Trung tâm Thái Hà – Nơi sự khác biệt được toả sáng!

Tự kỉ (Autism) hay rối loạn phổ tự kỉ (Autism Spectrum Disorder, viết tắt là ASD) đều là những thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Đặc trưng bởi những khó khăn về thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi và sở thích định hình lặp lại. Ngoài các biểu hiện nêu trên, trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện khác như rối loạn giác quan, tăng động giảm chú ý….

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỉ, nhưng theo thống kê của Tổng cục Thống kê công bố từ tháng 1 năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra và tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ở nam và nữ là khác nhau, trong đó bé trai có tỷ lệ mắc cao hơn bé gái (khoảng 4 lần). Tuy nhiên, thực tế số lượng trẻ em được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng lên rất nhanh do nhận thức của xã hội và các bậc phụ huynh về tự kỷ ngày càng sâu rộng.

Trước thực trạng số lượng trẻ tự kỷ ngày càng có xu hướng gia tăng theo sự phát triển của xã hội, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn tâm lý, Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Thái Hà (Trung tâm Thái Hà) đã được thành lập theo Quyết định số 105-2019/QĐ-HKHTLGDVN ngày 03 tháng 9 năm 2019, là đơn vị trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Với chức năng Nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học trong lĩnh vực Tâm lý xã hội học, Tâm lý trẻ khuyết tật, sức khoẻ tâm thần cho trẻ em. Bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ em đặc biệt là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tư vấn, can thiệp, trị liệu các vấn đề sức khoẻ tâm thần, tự kỷ cho trẻ em và người lớn.

Với mục đích giảm thiểu các khiếm khuyết cốt lõi (các khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội, các hành vi giới hạn, lặp lại) và các vấn đề đi kèm. Đồng thời, nâng cao khả năng độc lập nhất có thể, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ học tập và đạt được các kỹ năng thích ứng. Loại trừ, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các hành vi không mong muốn làm cản trở sự phát triển các kỹ năng. Hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều phương pháp can thiệp rối loạn phổ tự kỷ khác nhau, tuy nhiên, không có một phương pháp can thiệp nào là vạn năng, tất cả các phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng biệt. Vì vậy, trong quá trình can thiệp trẻ tự kỷ, Trung tâm Thái Hà căn cứ vào kết quả đánh giá, tùy mức độ nặng, nhẹ của trẻ mà sử dụng phương pháp thích hợp hay cần kết hợp nhiều phương pháp can thiệp trị liệu cùng một lúc để có thể đem lại kết quả tối ưu nhất.

Đơn cử với phương pháp ứng dụng phân tích hành vi (ABA) đây là biện pháp được quan tâm nhiều nhất trong trị liệu trẻ tự kỷ, được đánh giá là một trong những biện pháp cải thiện hành vi của trẻ. Các nguyên tắc trị liệu được ứng dụng cho những hành vi quan trọng mang tính xã hội. Đối với mỗi trẻ, ngay khi bắt đầu chương trình can thiệp, trẻ sẽ được đánh giá ban đầu để kiểm tra xem kỹ năng nào trẻ đã có, kỹ năng nào chưa có. Sau đó lựa chọn các mục tiêu can thiệp phù hợp với từng cá nhân dựa trên đánh giá ban đầu. Nội dung can thiệp gồm các kỹ năng như: tự chăm sóc, lời nói và ngôn ngữ, kỹ năng ứng xử xã hội. Các kỹ năng này thường được chia nhỏ thành các kỹ năng thành phần và được sắp xếp theo trình tự phát triển, từ đơn giản đến phức tạp. Có thể nhận thấy phương pháp ABA rất hiệu quả để dạy trẻ tự kỷ những kỹ năng, hành vi mới với cách dạy rõ ràng, chia nhỏ nhiệm vụ và có thể áp dụng ở mọi tình huống, mọi nơi. Tuy nhiên cần rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian của trẻ với gia đình và không phải ai cũng thực hiện được. Bên cạnh đó để dạy trẻ theo phương pháp này cần có sự tập trung công sức, thời gian, tài chính kéo dài trong nhiều năm.

Với phương pháp trị liệu và giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ khó khăn về giao tiếp (TEACCH). Đây là một phương pháp được thiết kế để hướng dẫn các kỹ năng mới trong tình huống một thầy một trò. Các kỹ năng hiện tại được thực hành trong một tình huống độc lập và có các cơ hội tương tác xã hội diễn ra trong hoạt động nhóm. Bản chất của phương pháp TEACCH là quá trình dạy học có cấu trúc, chính là cách thức thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học theo khuôn khổ và trình tự logic và ổn định. Trong đó, tạo tối đa những gì có thể tiếp thu bằng kênh thị giác và giảm thiểu những hướng dẫn bằng lời. Cách này giúp tận dụng những thế mạnh của trẻ tự kỷ, đó là khả năng tri giác, ghi nhớ bằng hình ảnh và dùng thế mạnh này khắc phục những khó khăn của trẻ. Đồng thời việc sử dụng cấu trúc cũng giúp trẻ dễ dàng hiểu và đoán được những điều đang và sẽ xảy ra. Qua quá trình áp dụng thực tế phương pháp TEACCH vào can thiệp trẻ tự kỷ tại Trung tâm Thái Hà cho thấy, trẻ có sự tiến bộ về hành vi và giao tiếp nhưng phương pháp đã bộc lộ hạn chế về sự ra quyết định và sáng tạo của trẻ cũng như các đồ dùng rất gò bó theo chương trình giảng dạy.

Theo nghiên cứu, khoảng 50% trẻ tự kỷ không có ngôn ngữ nói. Vì vậy, việc dùng các hình ảnh trực quan sẽ giúp hình thành ngôn ngữ cũng như hỗ trợ khả năng giao tiếp của trẻ đạt kết quả tốt hơn. Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) còn được áp dụng với cả trẻ chậm nói đơn thuần hay các rối loạn chậm phát triển khác. Cách dạy PECS là từ những hình riêng lẻ trẻ sẽ xếp đặt thành câu nhiều chữ. Ví dụ, trẻ sắp xếp các hình ảnh: Con muốn ăn bánh để thể hiện nhu cầu của trẻ thay vào việc trẻ kéo tay ba mẹ ra lấy bánh, từ đó mở rộng dần những nhu cầu khác. Thực tế áp dụng phương pháp PECS, các trẻ theo học tại Trung tâm Thái Hà đã có sự chủ động tham gia và biết thể hiện rõ những nhu cầu của mình và phát triển lời nói, giao tiếp nhanh. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này, giáo viên phải mất nhiều thời gian chuẩn bị kho hình ảnh, vì hình ảnh càng sát với thực tế sẽ giúp trẻ thể hiện nhu cầu tốt hơn và việc tập trung quá nhiều khả năng giao tiếp làm mất nhiều thời gian và bỏ qua các lĩnh vực phát triển khác.

Song song với các phương pháp trên, Trung tâm Thái Hà còn sử dụng kết hợp các phương pháp khác: Điều hoà các giác quan, phương pháp tâm vận động, floortime, âm ngữ trị liệu, âm nhạc trị liệu…trong từng giờ can thiệp, xuyên suốt trong quá trình trị liệu cho trẻ. Tuy nhiên, dựa trên thực tế can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong nhiều năm qua cho thấy, dù có sử dụng nhiều phương pháp, nhưng để các phương pháp can thiệp trẻ đạt hiệu quả nhất thì sự tham gia và đồng hành của phụ huynh trong quá trình can thiệp, giáo dục trẻ là điều vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định sự phát triển, tiến bộ của trẻ. Bởi vậy, để giúp các phụ huynh bắt đầu trên hành trình đồng hành cùng con yêu và định hướng cho phụ huynh đi đúng con đường, ngay từ ngày đầu tiên khi trẻ đến với Trung tâm Thái Hà, trẻ đã được đánh giá chuyên sâu nhằm phát hiện chính xác các vấn đề của trẻ. Căn cứ trên kết quả đánh giá, phụ huynh được cùng trao đổi, chia sẻ về các vấn đề của trẻ, được tư vấn về phương pháp can thiệp và hỗ trợ can thiệp cho trẻ tại gia đình.

                       Cán bộ Trung tâm tư vấn cho phụ huynh sau khi đánh giá trẻ

Nhằm giúp phụ huynh có sự theo dõi sát sao đối với hoạt động can thiệp cho trẻ tại Trung tâm và hỗ trợ trẻ tại gia đình, sau mỗi giờ can thiệp cá nhân, mỗi trẻ đều có sổ theo dõi để ghi lại các hoạt động của trẻ trong ca can thiệp cũng như đánh giá cụ thể khả năng tham gia của trẻ ở từng hoạt động và hướng dẫn phụ huynh cách thức tổ chức hoạt động đó tại gia đình. Đồng thời, phụ huynh sẽ được tham gia nhóm Zalo để nhận và gửi bài tập về nhà khi trẻ hoàn thành cho giáo viên can thiệp. Với sự nỗ lực, từng bước một, phụ huynh của trẻ đã và đang trở thành những thầy cô giáo thực thụ và là người bạn của con tại gia đình.

                             Giáo viên tư vấn phụ huynh sau giờ can thiệp

Có thể nêu trường hợp trong gia đình anh Đ: Em trai bị tự kỷ và hiện tại con trai cũng được chẩn đoán tự kỷ từ khi hơn 2 tuổi, anh Đ cũng quyết tâm phải đồng hành với con trong từng ngày. Ngay khi sinh con được vài tháng, anh Đ để ý: khi gọi con không có phản ứng với tiếng gọi của bố mẹ, lớn hơn chút con chỉ thích nhìn quạt trần quay, thích xoay tròn bánh xe ô tô, bánh xe đạp và thường xuyên chạy vòng tròn. Con luôn né tránh nhìn vào mắt người khác, hay cáu giận, hơn hai tuổi con vẫn chưa biết nói… Anh Đ chia sẻ: “Thời gian đầu vợ tôi không chấp nhận con bị tự kỷ và hai vợ chồng đã có mâu thuẫn, bất đồng quan điểm vì con, nhưng tôi vẫn quyết tâm đưa con đi đánh giá kịp thời, để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị tự kỷ. Dưới sự hướng dẫn, tư vấn tận tình của các thầy cô ở Trung tâm Thái Hà, từ chỗ tôi không biết gì về các phương pháp, tôi đã bước đầu nắm bắt được các kỹ năng, phương pháp chăm sóc và trị liệu cho con. Nhìn con tiến bộ từng ngày, cả nhà tôi lại thêm cố gắng. Giờ đây cháu đã biết dạ khi được gọi tên, biết nói câu 3 – 4 từ và biết cách chơi tương tác cùng ba mẹ, với tôi đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn”.

                      Ba mẹ hỗ trẻ trẻ tại gia đình

Song song với hoạt động trên, trang Facebook Trung tâm Thái Hà cũng là nơi để phụ huynh có thêm những kiến thức mới, những bài học, kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, giáo dục trẻ tại gia đình. Nhũng bài viết, chia sẻ của Trung tâm theo các chủ đề dưới dạng video, hình ảnh thực tế giúp phụ huynh theo dõi và áp dụng hiệu quả các bài tập cụ thể theo từng lĩnh vực phát triển của trẻ. Khi phụ huynh thực hành cho trẻ tại nhà gặp khó khăn sẽ kết nối trực tiếp với giáo viên qua Facebook để được hướng dẫn kỹ thuật một cách chính xác. Phân công giáo viên trực tư vấn theo từng tuần để kịp thời trả lời các thắc mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, giúp phụ huynh vững tâm trên hành trình đầy yêu thương.

                                 Giáo viên tư vấn với phụ huynh qua trang Facebook của Trung tâm

Để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ trong hỗ trợ trẻ tự kỷ, chậm phát triển, Trung tâm Thái Hà thường xuyên tổ chức các buổi họp phụ huynh, các lớp tập huấn chia sẻ theo các chủ đề khác nhau để phụ huynh được hỗ trợ các phương pháp ứng dụng khoa học và được nói lên những khó khăn của chính mình trong “cuộc chiến với tự kỷ”. Bên cạnh đó, các buổi hoạt động nhóm cũng được tổ chức theo định kỳ vào các ngày lễ lớn trong năm, thu hút sự quan tâm, tham gia của các bậc phụ huynh. Thông qua hoạt động nhóm, trẻ học được cách tương tác với các bạn, với ba mẹ và điều quan trọng nhất giúp ba mẹ nhận ra dù đôi lúc con yêu ngô nghê, chưa biết nói nhưng mỗi giây phút bên con là cả bầu trời hạnh phúc.

                             Tổ chức hoạt động nhóm cho trẻ tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam

Như chúng ta đã biết, trên hành trình can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ sự phối hợp giữa cha mẹ, giáo viên và Trung tâm là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, sự tham gia của cha mẹ vào quá trình can thiệp và giáo dục trẻ đóng vai trò quyết định tới sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Với sự nỗ lực đồng hành cùng các bậc phụ huynh bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, Trung tâm Thái Hà đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của các gia đình trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhân Tháng của trẻ tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung, Trung tâm Thái Hà mong muốn các bậc phụ huynh hãy cùng tiếp tục nối vòng tay yêu thương để đồng hành cùng Trung tâm và các “thiên thần đặc biệt” để trẻ tự kỷ có cơ hội hoà nhập và được hưởng một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Trung tâm Thái Hà – Nơi sự khác biệt được toả sáng