhận được gần như 95% các đại biểu tham dự; và tiếp tục được chia làm 2 phiên.

2) Phiên chung của buổi chiều, đã có 3 báo cáo được trình bày với các góc nhìn khác nhau của các chuyên gia, bao gồm:

  • Masahiko Inoue (Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Nhật Bản):  Can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Nhật Bản.
  • BS. Nguyễn Minh Quyết (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương): Vai trò của Y tế và hợp tác đa ngành- liên ngành trong đánh giá, can thiệp các rối loạn phát triển.
  • BS. Yee Kok Wah (Chuyên gia Y tế cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Cố vấn y tế- Dawn Bridge Malaysia): Triển khai chương trình tích hợp giữa hỗ trợ dinh dưỡng và chế độ ăn uống kết hợp với liệu pháp trị liệu cơ năng (OT), trị liệu ngôn ngữ và giáo dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

3) Sau phiên chung của buổi chiều, Hội thảo tiếp tục chia ra theo các phiên chủ đề, gần như hội trường và phòng họp đông kín đại biểu tham dự. Trong đó 2 chuyên đề lớn được trình bày, bao gồm:

Chuyên đề 1: Các lực lượng phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển

  • Ứng dụng một số kinh nghiệm phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển tại Singapore vào Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Lan Anh. Viện Tâm lý học Nhân Văn, Hà Nội; Ths. Trần Thị Ngọc Yến. Trung tâm GDĐB Little House, Hồ Chí Minh; Ths. Nguyễn Hà Bích Vân. Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM.
  • Tiếp cận liên ngành trong đánh giá khuyết tật học tập theo mô hình đáp ứng can thiệp (RTI), Nguyễn Thị Cẩm Hường & Văn Thị Minh Hằng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  • Đạo đức trong tham vấn tâm lý cho cha mẹ trẻ có rối loạn phát triển: nghiên cứu trường hợp tại ATC: ThS. Huỳnh Thị Trúc Ly; CVTL Nguyễn Thị Thanh Lan; NCS. Trần Văn Dương.

Chuyên đề 2: Phối hợp các phương pháp đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển

  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm rối loạn phát triển của trẻ em thông qua bộ công cụ ASQ3: TS. Nguyễn Thị Thắm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trần Phúc Quỳnh, Nguyễn Thu Hà: Viện tâm lý giáo dục BraiCare
  • Chiến lược hỗ trợ hành vi phù hợp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ trong lớp tiền tiểu học – Kết quả nghiên cứu trường hợp: ThS. NCS. Bùi Thị Huệ, Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo Dục Nhân Việt
  • Kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc của trẻ tăng động giảm chú ý độ tuổi tiểu học trong môi trường hoà nhập: ThS. Phạm Thị Dần, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Tâm lý và Giáo dục cho trẻ đặc biệt (Autism Edu)

 Hội thảo kết thúc lúc 16h30. Sau lời phát biểu Tổng kết của PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, GS. TS Nguyễn Ngọc Phú đã phát biểu kết thúc Hội thảo, nhấn mạnh sự thành công của Hội thảo với chất lượng chuyên môn cao. Hội thảo đã đặt ra và bước đầu đã chỉ ra các lời giải cho các nan đề trong bài toán mang tính thời sự là làm thế nào để phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển. Đã có hơn 300 đại biểu tham dự trong phiên buổi sáng, và sức hút của Hội thảo còn sang cả buổi chiều, với hơn 95% đại biểu tiếp tục ở lại và tham dự các phiên báo cáo. Hội thảo vinh dự được đón nhận sự tham gia của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà thực hành, các giám đốc trung tâm về lĩnh vực can thiệp, trị liệu cho người có rối loạn phát triển. Sức hút lớn từ hội thảo chính là điểm mấu chốt để quy tụ các đại biểu đến từ Hà Nội, Sài gòn và các tỉnh, thành Nam bộ; Các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia đã được chứng kiến không khí sôi động của Hội thảo qua màn hình. Tất cả những gì đã diễn ra phần nào khẳng định sự quan tâm lớn của các nhà chuyên môn, các gia đình, mang lại những giá trị và thành công cho Hội thảo của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam.

 Tin: Hoàng Quyết (Ủy viên BCH Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Hệ thống Trung tâm ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngày Mới)


GIỚI THIỆU VỀ HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ – GIÁO DỤC VIỆT NAM 

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại từ Hội thảo.

PGS. TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam – Phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc gia lần thứ 4 về Rối loạn phát triển
GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) – Phát biểu kết thúc Hội thảo
PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, Đồng trưởng ban tổ chức, Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam – Phát biểu Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Thành viên Ban tổ chức Hội thảo Quốc gia về Rối loạn phát triển lần thứ IV
Cuốn Kỷ yếu Hội thảo với tuyển tập các Nghiên cứu của nhiều tác giả, nhà chuyên môn trong các Lĩnh vực Giáo dục đặc biệt, Tâm lý học, Giáo dục học, Công tác xã hội, Tâm thần học, Y học,….

 

Đại biểu tham dự Hội thảo: Đã có hơn 300 đại biểu tham dự trong phiên buổi sáng, và sức hút của Hội thảo còn sang cả buổi chiều, với hơn 95% đại biểu tiếp tục ở lại và tham dự các phiên báo cáo