Sự kiện “Thắp lửa cùng tiến lên 2023” tại Vinpearl Nha Trang

Sự kiện “Thắp lửa cùng tiến lên” lần thứ 3 được tổ chức tại Vinpearl Nha Trang  trong 3 ngày từ ngày 26/03/2023 đến ngày 28/03/2023 với gần 150 đại biểu tham gia trực tiếp đến từ các trường phổ thông, đại học, các nhà quản lý giáo dục từ nhiều địa phương trên cả nước. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Câu Lạc Bộ Quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp) trực thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý Giáo dục (ELRD) – một đơn vị thành viên của Hội Khoa học Tâm lí Giáo dục học Việt Nam.

Tại phiên toàn thể sáng 27/3/2023 với chủ đề “Xây dựng danh tiếng trường học ” sự kiện có bài trình bày của Diễn giả TS. Stephen Holmes – Nhà sáng lập kiêm hiệu trưởng The 5Rs Partnership.

Trong Hội thảo Hội thảo của Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới – EdulightenUp, TS. Stephen Holmes đã chỉ ra 8 lĩnh vực mà các lãnh đạo nhà trường cần tập trung để xác định, xây dựng danh tiếng nhà trường, đó là:

  1. Định vị tổng thể trường học một cách rõ ràng
  2. Hiệu suất định tính được thể hiện rõ ràng
  3. Lợi thế cạnh tranh giữa trường bạn và những trường xung quanh
  4. Xu hướng nhu cầu tích cực – học sinh và nhân viên
  5. Quan hệ với cơ quan truyền thông và cộng đồng trong và ngoài khu vực
  6. Chất lượng học sinh (chất lượng đầu vào, thành tích của học sinh tại đại học/môi trường làm việc)
  7. Thiện chí và sự kết nối của công chúng đối với Nhà trường (đối tượng nào và ở đâu)
  8. Tập trung truyền thông truyền miệng, chẳng hạn như là phát triển nhân viên trung thành (Đào tạo cho nhân viên về vai trò của họ với danh tiếng của Nhà trường, KPI cho nhân viên về danh tiếng, đánh giá văn hóa nhân viên, …)

Tiếp đó, như là một xu hướng trong giáo dục phổ thông, chứ không chỉ trong giáo dục đại học, quốc tế hoá nhà trường là một động lực, phương pháp tất yếu (theo chia sẻ của Giáo sư Geok Theng Lau, Nguyên Phó viện trưởng Viện kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore). Quốc tế hoá nhà trường cũng là một chiến lược nhằm định vị thương hiệu, xác định và chiếm lĩnh tập khách hàng,… và đương nhiên là nhằm xây dựng danh tiếng của nhà trường. Ông cho rằng, một số yếu tố quan trọng nhất đối với lãnh đạo nhà trường trong quá trình quốc tế hoá là: Tầm nhìn, mục tiêu và việc lập kế hoạch hội nhập quốc tế; đội ngũ lãnh đạo mạnh với những cá nhân xuất sắc; quy trình lãnh đạo và quản lí được vận hành tốt đầy tính cam kết. Ông cũng khuyến nghị rằng việc hợp tác với các công ti, tập đoàn, doanh nghiệp giáo dục nước ngoài là một cách rút ngắn lộ trình quốc tế hoá.

Với Chủ đề “Phát triển công dân toàn cầu”, các đại biểu được Diễn giả Ths. Đào Thu Hiền – Đại diện hệ thống giáo dục Ban Mai đồng thời là Nhà sáng lập GPA và Diễn giả Ths. Lê Đình Hiếu – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục MAX Education; Là một trong 20 đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 chia sẻ về những triết lí giáo dục và kinh nghiệm của các mô hình tiên tiến trên thế giới và  của hệ thống giáo dục Ban Mai thực hiện và đạt được thành tự trong suốt 15 năm qua, gắn với sứ mệnh truyền cảm hứng, trao yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đào tạo các thế hệ học sinh Việt Nam ưu tú, phát triển toàn diện sẵn sàng hội nhập và thành công bền vững với 5 chìa khóa: Nhân cách, Trí thức, Năng lực, Sức khỏe, Tư duy Toàn cầu.

Trong phiên thảo luận diễn ra vào chiều ngày 27/03/2023, tại phiên toàn thể với chủ đề: Tinh thần thể thao trong rèn luyện “Bản lĩnh người lãnh đạo” các đại biểu đã được giao lưu với Ông Park Hang Seo – Cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Những đại biểu cũng là những Người hâm mộ của HLV Park đã được ông chia sẻ về những kinh nghiệm trong huấn luyện cầu thủ, đặc biệt là rèn luyện bản lĩnh cho học. Một điều mà cựu “thuyền trưởng” tuyển Việt Nam đề cập, đó là dù thất bại thì cũng không để cầu thủ thấy được hình ảnh về sự dao động của HLV trưởng. Đã là lãnh đạo phải có sự che chở cho cấp dưới trước mọi sự tấn công từ bên ngoài. Làm thế thì họ mới có sự tự hào và nhận ra sứ mệnh của mình trong công việc của họ. Nếu người hiệu trưởng hội tụ các yếu tố như thế thì giáo viên sẽ làm tốt công việc của mình. Mỗi người thầy sẽ có phương pháp dạy học trò khác nhau. Khi dẫn dắt các cầu thủ, họ là người đã trưởng thành nên rất khó để sửa những kỹ năng cơ bản. Ta phải tận dụng 100% những tài năng riêng của cầu thủ đó cho đội bóng. Tôi chỉ tập trung vào ưu điểm và tính cách của từng cầu thủ để bố trí, sắp xếp vào vị trí nào cho phù hợp mới quan trọng. Đó là nhiệm vụ của người thầy.

Ngoài ra, Hội thảo cũng tổ chức Chủ đề “Tư duy phản biện trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số”. Diễn giả Bà Tô Thụy Diễm Quyên – Top 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng sẽ trình bày bài phát biểu của mình. Với 30 năm tâm huyết với giáo dục với cả 3 vai trò: Giáo viên – Chuyên viên đào tạo – Chủ doanh nghiệp, diễn giả thấu cảm những trăn trở của mỗi thầy cô và sứ mệnh đào tọa con người nói chung trong thời đại mới. Trong đó, việc bắt kịp và quản lý được công cuộc chuyển đổi số các trường học cần vận dụng tư duy phản biện một cách sắc bén.

Để mang đến những góc nhìn của xu thế toàn cầu, và đi sâu vào những sáng kiến, phương pháp thực tiễn cho môi trường giáo dục tại Việt Nam, về: 1. Bối cảnh toàn cầu và thay đổi mục tiêu giáo dục; 2. Khung chuyển đổi số dành cho giáo dục phổ thông; 3. Cuộc sống số với Tư duy phản biện, Nền tảng của chuyển đổi số, Giải quyết vấn đề – lựa chọn giải pháp, An toàn Internet; 4. Thực hành xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho đơn vị trường

Đặc biệt, trong Chủ đề “lãnh đạo phát triển trường học đổi mới và hạnh phúc”. Diễn giả Th.s Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng trường THPT Kim Ngọc – Thành phố Vĩnh Yên – Tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ hành trình xây dựng trường học của mình từ ngôi trường có nguy cơ bị giải thể, chất lượng ở Top dưới đã trở thành ngôi trường vững vàng với niềm tin yêu của học sinh, giáo viên. Cô Hằng Hải và các đại biểu đã thẳng thắn bàn luận về thực tế yêu cầu đổi mới trường học; Thực trạng, khó khăn khi xây dựng trường học đổi mới và hạnh phúc tại các trường phổ thông;  Thực hành xây dựng trường học đổi mới và hạnh phúc tại trường THPT Kim Ngọc; Giáo dục cần sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, thích ứng nhanh của các nhà quản lí, đồng thời cũng chỉ ra những điểm trống trong công tác thực thi lãnh đạo, nâng cao năng lực cho các quản lí giáo dục.

Tại Sự kiện, Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục và Công ty Cổ phần Xuát bản Khoa học và Giáo dục Thời đại (TIMES) cũng đã giới thiệu 2 cuốn sách dành cho các nhà quản lý giáo dục: 7 Định luật giảng dạy và Trí tuệ hiệu trưởng, hướng tới nâng cao năng lực quan trị, thực thi giáo dục, góp phần thành công cho đổi mới dục Việt Nam.

Trước đó, chiều 26/3, các đại biểu đã tham gia hoạt động đầu tiên của chuỗi sự kiện là giải chạy “Khỏe để cống hiến và hạnh phúc” trên cung đường dài khoảng 3,6km trong khuôn viên của quần thể du lịch Vinpearl Nha Trang, các vận động viên đã nhiệt tình tham gia cùng sự cổ vũ của khán giả.

Trong khuôn khổ sự kiện “Thắp lửa cùng tiến lên” năm 2023 do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới – EdulightenUp tổ chức tại Vinpearl Nha Trang từ ngày 26 – 28/3, Tập đoàn Giáo dục BlueSky Education cùng Viện nghiên cứu và Phát triển Quản lý Giáo dục đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục. Mục đích hợp tác nhằm phát triển hợp tác giữa các bên xung quanh các chương trình thúc đẩy giáo dục, đặc biệt là các nội dung chuyên môn trong việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế tới các trường học ở Việt Nam.

Hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2023” là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới mà còn là nguồn cảm hứng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu vì nền giáo dục Việt Nam.

Tin và ảnh: PGS.TS. Chu Thị Cẩm Thơ, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận từ Hội thảo: