Ý kiến với Quốc Hội: Không nên yêu cầu bộ Giáo dục và Đào tạo viết thêm một bộ sách giáo khoa phổ thông nữa

Ngày 2-10-2023, tại Hội trường của Liên Hiệp Hội phố Tống Duy Tân, Hà Nội, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến của Trí thức Khoa học và Công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV”. Đến dự Hội nghị có đông đảo các đại biểu đại diện cho các Bộ, Ngành cơ quan Trung ương, đại diện các Ủy ban của Quốc Hội, đại biểu của các Liên Hiệp Hội các Tỉnh, Thành, các nhà trí thức thuộc các Hội ngành trong cả nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) đã trình bày kiến nghị cho kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV sắp tới với tiêu đề: “Không nên yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo viết thêm một bộ sách giáo khoa phổ thông nữa”. Sau đây là toàn văn bản đóng góp ý kiến với Quốc hội.

 

  1. Vấn đề Giáo dục đang được sự quan tâm của công chúng

Tại cuộc họp Quốc Hội 14-8-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách, các tổ chức cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn 1 hoặc 1 số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn tất cả các SGK. Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước…[1].

Kiến nghị lại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kiến nghị về một bộ sách giáo khoa của Nhà nước sẽ ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Bộ SGK của Nhà nước có thể tác động đến “Tinh thần đổi mới” của ngành Giáo dục.

2.Trở lại lịch sử vấn đề

Cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11-2014, tại Hội trường 53 Nguyễn Du, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp Hội) (VUSTA), một diễn đàn khoa học trí thức về vấn đề này đã được VUSTA chủ trì tổ chức, Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) là đơn vị được đặt hàng phản biện. Nhiều đại biểu các Ban, Ngành, cơ quan Trung ương và hàng chục phóng viên báo chí đã có mặt. Vị Thứ trưởng Bộ GD và Đào tạo thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày chủ trương Bộ GDĐT biên soạn Bộ sách Giáo khoa mới đáp ứng cho chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được công bố.

2.1.Ý kiến phản biện của Hội KHTL-GDVN lúc đó là:

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn SGK, không thể tự nhận công việc này được là vì đây không thuộc chức trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chức trách của Bộ là quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, không có nhiệm vụ biên soạn SGK. Điều 14 của Luật Giáo dục (2009) đã ghi rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ, tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục”[2].
  • Nếu việc biên soạn SGK là việc Bộ GD và ĐT phải làm thì Bộ cũng không thể làm được vì không được bố trí nhân lực để đủ sức thực hiện việc này. Tại sao Bộ lại tự làm khổ, làm khó cho mình như thế?
  • Để có thể có những bộ SGK phù hợp, có chất lượng, cần huy động chính đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Hiện nay, đất nước ta có biết bao nhiêu các Hội nghề nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả. Chẳng hạn, Hội Toán học Việt Nam sẽ đảm nhận việc biên soạn các SGK về Toán, Hội Vật lý Việt Nam sẽ biên soạn các SGK về Vật Lý v.v…Nhà nước có thể có sự hỗ trợ bước đầu một phần, hoặc cho vay chi cho việc biên soạn. Sau này, có thành phẩm, sẽ tổ chức bán thu tiền về để tự trang trải. Cách làm này, nhiều nước đã làm. Theo cách làm này, vừa đơn giản, vừa hợp với khả năng của ta, sẽ không mất nhiều thời gian và chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng có SGK tốt và nhà nước lại không quá tốn kém, rất cần cho đất nước ta trong lúc này. Việc thẩm định các SGK này cũng sẽ được các Hội đồng Khoa học cơ sở đánh giá và trình Bộ GDĐT phê chuẩn. Như thế sẽ có nhiều bộ SGK càng làm phong phú thêm cho việc thực hiện dân chủ hóa trong dạy học, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học tại các trường.
  • Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra, Bộ GDĐT nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. Một khi chưa làm rõ chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất bản sách giáo khoa. Trình bày báo cáo thẩm tra, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã cho biết, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện[3]. Việc có nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn SGK sẽ huy động được nguồn trí tuệ dồi dào của các nhà khoa học, của chính đội ngũ đông đảo các thầy cô giáo giỏi từ các nhà trường, huy động được nguồn lực tài chính của cả xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Theo con đường như thế, sẽ có lợi cho cả người học, người dạy, tiết kiệm ngân sách cho đất nước.

2.2.Trên diễn đàn báo chí lúc đó, nguyên Tổng Biên tập Nhà XB Giáo dục đã có lời phát biểu, “Tôi không tán thành quan điểm Bộ GD và ĐT sẽ chủ động biên soạn một bộ SGK” … “Hiện chúng ta có những nhà xuất bản của các ĐH quốc gia, các trường ĐH sư phạm hoàn toàn có thể làm tốt việc này. Nếu Bộ đứng ra biên soạn SGK rồi bộ trưởng lại là người thẩm định các bộ SGK trước khi cho phép đưa vào giảng dạy thì rất dễ xảy ra tình trạng “con đẻ – con nuôi” [4].

2.3. Và như chúng ta đã biết, sau đó Bộ GDĐT đã không tham gia biên soạn SGK nữa. Đã có 5 Bộ Sách Giáo khoa xuất hiện … Năm đầu tiên triển khai chương trình, NXB Giáo dục Việt Nam đã thành lập bốn nhóm tác giả để biên soạn bốn bộ sách khác nhau, (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục). Bên cạnh đó có bộ SGK xã hội hóa Cánh Diều do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

2.4. Ngày 5-8-2022, Hội khoa học TL-GDVN tổ chức Hội thảo Quốc gia tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với chủ đề “Thực trạng chất lượng, hiệu quả triển khai đại trà Chương trình và Sách giáo khoa mới (2018) cấp Tiểu học và Trung học cơ sở trong hai năm học 2020-2021; 2021-2022 dưới góc nhìn Tâm lý học và Giáo dục học”. Hội thảo đã có mặt đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, hơn 250 các nhà khoa học, các thầy, cô giáo nhiều tỉnh, thành của cả nước tham dự và phát biểu ý kiến. Nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học, thầy/cô giáo được trình bày. Báo cáo của vị đại biểu Bộ GDĐT tham dự Hội thảo đã phát biểu và có lời kết luận: i)- Thực hiện NQ 88 của Quốc Hội, đã có 6 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định các SGK lớp 1, lớp 2, lớp 3 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đảm bảo chất lượng, được Bộ GD và Đào tạo phê duyệt;  ii)-Tất cả các SGK được Bộ GDĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập Hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này đã cho thấy thành công bước đầu  của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK; iii)-Hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, cùng với Chương trình và SGK mới, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng chủ động linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ , sáng tạo của Tổ chuyên môn; Các nhà trường cũng đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo Chương trình và SGK đã đề ra; iv)-Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra của Chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

3. Đề xuất kiến nghị về Giáo dục và Đào tạo cho kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV

3.1.Điều 32 Luật Giáo dục (Lệnh 05/2019/L-CTN, ngày 28-6-2019 của Chủ tịch nước) không quy định việc Bộ GDĐT phải tổ chức biên soạn 1 Bộ SGK, mà chỉ quy định tại khoản 3 của điều này là: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông…”

3.2. Quyết định 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 có ghi Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học […]

         Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Như thế, QĐ 88 cũng không yêu cầu bắt buộc nhất thiết Bộ GDĐT phải viết một (01) Bộ SGK.  Tại diễn đàn khoa học năm 2014, đã có nhiều nhà khoa học, nhà xuất bản nói về tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “con đẻ-con nuôi” có thể xẩy ra nếu Bộ GDĐT đứng ra chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông.

3.3. Để biên soạn một (01) bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình giáo dục đã ban hành, ít nhất cần một lượng tiền tối thiểu ước tính là 300 tỷ VNĐ. Đây là một chi phí không hề nhỏ, trong khi đất nước còn muôn vàn khó khăn. Liệu có nên không?  Hiện tại ta đã có 5 bộ SGK đã được các Hội đồng quốc gia có trách nhiệm thẩm định. Các SGK về cơ bản được chấp nhận theo các tiêu chí do Chương trình, do Luật Giáo dục, do Nhà nước yêu cầu. Kể từ 2014 (đã 9 năm qua), cả nước đã bắt tay vào xây dựng Chương trình, và kể từ 2020 (đã 3 năm, tính cả năm học 2023-2024 là 4 năm), các trường trong cả nước đã bắt tay vào dạy theo chương trình và SGK mới. Như đã trình bày ở trên, về cơ bản là ổn. Các thầy/ cô giáo và toàn dân đã rất cố gắng. Sách còn sạn đấy, nhưng việc chỉnh sửa gạt bỏ sạn sẽ phải được tiếp tục, và đó là việc làm không khó. Giá thành còn cao, cần thẩm định kỹ để hạ giá sách.

3.4. Vì những lý do đã trình bày ở trên, tôi kính trình trước Chính Phủ, Quốc hội cần cân nhắc kỹ việc có nên bắt buộc Bộ GDĐT phải tổ chức biên soạn một (01) Bộ SGK từ Lớp 1 đến Lớp 12, gồm 137 đầu sách hay không./.

(GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam)                                                                                            30-9-2023

————————————————

[1] https://www.youtube.com/watch?v=I-Twm73YutI

[2] Luật Giáo dục (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), NXB Tư Pháp, Hà Nội 2010, tr. 31-32.

[3] Xem http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-se-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-va-ban-ban-quyen-3085681.html

[4] Xem http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140828/kho-binh-dang-neu-bo-van-bien-soan-sach-giao-khoa.aspx