Quan niệm về chất lượng và hiệu quả giáo dục

Bài viết của PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, mời các bạn cùng đọc.

Chất lượng giáo dục là vấn đề số một của sự nghiệp giáo dục. Hiện nay ở nước ta rất nhiều người quan tâm đến chất lượng và có nhiều quan niệm khác nhau, trong đó có quan niệm ít nhiều ảnh hưởng xấu đối với toàn bộ công tác quản lí sự nghiệp giáo dục – đào tạo như đánh giá chất lượng giáo dục một cách tùy tiện không có căn cứ, qui chất lượng giáo dục về kết quả các kì thi v.v… Vì vậy việc làm sáng tỏ quan niệm về chất lượng giáo dục cùng các tiêu chí đánh giá nó là việc làm hết sức cần thiết, trên cơ sở đó mới đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, bậc học.

I. QUAN NIỆM VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

1. Quan niệm về chất lượng

Hiện nay đang tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về chất lượng các sự vận, các hoạt động xã hội. Có thể nêu ra 5 cách tiếp cận khác nhau [3]:

– Chất lượng là sự xuất sắc bẩm sinh, tự nó (là cái tốt nhất). Điều này chỉ có thể hiểu được, cảm nhận được nếu so sánh với những sự vật có cùng những đặc tính với sự vật đang được xem xét. Đây là cách tiếp cận tiên nghiệm về chất lượng.

– Chất lượng được xem xét trên cơ sở những thuộc tính đo được. Điều đó có nghĩa là chất lượng có thể được đo lường khách quan và chính xác. Một sự vật có thuộc tính nào đó “cao hơn” cũng có nghĩa là nó “tốt hơn” và do đó cũng “đắt hơn”. Cách tiếp cận này gọi là cách tiếp cận dựa trên sản phẩm khi xem xét chất lượng.

– Chất lượng được xem như sự phù hợp với nhu cầu. Các sản phẩm và dịch vụ được “sản xuất” một cách chính xác với những “đặc tính kĩ thuật” đã định; mọi sự lệch lạc đều dẫn đến giảm chất lượng. Đây là cách tiếp cận dựa trên sản xuất về chất lượng.

– Chất lượng được xác định bằng tỉ số giữa thành tựu và giá cả: thành tựu ở một giá cả chấp nhận được hoặc sự phù hợp ở một chi phí chấp nhận được. Đây là cách tiếp cận dựa trên giá trị về chất lượng.

– Chất lượng là sự phù hợp với mục đích (mục tiêu); là “đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”. Chất lượng được xem xét đơn giản chỉ trong con mắt của người chiêm ngưỡng sự vật hoặc sử dụng chúng và được coi như mức độ của sự thỏa mãn, hài lòng của khách hàng. Đó là cách tiếp cận dựa trên người sử dụng, khách hàng đối với chất lượng.

Trong một số từ điển, thuật ngữ chất lượng được định nghĩa như sau :

– Từ điển tiếng Việt : Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, một sự việc. Chất lượng là tổng thể những tính chất, những thuộc tính cơ bản của sự vật (sự việc); cái làm cho sự vật này phân biệt với sự vật khác.

– Từ điển Oxford Pocket Dictionnary : Chất lượng là mức hoàn thiện, đặc trưng so sánh hay đặc trưng tuyệt đối, dấu hiệu đặc thù, các dữ liệu, các thông số cơ bản của một sự việc, sự vật nào đó. [6]

2. Quan niệm về chất lượng giáo dục

Trên thế giới, hơn thập kỉ lại đây, đã có nhiều hội nghị về giáo dục dưới sự chủ trì của UNESCO. Trong các hội nghị đó chất lượng giáo dục được đề cập đến và mỗi hội nghị đưa ra một tuyên bố về một chủ đề của chất lượng giáo dục, nhưng đó không phải là toàn bộ quan niệm về chất lượng giáo dục [4].

Tuyên bố Jomtien – 1990 đưa ra chủ đề chất lượng giáo dục gắn liền với mở rộng cơ hội học tập cho mọi người.

Tuyên bố Dakar – 2000 đưa ra 10 thành tố của chất lượng giáo dục đối với một cơ sở giáo dục.

Phiên họp 166 của Ủy ban thường trực UNESCO Paris tháng 3 năm 2003 đưa ra khuyến cáo tiến tới một nền giáo dục có chất lượng là nền giáo dục vì hòa bình, quyền con người và dân chủ, nền giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Năm 2005 UNESCO đưa ra khung cơ cấu để hiểu, giám sát cải thiện chất lượng giáo dục. Khung cơ cấu bao gồm 5 thành tố:

– Đặc điểm của người học;

– Hoàn cảnh xã hội;

– Những đầu vào cần phải có;

– Quá trình dạy và học;

– Kết quả.

Quan niệm về chất lượng giáo dục là sự vận dụng quan niệm chất lượng vào lĩnh vực giáo dục.

Ở Việt Nam, trong nhiều hội nghị, hội thảo khoa học vấn đề chất lượng giáo dục luôn luôn được đề cập đến, nhưng quan niệm về chất lượng giáo dục có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, ngoại trừ các quan niệm hết sức sai lệch, thiển cận như qui chất lượng giáo dục về kết quả các kì thi, nhìn chung quan niệm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục có thể phân thành hai loại.

2.1. Hai quan niệm về chất lượng giáo dục

Quan niệm thứ nhất, chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục. “Chất lượng giáo dục là kết quả tổng hợp phản ánh mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục – đào tạo ở từng người học, từng lớp, từng trường, địa phương và cả nước có được sự phát triển bền vững”. [7], [6], [9]

Theo quan niệm này, khi đánh giá chất lượng giáo dục tập trung vào đánh giá kết quả giáo dục, hiệu quả giáo dục theo từng cấp độ : cá nhân người học, cơ sở giáo dục, địa phương, ngành học và toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

Quan niệm thứ hai, chất lượng giáo dục là toàn bộ thuộc tính, đặc điểm bản chất của tất cả những bộ phận thuộc nền giáo dục nhất định, làm cho nền giáo dục đó có khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển đất nước bền vững, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của nhân dân và sự phát triển của người học. Khi một nền giáo dục có khả năng như vậy thì nó là nền giáo dục có chất lượng mong muốn đối với một quốc gia [8].

Quan niệm này xuất phát từ chỗ, hệ thống giáo dục bao hàm nhiều thành tố khác nhau, mỗi thành tố đều có chất lượng nhất định. Chính chất lượng của các thành tố tạo nên hệ thống giáo dục hợp thành chất lượng giáo dục. Các thành tố của hệ thống giáo dục phân làm 4 lĩnh vực : Quản lí giáo dục, đào tạo sư phạm, nghiên cứu và thông tin giáo dục, quá trình giáo dục. Chất lượng của 4 lĩnh vực này (chất lượng quản lí giáo dục, chất lượng đào tạo sư phạm, chất lượng nghiên cứu và thông tin giáo dục, chất lượng quá trình giáo dục) tạo nên chất lượng giáo dục.

Theo quan điểm này, khi đánh giá chất lượng giáo dục phải đánh giá chất lượng của các thành tố tạo nên hệ thống giáo dục.

Hai quan niệm khác nhau về chất lượng giáo dục sẽ dẫn đến hai hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục khác nhau.

2.2. Chất lượng giáo dục có tính tương đối

Dù quan niệm về chất lượng giáo dục theo cách thứ nhất hay cách thứ hai, thì chất lượng giáo dục vẫn có tính chất tương đối. Tính tương đối thể hiện ở chỗ, khi đánh giá chất lượng giáo dục phải đối chiếu, so sánh với một “thước đo” nào đó gọi là Chuẩn. Chuẩn là những qui định có tính giai đoạn, trong những điều kiện nhất định nào đó. Chuẩn không phải là bất biến, nó luôn thay đổi và theo xu hướng ngày càng nâng cao.

2.3. Chất lượng giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục

Để đánh giá đúng đắn chất lượng giáo dục phải có quan niệm rõ ràng đầy đủ về chất lượng giáo dục và xác định được các tiêu chí đánh giá nó. Và đánh giá chất lượng giáo dục cuối cùng là để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, theo chỳng tụi, lấy quan niệm thứ nhất về chất lượng giáo dục (chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục) để làm cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của một bậc học, cấp học và cả hệ thống giáo dục. Khi đánh giá chất lượng giáo dục của một cơ sở giáo dục – đào tạo, sẽ vận dụng quan niệm thứ hai về chất lượng giáo dục : chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục – đào tạo là toàn bộ chất lượng của các yếu tố tạo nên cơ sở giáo dục – đào tạo.

II. HIỆU QUẢ GIÁO DỤC

Hiệu quả giáo dục là kết quả giáo dục, nhưng được xem xét căn cứ vào mối quan hệ chung giữa sự đầu tư về mọi mặt và ảnh hưởng, tác dụng thực tế của giáo dục [11].

Hiệu quả giáo dục bao gồm hiệu quả trong và hiệu quả ngoài. Hiệu quả trong là hiệu quả được đánh giá trong phạm vi ngành giáo dục. Hiệu quả ngoài được đánh giá từ phía xã hội đối với ngành giáo dục, nhà trường và cá nhân người học. Hiệu quả ngoài bao gồm hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

1. Hiệu quả trong của giáo dục

Hiệu quả trong của giáo dục là hiệu quả được xem xét trong phạm vi ngành giáo dục, đó chính là hiệu quả của quá trình giáo dục theo nghĩa rộng.

Hiệu quả trong của giáo dục được xem xét, đánh giá ở những cấp độ khác nhau : cá nhân người học, một nhà trường và toàn ngành giáo dục.

Xét ở cấp độ cá nhân người học, hiệu quả trong biểu hiện ở kết quả học tập và sự biến đổi nhân cách ở họ.

Xét ở cấp độ một nhà trường hay toàn ngành giáo dục, hiệu quả trong biểu hiện trước hết ở hiệu suất đào tạo. Hiệu suất đào tạo thể hiện ở các chỉ số : tỉ lệ lên lớp, lưu ban, bỏ học, tỉ lệ hoàn thành cấp học, bậc học (ví dụ: 100 em vào lớp 1, sau 5 năm học còn lại bao nhiêu em học hết lớp 5, đó là hiệu suất đào tạo).

2. Hiệu quả ngoài của giáo dục

Hiệu quả ngoài của giáo dục được đánh giá từ phía xã hội, ngoài nhà trường, ngoài quá trình giáo dục. Hiệu quả ngoài thường được phân làm hai loại : hiệu quả kinh tế của giáo dục và hiệu quả xã hội của giáo dục.

Xét ở cấp độ toàn ngành giáo dục :

Hiệu quả kinh tế của giáo dục được đo bằng tỉ số của 2 đại lượng là số chi cho giáo dục và số đo sự gia tăng giá trị sản phẩm xã hội do giáo dục mang lại. Có thể biểu đạt bằng công thức dưới đây [1]:

Công thứ tính hiệu quả kinh tế của giáo dục

Ngày nay người ta có phương pháp để tính giá trị đóng góp của “vốn người” vào sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân ở một cộng đồng, một quốc gia. Giáo dục giữ vai trò chủ yếu trong việc tạo nên “vốn người”. Nghĩa là có thể tính được hiệu quả kinh tế của giáo dục.

Hiệu quả xã hội của giáo dục là cái không thể định lượng được như hiệu quả kinh tế, nhưng có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực rất lớn đến đời sống xã hội, thể chế chính trị.

Xét ở cấp độ một nhà trường:

Hiệu quả kinh tế của một cơ sở đào tạo cũng được đo bằng tỉ số giữa hai đại lượng là số chi cho quá trình đào tạo và số đo gia tăng giá trị mà cơ sở đào tạo thu được.

Hiệu quả xã hội của cơ sở giáo dục – đào tạo biểu hiện ở sự tác động đến cộng đồng, địa phương; sự đóng góp kinh nghiệm giáo dục cho ngành v.v…

Xét ở cấp độ cá nhân:

Hiệu quả kinh tế biểu hiện ở tiền lương hoặc tiền công mà người lao động được hưởng trong quá trình lao động sau khi được đào tạo.

Hiệu quả xã hội biểu hiện ở tác động của người học đối với xã hội với tư cách là một công dân, một thành viên hoặc chủ gia đình; biểu hiện ở sự thành đạt trong nghề nghiệp và trong cuộc sống v.v…

III. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ GIÁO DỤC

Chất lượng và hiệu quả là hai phạm trù liên quan mật thiết với nhau, trong đó hiệu quả là biểu hiện quan trọng nhất của chất lượng. Dù xem xét ở cấp độ vi mô hay vĩ mô, khi nói giáo dục của một nhà trường, của một cấp học, của cả hệ thống có hiệu quả thì đương nhiên giáo dục ở nhà trường đó, cấp học đó hay cả hệ thống giáo dục phải có chất lượng. Nhưng từ đó không thể nói hiệu quả giáo dục bao gồm chất lượng giáo dục. Có chất lượng mới có hiệu quả, nhưng không phải mọi chất lượng đều dẫn đến hiệu quả. Hiệu quả là sự phản ánh chất lượng. Không thể nói một nền giáo dục có chất lượng mà lại là một nền giáo dục kém hiệu quả. Và cũng không thể nói một nền giáo dục có hiệu quả cao lại là một nền giáo dục có chất lượng thấp. Do đó khi đánh giá chất lượng giáo dục, dù ở cấp độ nào, cũng phải tính đến hiệu quả của nó. Các loại hiệu quả sẽ là những tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục.

IV. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Nếu thừa nhận quan niệm chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục là việc xem xét mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục thì tiêu chí đánh giá chất lượng các cấp, bậc học như sau:

1. Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non là một hệ thống con của hệ thống giáo dục quốc dân, do đó mục tiêu của nó cũng phải phản ánh mục tiêu chung của hệ thống giáo dục quốc dân theo đặc thù của bậc học này. Nghĩa là giáo dục mầm non phải đảm bảo được công bằng xã hội trong giáo dục thể hiện ở việc tạo mọi điều kiện cho trẻ em được hưởng thụ chăm sóc – giáo dục. Giáo dục mầm non phải góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa như trong Luật Giáo dục đã ghi “giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1”. Hình thành cho trẻ những yếu tố đầu tiên của nhân cách con người là:

– Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cơ thể phát triển hài hòa, cân đối.

– Giàu lòng thương, biết quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ những người gần gũi (bố mẹ, ông bà, bạn bè, cô giáo v.v…), thật thà, lễ phép, mạnh dạn, hồn nhiên.

– Yêu cái đẹp, biết giữ gìn cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp ở xung quanh.

– Ham hiểu biết, thích khám phá tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận ….) cần thiết để vào học lớp 1.

Trong hệ thống giáo dục mầm non chia ra nhiều độ tuổi khác nhau (tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn). Do đó, mục tiêu chung của giáo dục mầm non được cụ thể hóa thành mục tiêu giáo dục đối với từng độ tuổi: mục tiêu chăm sóc – giáo dục trẻ nhà trẻ (3- 36 tháng tuổi); mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi).

Xuất phát từ quan niệm chất lượng giáo dục mầm non là mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục mầm non thì các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục mầm non phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục của bậc học này. Nói cách khác, các tiêu chí là sự cụ thể hóa những nội dung cơ bản của mục tiêu giáo dục mầm non.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục mầm non:

a) Tiêu chí về công bằng xã hội trong chăm sóc – giáo dục trẻ

 Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Tỷ lệ lứa tuổi mầm non thuộc các dân tộc ít người được chăm sóc – giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non.

– Tỷ lệ trẻ em khuyết tật được chăm sóc – giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non.

– Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, vùng sâu, vùng xa được chăm sóc – giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non.

– Tỷ lệ trẻ em được hưởng thụ giáo dục mầm non so với tổng số trẻ em ở độ tuổi mầm non.

b) Tiêu chí về phát triển thể chất

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Các số đo về tình trạng sức khỏe của trẻ.

– Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

– Các số đo về khả năng vận động thô.

– Các số đo về khả năng vận động tinh tế.

c) Tiêu chí về phát triển nhận thức

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Các số đo về sự phát triển của các giác quan

– Các số đo về khả năng nhận biết sự vật, con người, hiện tượng.

– Các số đo về khả năng quan sát.

– Các số đo về sự ham thích hiểu biết, ham thích khám phá.

– Các số đo về mức độ hiểu biết và kỹ năng, khả năng đáp ứng các yêu cầu vào lớp 1.

d) Tiêu chí về phát triển ngôn ngữ

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Các số đo về vốn từ của trẻ.

– Các số đo về khả năng nghe, hiểu.

– Các số đo về khả năng diễn đạt bằng lời nói.

e) Tiêu chí về phát triển tình cảm – xã hội

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Các số đo về hành vi ứng xử với người thân trong gia đình, bạn bè, cô giáo và người xung quanh.

– Các số đo về tính tự lập của trẻ.

– Các số đo về biểu hiện tình cảm với vật nuôi, cây trồng, thái độ đối với môi trường thiên nhiên.

f) Tiêu chí về phát triển thẩm mỹ

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số:

– Các số đo về mức độ cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, trong tác phẩm nghệ thuật, trong cuộc sống hàng ngày.

– Các số đo về nhu cầu, hứng thú tham gia vào các hoạt động tạo hình, âm nhạc, văn nghệ.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông

Xuất phát từ quan niệm chất lượng giáo dục phổ thông là mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông thì các tiêu chí để xem xét chất lượng giáo dục phổ thông phải là sự cụ thể hóa những nội dung cơ bản của mục tiêu giáo dục bậc học này.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông [12].

a) Tiêu chí về nâng cao dân trí

Nâng cao dân trí là một mục tiêu của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó giáo dục phổ thông đóng góp phần quan trọng (giáo dục phổ thông là nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân). Trình độ dân trí thể hiện trữ lượng văn hóa của một dân tộc. Số năm học trung bình của một người dân là một chỉ số quan trọng trong chỉ số phát triển người HDI, một trong các chỉ số được Liên Hợp Quốc để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia.

Tiêu chí nâng cao dân trí đối với giáo dục phổ thông được đo bằng các chỉ số.

– Tỷ lệ học sinh phổ thông so với dân số độ tuổi học đường.

– Tỷ lệ nhập học tiểu học, THCS, THPT

– Trình độ phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

b) Tiêu chí về công bằng xã hội trong giáo dục

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số

– Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường phổ thông.

– Tỷ lệ trẻ em khuyết tật được đến trường phổ thông.

– Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, vùng sâu, vùng xa được đến trường phổ thông.

– Tỷ lệ trẻ em nữ được đi học

– Tỷ lệ trẻ em nữ được đi học so với trẻ em nam.

c) Tiêu chí về hiệu quả trong của giáo dục phổ thông

Tiêu chí này phản ánh chất lượng của quá trình giáo dục diễn ra trong các nhà trường. Tiêu chí được đo bằng các chỉ số:

– Tỷ lệ lưu ban, bỏ học.

– Tỷ lệ lên lớp.

– Tỷ lệ tốt nghiệp các cấp.

– Tỷ lệ hoàn thành bậc học, cấp học (hiệu suất đào tạo).

– Tỷ lệ chuyển cấp.

– Tỷ lệ thành công (tỷ lệ xếp loại học sinh, tỷ lệ đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế).

d) Tiêu chí về đạo đức học sinh

Đạo đức của học sinh thể hiện ở hai mặt chủ yếu là nhận thức và hành vi.

Nhận thức bao gồm: nhận thức về chính trị – tư tưởng (lý tưởng, Đảng, chế độ …); nhận thức về các chuẩn mực và giá trị đạo đức (về tiêu chuẩn, nguyên tắc sống và đối xử với gia đình, xã hội, môi trường và bản thân… được xã hội thừa nhận); nhận thức về lối sống (cách thức suy nghĩ, sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự…).

Hành vi bao gồm: các hành vi chính trị (tham gia các hoạt động xã hội – chính trị, Đoàn, Đội, thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đoàn thể…); các hành vi theo chuẩn mực và giá trị đạo đức; các hành vi về lối sống (sống lành mạnh, tích cực, chủ động, sáng tạo, giản dị, tiết kiệm, hợp tác…).

Tiêu chí về đạo đức được đo bằng các chỉ số:

– Tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm

– Tỷ lệ học sinh tham gia Đoàn, Đội, các phong trào, các hoạt động công ích.

– Tỷ lệ học sinh bị kỷ luật, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội.

– Kết quả trắc nghiệm tâm lý – xã hội về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trên mẫu được lựa chọn.

e) Tiêu chí về năng lực trí tuệ

Năng lực trí tuệ ở học sinh được thể hiện ở các mặt sau:

– Mức độ nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học. Mức độ nắm vững kiến thức được đánh giá theo thang bậc: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá.

– Phương pháp học tập thể hiện ở mức độ tích cực, tự chủ, chủ động trong học tập, năng lực tự học.

– Năng lực sáng tạ

Tiêu chí về năng lực trí tuệ được đo bằng các chỉ số:

– Kết quả trắc nghiệm trên mẫu lựa chọn về mức độ nắm vững kiến thức, kỹ năng.

– Kết quả trắc nghiệm trên mẫu lựa chọn về năng lực sáng tạo.

– Kết quả khảo sát theo phương pháp xã hội học trên mẫu lựa chọn về phương pháp học tập.

f) Tiêu chí về kỹ năng sống [2]

Kỹ năng sống bao gồm những kỹ năng chung (kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thương lượng, kỹ năng giao tiếp …) và những kỹ năng trong các tình huống ngữ cảnh cụ thể của đời sống xã hội (kỹ năng tạo ra thu nhập, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng phòng tránh các tệ nạn xã hội …).

Tiêu chí về kỹ năng sống được đo bằng chỉ số:

– Kết quả trắc nghiệm, điều tra xã hội học trên mẫu lựa chọn về các kỹ năng sống của học sinh.

h) Tiêu chí về năng lực thẩm mỹ

Năng lực thẩm mỹ ít nhất thể hiện ở ba mặt chủ yếu sau:

– Cảm thụ thẩm mỹ thể hiện ở năng lực tiếp nhận giá trị thẩm mỹ nói chung, giá trị nghệ thuật nói riêng.

– Thị hiếu thẩm mỹ thể hiện hứng thú, sở thích, nhu cầu, nguyện vọng đối với các loại hình nghệ thuật và trong cuộc sống hàng ngày.

– Lý tưởng thẩm mỹ thể hiện ở quan niệm về mẫu người lý tưởng xét từ góc độ thẩm mỹ và nhu cầu đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tiêu chí về năng lực thẩm mỹ được đo bằng chỉ số: kết quả điều tra, khảo sát trên mẫu lựa chọn bằng các trắc nghiệm, bảng hỏi về ba khía cạnh biểu hiện năng lực thẩm mỹ nêu trên.

k) Tiêu chí về thể lực

Tiêu chí về thể lực biểu hiện ở sức khỏe, sự phát triển thể chất của học sinh.

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số.

– Chỉ số về hình thái: chiều cao, cân nặng …

– Chỉ số về tố chất thể lực: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khéo léo và mềm dẻo.

– Chỉ số về bệnh học đường: tỷ lệ cong vẹo cột sống, cận thị …

Để xác định các chỉ số này dùng phương pháp đo đạc, thăm khám y tế, sử dụng các bài tập trắc nghiệm trên mẫu lựa chọn.

3. Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học

Giáo dục nghề nghiệp và đại học là những hệ thống con trong hệ thống giáo dục quốc dân, do đó mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng phải phản ánh mục tiêu chung của hệ thống giáo dục quốc dân theo đặc thù của những bậc học này.

Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và đại học là thực hiện “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cụ thể là “đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh” và “đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (Luật Giáo dục, 1998, điều 29 và 35)

Xuất phát từ quan niệm chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục, thì các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục của các bậc học này, cụ thể hóa những nội dung cơ bản của mục tiêu.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học.

a) Tiêu chí về công bằng xã hội trong giáo dục

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số

– Tỷ lệ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được học trong các trường chuyên nghiệp dạy nghề và đại học.

– Tỷ lệ học sinh, sinh viên xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa.

– Tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ trong tổng số học sinh, sinh viên.

– Tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ so với học sinh, sinh viên nam.

b) Tiêu chí về hiệu quả trong của giáo dục nghề nghiệp và đại học

Tiêu chí này được đo bằng các chỉ số

– Tỷ lệ lưu ban, bỏ học

– Tỷ lệ hoàn thành khóa học

– Tỷ lệ thành công trong khóa học

c) Tiêu chí về phát triển nguồn nhân lực

Tiêu chí này được đo bằng chỉ số.

– Số học sinh THCN trên vạn dân.

– Số học sinh học nghề trên vạn dân.

– Số sinh viên trên vạn dân.

– Tỷ lệ lao động phân theo các trình độ đào tạo trong tổng số lao động.

d) Các tiêu chí về nhân cách người học

  • Tiêu chí về đạo đức.
  • Tiêu chí về năng lực trí tuệ.

– Trình độ nắm vững kiến thức.

– Trình độ kỹ năng nghề nghiệp.

– Phương pháp học tập, năng lực tự học.

– Năng lực sáng tạo.

  • Tiêu chí về năng lực thích ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động sau đào tạo.
  • Tiêu chí về năng lực thẩm mỹ.
  • Tiêu chí về thể lực.
  1. Các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của một cơ sở giáo dục – đào tạo

4.1 Đánh giá chất lượng giáo dục của một cơ sở giáo dục – đào tạo theo 10 thành tố chất lượng giáo dục trong Tuyên bố Dakar-2000 [4]

(1) Học sinh khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt, được động viên để có động cơ học tập.

(2) Giáo viên thành thục về nghề nghiệp và được động viên tốt.

(3) Phương pháp – kỹ thuật học tập tích cực.

(4) Chương trình (curriculum) phù hợp.

(5) Cơ sở vật chất – thiết bị dạy học thích hợp, dễ tiếp cận.

(6) Môi trường học tập vệ sinh, an toàn, lành mạnh.

(7) Hệ thống đánh giá thích hợp về môi trường, quá trình (giảng dạy – học tập) và kết quả.

(8) Sự quản lý có tính tham gia.

(9) Tôn trọng và lôi cuốn cộng đồng cũng như nền văn hóa địa phương.

(10) Các thiết chế và các chương trình giáo dục với nguồn lực thích hợp và bình đẳng.

4.2 Tiêu chí chất lượng giáo dục một trường đại học [10]

Theo quan niệm chất lượng giáo dục là tổng hợp chất lượng của các thành tố tạo nên giáo dục và theo cách tiếp cận đánh giá quá trình, có thể xây dựng các tiêu chí và bộ chỉ số thực hiện bao gồm:

– Các chỉ số đầu vào (input indicators)

+ Liên quan đến sinh viên.

+ Liên quan đến đội ngũ cán bộ giảng dạy.

+ Liên quan đến tài chính.

+ Các chỉ số thực hiện khác.

– Các chỉ số quá trình đào tạo (process indicators)

+ Liên quan đến sinh viên.

+ Liên quan đến đội ngũ cán bộ giảng dạy.

+ Liên quan đến tài chính.

+ Các chỉ số thực hiện khác.

– Các chỉ số đầu ra (output indicators)

+ Liên quan đến sinh viên.

+ Liên quan đến đội ngũ cán bộ giảng dạy.

– Các chỉ số chung (General indicators)

+ Đánh giá.

+ Uy tín của trường đại học.

+ Các chỉ số chung khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Quốc Bảo, Hiệu quả kinh tế của giáo dục. Giáo dục và Thời đại, số 42 (96).
  2. Nguyễn Thanh Bình, Bàn về chất lượng, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Hội thảo chiến lược giáo dục phổ thông – Quan niệm và tiêu chí đánh giá, 23/3/2005.
  3. Nguyễn Quốc Chí, Quan niệm về chất lượng trong giáo dục và đào tạo. Hội thảo quốc gia về chất lượng giáo dục và kỹ năng sống, Hà Nội, tháng 10 năm 2003.
  4. Nguyễn Hữu Châu, Hướng đến những quan niệm đầy đủ hơn về chất lượng giáo dục, Báo cáo khoa học đề tài CTGD-2004-01.
  5. Phạm Tất Dong, Chất lượng giáo dục, Hội thảo chất lượng giáo dục phổ thông – quan niệm và tiêu chí đánh giá, 23/3/2005
  6. Nguyễn Minh Đường, Cơ sở khoa học và phương pháp xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục THCN. Báo cáo khoa học đề tài CTGD-2004-01.
  7. Phạm Minh Hạc, Tầm nhình về chất lượng giáo dục ở Việt Nam, Hội thảo quốc gia về chất lượng giáo dục và kỹ năng sống, Hà Nội, tháng 10/2003.
  8. Đặng Thành Hưng, Một số vấn đề lý luận và kỹ thuật đánh giá sự phát triển giáo dục. Tài liệu Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, 2004.
  9. Trần Kiều, Về chất lượng giáo dục. Báo cáo khoa học đề tài CTGD-2004-01.
  10. Lê Đức Ngọc, Đánh giá giáo dục đại học. Báo cáo khoa học đề tài CTGD-2004-01
  11. Lê Đức Phúc, Chất lượng và hiệu quả giáo dục, Tạp chí NCGD, Số 5-1997.
  12. Vũ Trọng Rỹ, chất lượng giáo dục phổ thông và việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Báo cáo khoa học đề tài CTGD-2004-01.

 (Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “ Giáo dục phát triển toàn diện – Thực trạng và giải pháp xét từ bình diện Tâm lý học và Giáo dục học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 30 – 31 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.22-35).